Khi căng thẳng về lãnh hải giữa Trung Quốc và các quốc gia khác tại châu Á tăng cao, nhiều tướng lĩnh tại nhiệm lẫn đã về hưu và truyền thông quốc gia này đã đặt ra câu hỏi liệu lực lượng vũ trang của Trung Quốc tham nhũng tới mức không thể chiến đấu và giành chiến thắng.
Theo Reuters, một loạt bài báo trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc trong vài tháng gần đây liên tục đưa các bài viết về tình trạng tham nhũng lan tràn trong quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và làm thế nào mà tình trạng tham nhũng trong quân đội đã góp phần vào sự thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến Trung Nhật cách đây 120 năm.
Với những sĩ quan hối lộ để được thăng chức, tham nhũng là một cách để tái đầu tư
Nỗi lo trên là rất đáng chú ý dựa trên sự hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội Trung Quốc, từ phát triển chiến đấu cơ tàng hình tới hạ thủy tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc vào năm 2012. Được hậu thuẫn bởi ngân sách khổng lồ - chỉ đứng thứ hai sau Mỹ, quân đội Trung Quốc đang phô trương sức mạnh ở biển Đông và biển Hoa Đông, khiến cả khu vực lẫn Washington lo ngại.
Tuy nhiên, hai bê bối lớn gây chấn động dư luận lại bắt nguồn từ tham nhũng trong quân đội Trung Quốc - một mục tiêu lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp.
Trung Quốc cho biết hồi tháng 6 rằng nước này đưa ra tòa án binh tướng Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương, đã về hưu năm 2013, vì nhận hối lộ.
Trước đó, hồi đầu năm, giới chức Trung Quốc đã kết tội một trong những người được tướng Hậu đỡ đầu là trung tướng Gu Junshan tội tham nhũng. Ông Gu giữ chức phó ban hậu cần của quân đội cho tới khi bị sa thải vào 2012.
Các nguồn tin thân cận với Reuters cho biết, ông Gu bị buộc tội bán hàng trăm vị trí trong quân đội, bỏ túi hàng triệu đô la từ một vị trí vốn cho phép ông gây ảnh hưởng với việc bổ nhiệm và thực thi các hợp động liên quan tới đất đai do quân đội sở hữu.
Điều mà một số tướng lĩnh và các chuyên gia khác của Trung Quốc lo ngại là việc mua và bán các vị trí cấp cao trong quân đội - thứ mà đã từ lâu là bí mật mở ở Trung Quốc - đã dẫn tới việc một số nhân vật thực tài bị gạt ra ngoài.
"Dù bạn có chi bao nhiêu tiền cho quân đội chăng nữa thì nó cũng không đủ nếu vẫn còn những quan chức tham nhũng", thiếu tướng Luo Yuan, một trong những vị tướng có tiếng ở Trung Quốc nói với cổng thông tin The Paper ở Thượng Hải hồi tuần trước.
"Số tiền các quan chức tham nhũng như Từ Tài Hậu và Gu Junshan là hàng trăm triệu đô hay hàng tỷ nhân dân tệ. Bao nhiêu chiến đấu cơ có thể chế tạo với số tiền đó? Nếu tham nhũng không bị chặn đứng chúng ta sẽ bị đánh bại trước khi ra trận".
Reuters không thể liên lạc được với ông Xu hay ông Gu để bình luận về thông tin trên. Hiện chưa rõ hai người này có luật sư không. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không đáp trả đề nghị bình luận về tình trạng tham nhũng trong quân đội.
Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu lực lượng vũ trang gồm 2,3 triệu quân ở nước này - đội quân lớn nhất thế giới - phải sẵn sàng chiến đấu hơn nữa dù chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh luôn muốn duy trì quan hệ hòa bình với các nước láng giềng.
Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội từ cuối những năm 1990, cấm quân đội tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, quân đội nước này vẫn tham gia vào các hoạt động thương mại trong vài năm gần đây do thiếu tiền, các nguồn tin cho hay.
Với những sĩ quan hối lộ để được thăng chức, tham nhũng là một cách để tái đầu tư, giới chuyên gia quân sự cho biết. Các ví dụ về tham nhũng bao gồm cho tư nhân thuê đất quân sự, bán giấy phép quân sự, chiếm các căn hộ của quân đội bất hợp pháp hoặc nhận lại quả khi mua thực phẩm hay thiết bị.
"Tham nhũng trong quân đội phải bị tiêu diệt, đó là việc làm khẩn thiết để phát triển lực lượng vũ trang của Trung Quốc", một vị tướng về hưu đề nghị giấu tên nói với Reuters.
Mối lo về tình trạng tham nhũng trong quân đội Trung Quốc tăng cao vào thời điểm đánh dấu 120 năm ngày khởi đầu cuộc chiến Trung Nhật. Quan hệ Trung Nhật từ lâu đã căng thẳng do Nhật chiếm đóng một số khu vực của Trung Quốc trước và trong Thế chiến II, và tiếp tục xấu đi do tranh chấp về chủ quyền đối với một số đảo hoang ở biển Hoa Đông.
Báo chí Trung Quốc thời gian qua đã tập trung vào chủ đề quân đội tham nhũng như thế nào và đó là lý do chính khiến Trung Quốc bị Nhật đánh bại trong những năm kết thúc thời nhà Thanh - chủ đề được báo giấy Study Times đưa ra. Study Times là báo của trường đảng trung ương, nơi chuyên đào tạo các quan chức đang lên.
"Vào cuối thời nhà Thanh...quân đội suy đồi với kỷ luật lỏng lẻo, huấn luyện hời hợt, đánh bạc, thường xuyên ra vào lầu xanh, hút thuốc phiện và tình trạng phóng đãng lan tràn", Study Times viết.
Đó cũng là vấn đề được các quan chức quân sự Trung Quốc bàn bạc.
"Tham nhũng trong quân đội đang ở mức nguy hiểm chưa từng có", thiếu tướng Kun Lunyan - một nhà bình luận quân sự có ảnh hưởng, viết trên Global Times của Trung Quốc hồi tháng 5. "Liệu chúng ta có muốn các quân nhân tái diễn thảm kịch lịch sử trên", ông Kun viết và nhấn mạnh lính tráng ngày nay ghê tởm việc được đề bạt nếu chỉ dựa vào tiền để thăng quan tiến chức.
Trong một bài viết tháng trước, Tân Hoa xã nhắc người đọc nhớ lại "những thành phần tham nhũng" bị xử tử khi Mao Trạch Đông lên kế hoạch tiến hành cuộc cách mạng vào những năm 1930 và 1940.