Cho rằng Đường Tăng vô dụng, để Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại đi lấy kinh một mình sẽ bớt được phiền hà… có lẽ là suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ các khán giả nhí khi xem bộ phim "Tây Du Ký".
Thế nhưng khi trưởng thành, suy nghĩ sâu sắc hơn, có nhiều trải nghiệm hơn, đặc biệt là sau khi đi làm, làm việc dưới sự lãnh đạo của người khác hoặc đứng trên cương vị lãnh đạo người khác, những bạn nhỏ ngày nào sẽ hiểu ra rằng, việc để Đường Tăng lãnh đạo Ngộ Không, hẳn là có đạo lý của nó, nếu không, sự nghiệp lấy kinh vĩ đại ấy sẽ chẳng thể thành công.
Vậy thì, suy cho cùng, Đường Tăng có thứ gì mà Tôn Ngộ Không không có? Nhờ nhân tố gì mà Đường Tăng có thể là một nhà lãnh đạo trong khi Ngộ Không tài giỏi như vậy chỉ là một nhân viên?
Thứ đầu tiên Đường Tăng có, Ngộ Không không có là "niềm tin cao thượng"
Đường Tăng với niềm tin cao thượng của mình, đứng trước hiểm nguy đến mức có thể mất mạng, ông vẫn không hề nao núng. Trong khi đó, Tôn Ngộ Không không thể làm được điều này.
Tôn Ngộ Không là một nhân vật tài năng nhưng không có niềm tin kiên định, bất di bất dịch, nhiều lần nản chí bỏ cuộc.
Người không có niềm tin sẽ không thể cho người khác lòng tin, không thể cho người khác động lực, gặp phải khó khăn sẽ dễ dàng rút lui. Là một người lãnh đạo nhưng không có ý chí bền bỉ quyết tâm, bỏ cuộc giữa chừng, cả nhóm sẽ nhanh chóng bị tan rã.
Thậm chí, nếu niềm tin của người lãnh đạo không đủ cao thượng, mạnh mẽ và quyết liệt, mưu lợi cá nhân, mang trong mình tâm lý dễ thỏa mãn, cũng sẽ khiến người khác rời xa mình.
Hãy liên tưởng đến nhân vật Tống Giang trong "Thủy hử", một người lãnh đạo không có niềm tin đủ lớn mạnh đã đưa tất cả những vị anh hùng Lương Sơn bạc vào chỗ chết.
Thứ hai, thứ mà Đường Tăng có, Ngộ Không không có, đó là sự "vô dụng"
Đường Tăng "vô dụng" nên ông mới đánh giá cao những người có năng lực, có thể bao dung những khuyết điểm của người khác, như thế mới có thể tìm được 3 đệ tử có năng lực, trung thành, dốc sức bảo vệ mình.
Nếu như Đường Tăng cũng thần thông quảng đại, Tôn Ngộ Không sẽ chẳng tình nguyện theo ông. Ngược lại, vừa hay Đường Tăng "vô dụng", Tôn Ngộ Không mới có đất dụng võ, có thể phát huy đầy đủ và toàn diện giá trị của bản thân.
Năm xưa Tư Mã Ý bắt được lính nước Thục, mới hỏi người đó Gia Cát Lượng hằng ngày làm những gì, viên lính kia nghĩ rằng, đây chắc không phải là thông tin tình báo nên vô tư trả lời rằng, phàm là việc quân, trách phạt từ 20 trượng trở lên đều đích thân Tể tướng giám sát.
Tư Mỹ Ý qua đó biết rằng, Gia Cát Lượng làm vậy chắc chắn sẽ rất mệt mỏi – một lãnh đạo giỏi giang, địch còn chưa xuất hiện bản thân đã quá mệt mỏi vì công việc rồi.
Trong khi đó, Đường Tăng dù đôi khi bị chỉ trích là một "khối thịt trường sinh vô dụng" song ông luôn rất an toàn và có phần nhàn hạ.
Thứ ba, Đường Tăng có "nhân đức", Ngộ Không thì không
Với yêu quái, Đường Tăng cũng có tấm lòng nhân đức, xót thương. Vậy thì lẽ tự nhiên, ông cũng sẽ yêu thương, chẳng bao giờ tính toán với cấp dưới của mình.
Mặc dù Đường Tăng rõ ràng cần đến sự bảo vệ của ba đồ đệ nhưng ông tuyệt đối không có ý bóc lột sức lao động của họ.
Thay vào đó, dưới sự lãnh đạo của nhà sư này, cả bốn thầy trò cũng nỗ lực, cùng trưởng thành và cùng thành công. Cuối cùng, cả ba đồ đệ của Đường Tăng đều có thành tích riêng.
Đường Tăng không giống như Triệu Khuông Dận dễ dàng tước bỏ binh quyền của tướng lĩnh, cũng không bạc bẽo đối xử với cấp dưới theo kiểu "vắt cam bỏ vỏ".
Rõ ràng về sau, Tôn Ngộ Không đã vượt qua mọi thử thách mà thành phật trong khi những con khỉ ở Hoa Quả sơn vẫn chỉ là một bầy khỉ không hơn!
Thứ tư, Đường Tăng có "quan hệ xã hội", Ngộ Không kém
Tiền thân của Đường Tăng là đệ tử của Phật Tổ trong khi tiền thân cả Tôn Ngộ Không chỉ là một con khỉ đá được trời đất sinh ra, không có bất cứ mối quan hệ nào.
Mặc dù Ngộ Không cũng có sư phụ song quan hệ thầy – trò lại không hề tốt, thậm chí còn bị thầy đuổi; kết huynh đệ với Ngưu Ma Vương song cuối cùng cũng lật mặt; là hàng xóm với Đông Hải long vương nhưng sau lại cướp đồ của người ta;
Là đồng nghiệp với Nhị Lang Thần cùng một số quan lại trên thiên định nhưng Ngộ Không chẳng giữ thể diện cho ai, đại náo thiên cung khiến người người giận dữ. Nói tóm lại, quan hệ xã hội của Ngộ Không rất không ổn.
Trong khi đó Đường Tăng lại khác, chỉ cần gặp ông, thần tiên cũng cúi đầu cung kính, không gây thù chuốc oán với ai. Ông không chỉ là đệ tử của phật tổ mà còn là anh em với vua Đường Lý Thế Dân; quan hệ với cả người và thần đều rất tốt.
Quan hệ xã hội tốt sẽ giúp ích nhiều cho công việc, người như vậy làm quản lý, công việc sẽ thuận buồm xuôi gió hơn so với một người chẳng được lòng ai.