Tại sao dân gian có câu "Vua xứ Thanh thần xứ Nghệ"?

07:09, Thứ ba 29/10/2024

( PHUNUTODAY ) - Vua xứ Thanh thần xứ Nghệ là câu nói ca ngợi về 2 vùng đất địa linh nhân kiệt của Việt Nam.

Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ ý chỉ vùng đất Thanh Hóa và Nghệ tĩnh xưa (Nghệ An và Hà tĩnh ngày nay).

Vua xứ Thanh

Xứ Thanh ở đây là vùng đất Thanh Hóa ngày nay. Vua xứ Thanh ý chỉ mảnh đất sản sinh ra nhiều vị vua nhất Việt Nam. Kể từ thời Văn Lang tới kết thúc triều Nguyễn thì Thanh Hóa là mảnh đất quê hương của 44 đời vua và cũng là nơi sinh ra cả 2 dòng chúa Trịnh, Nguyễn. 44 đời vua sinh ra ở xứ Thanh gồm nhà Tiền Lê (2 vua), nhà Hồ (2 vua), nhà Hậu Lê (27 vua) và nhà Nguyễn (13 vua).

Mảnh đất Thanh Hóa xưa kia được gọi là Ái Châu, đến đời Lý được gọi là Thanh Hóa. Đây là mảnh đất có địa thế phong thủy tốt và được xem là yết hầu của nước Việt Nam. Nơi đây thuận lợi cho xưng vương xưng đế, khởi nghĩa dựng nước. Nhiều triều đại đô hộ phương Bắc đã phải cho người đục núi, lấp sống để trấn yểm các huyệt mạch đế vương.

Thanh Hóa là nơi có nhiều vua chúa nhất

Thanh Hóa là nơi có nhiều vua chúa nhất

Năm Mậu Thìn (248), Lệ Hải bà vương Triệu Thị Trinh đánh quân Ngô tại núi Nưa, Triệu Sơn, Thanh Hóa làm quân giặc khiếp đảm tôn phục với câu cửa miệng “Hoành qua đương hổ dị. Đối diện bà Vương nan” (Múa giáo chống hổ dễ. Đối mặt vua bà khó). Mặc dù chưa lập triều nhưng người nữ anh hùng ấy đã được phía bên kia xem như vua.

Tháng 12 năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ quê làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã đánh đuổi quan đô hộ Lý Khắc Chính, Lý Tiến của nhà Đường, chiếm thành Đại La, tự xưng làm Tiết Độ sứ, nhưng thực ra đã là một “vua không ngai” khi tiếp nối được nền độc lập, tự chủ do dòng họ Khúc dựng nên từ năm Ất Sửu (905).

Tháng 7 năm Canh Thìn (980), Thái hậu Dương Vân Nga khoác áo mời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi để thống nhất lòng dân chống quân xâm lược Tống, từ đó mở ra nhà Tiền Lê (980 - 1009). Lê Hoàn, tức vua Lê Đại Hành vốn quê xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nhà Tiền Lê trải ba đời gồm Lê Đại Hành (980 - 1005), Lê Trung Tông (1005), Lê Ngọa Triều (1005 - 1009).

520 năm sau, cũng năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly thoán đoạt ngôi vị nhà Trần lập nhà Hồ với tên nước là Đại Ngu, kinh đô ở thành Tây Giai, tức Tây Đô của Thanh Hóa. Tổ tiên ông vốn ở Chiết Giang, Trung Quốc, sau di cư sang sống ở Diễn Châu, Nghệ An rồi chuyển ra hương Đại Lại, Thanh Hóa lập nghiệp. Nhà Hồ truyền qua hai đời vua trong 7 năm (1400 - 1407).

Trong khoảng 1428 – 1789 là thời kỳ tồn tại của nhà Hậu Lê gồm giai đoạn Lê sơ (1428 - 1527) và Lê Trung hưng (1533 - 1789). Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn lên vua xưng là Lê Thái Tổ. Vua Lê Lợi quê ở Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Giai đoạn Lê sơ trải qua 10 vị vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, được xem là thời thịnh trị của chế độ phong kiến Đại Việt với đỉnh cao là đời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497). Giai đoạn Lê Trung hưng đánh dấu sự phục hồi của nhà Lê sau khi bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi với vị vua đầu tiên Lê Trang Tông (1533 - 1548), và kết thúc với vua thứ 16 Lê Chiêu Thống (1786 - 1789).

Nhà Nguyễn (1802 - 1945) do Nguyễn Ánh tức vua Gia Long hưng khởi. Tổ tiên của ông là chúa Nguyễn Hoàng vốn bản quán ở Gia Miêu ngoại trang thuộc huyện Tống Sơn (xã Hà Long, huyện Hà Trung nay). Nhà Nguyễn truyền được 13 đời vua, bắt đầu từ vua Gia Long (1802 - 1820) cho đến vua Bảo Đại (1926 - 1945).

Ngoài ra lịch sử Việt Nam có 2 dòng chúa Trịnh và chúa Nguyễn thì cũng đều xuất phát từ vùng đất Thanh Hóa. Do đó mảnh đất này được xem là quê vua nhà chúa, là đất địa linh nhân kiệt. 

Thần xứ Nghệ

Xứ nghệ xưa kia bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. Xứ Nghệ cũng là mảnh đất thần linh sinh ra nhiều người tài giỏi. Không phải là đất vua chúa như Thanh Hóa nhưng xứ Nghệ là nơi có nhiều người tài, sản sinh nhiều quan thần. Trong triều đại phong kiến, xứ Nghệ là nơi có truyền thống hiếu học đứng đầu khoa bảng. Sau này thì có nhiều danh nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa....

Có thể nhắc tới một vài nhân vật điển hình như thái sư Nguyễn Xí phò tá vua Lê Thánh Tông, bà chúa Lãnh, minh phi của Lê Thánh Tông đến quan võ, tướng quân Nguyễn Cảnh Chân giúp nhà Trần dẹp quân Minh…

Nghệ Tĩnh là nơi có nhiều khoa bảng, danh nhân, mảnh đất địa linh nhân kiệt

Nghệ Tĩnh là nơi có nhiều khoa bảng, danh nhân, mảnh đất địa linh nhân kiệt

Đất Nghệ Tĩnh là nơi sản sinh nhiều khoa bảng như ông Bạch Liêu đỗ trạng năm 1266, gia đình 3 đời đỗ trạng Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành. Chỉ tính riêng dưới triều Nguyễn, xứ Nghệ có 595 trên tổng số 882 người đỗ cử nhân. Nghệ Tĩnh cũng là nơi đặt làm trường thi và ông đồ xứ Nghệ đã có tiếng thơm trong dân gian. Những khoa bảng nổi tiếng quê Nghệ Tĩnh phải kể tới như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu... đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và còn mãi về sau. Danh nhân nổi tiếng nhất của đất Nghệ tĩnh là chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Sang thế kỷ XX, kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi dưới thời Pháp thuộc với sự du nhập của Tây học, nhiều trí thức xứ Nghệ vẫn giữ được cốt cách và truyền thống hiếu học của một vùng đất địa linh. Trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều trí thức được đào tạo ở nước ngoài trở về và tiếp tục đóng góp lớn cho đất nước như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Ngọc, Hà Văn Tấn, Nguyễn Đình Tứ...

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: An Nhiên