Khi thủy triều xuống ở các bãi biển nhiệt đới thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, người dân và du khách có thể bắt gặp hàng triệu quả cầu cát li ti. Đó là "sản phẩm" của loài dã tràng.
Dã tràng hay còn gọi là còng biển. Đây là sinh vật thuộc chi Scopimera và Dotilla trong họ Dotillidae, bao gồm 59 loài. Chúng có cấu tạo miệng độc đáo. Chiếc miệng này tiến hóa theo chiều hướng biến chúng thành "chuyên gia" sàng cát. Dã tràng thu thập cát từ bên trong hang nhỏ và đưa qua miệng. Chúng sử dụng nước từ cơ thể nặn cát thành hình cầu. Trong quá trình xử lý cát này, dã tràng sẽ lọc ra các mẩu chất hữu cơ và tổ chức sống cực nhỏ lẫn trong cát để làm thức ăn.
Quá trình xe cát diễn ra không hề dễ dàng bởi dã tràng thường xuyên bị các loài chim rình rập, tấn công. Chúng có thể ngụy trang tốt bằng bộ xương bên ngoài nhưng đôi khi kẻ săn mồi vẫn có thể phát hiện ra loài sinh vật xe cát này. Khi phát hiện ra mối nguy hiểm, dã tràng sẽ di chuyển theo hình xoắn ốc, rút nhanh về trong hang để bảo toàn tính mạng.
Sự tiến hóa đã mang lại khả năng đặc biệt cho loài dã tràng giúp chúng có thể duy trì mực nước và thở trong lúc lọc cát bằng miệng. Chúng hô hấp trên cạn nhờ phần trên của chiếc chân. Trong khi đó, lớp lông phủ quanh chân làm nhiệm vụ hút nước từ cát trong lúc di chuyển.
Khi thủy triều xuống thấp, dã tràng sẽ vội vã ra ngoài để kiếm ăn. Khi nước lên, các đợt sóng xô tới, loài sinh vật này sẽ tìm nơi ẩn nấp phù hợp. Thông thường, chúng sẽ đao hang nông, xây cấu trúc hình vòm bằng cát. Cát ướt sẽ bịt kín lỗ hở phía trên. Dã tràng ở bên trong "bong bóng" này do chúng tạo ra trong suốt quá trình thủy triều lên. Khi nước rút xuống, chúng sẽ mở hang và xe cát tìm thức ăn.
Dân gian có câu: "Dã tràng se cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì" để chỉ những việc làm khó nhọc mà vô ích. Tuy nhiên, sự thật hành động xe cát của dã tràng lại không hề lãng phí bởi xe cát là cách kiếm ăn chính của chúng.
Câu nói trên thực chất bắt nguồn từ "Sự tích con dã tràng" được dân gian kể lại. Chuyện kể rằng ngày xưa có vợ chồng ông Dã Tràng. Nhờ cứu được một con rắn mà ông được trả ơn bằng viên ngọc có thể nghe được tiếng của muôn loài. Nhờ viên ngọc này, ông cứu được gia đình ngỗng thoát khỏi việc bị làm thịt. Sau đó, ngỗng lại tặng ông một viên ngọc để có thể đi được dưới nước. Thấy vậy, Long Vương cảm thấy lo sợ bèn lập kế để lừa vợ Dã Tràng và đem hai viên ngọc đi. Vừa tức giận vừa nuối tiếc muốn đòi lại ngọc, Dã tràng làm nhà gần biển và ngày ngày xe cát để mở đường xuống thủy cung gặp Long Vương đòi lại ngọc quý của mình. Mọi người can ngăn thế nào cũng không cản được quyết tâm của Dã Tràng. Đáng tiếc, ông ngày ngày xe cát nhưng không nên công cán gì cho tới lúc mất. Sau khi qua đời, ông biến thành con dã tràng.