Tại sao ông bà dặn lấy nước lã dâng cúng trên ban thờ? Nước lã không phải là xuề xòa đoảng vị quá sao?

11:09, Thứ năm 31/10/2024

( PHUNUTODAY ) - Trong thờ cúng thì nước không thể thiếu nhưng tại sao kỷ nước lại dùng nước lã.

Trong văn hóa thờ cúng của người Việt thì nước là không thể thiếu sau hương. Tùy từng điều kiện hoàn cảnh mà có thể thiếu xôi, gà, hoa quả nến đèn nhưng khi đã cúng thì thường không thể thiếu thẻ hương và chén nước. Ngày nay việc thờ cúng đã thuận tiện hơn nên khi sắp lễ cúng thường sẽ có những chai nước, lon nước nhưng không thể thiếu được kỷ nước hoặc chén nước, cốc nước đặt phía trước ban thờ.

Nước đặt trong chén, trong kỷ nước này thường sẽ là nước lã theo đúng truyền thống từ xưa. 

Tại sao lại là nước lã?

Trong đời sống, đói nghèo và khó khăn kinh tế mới dùng nước lã. Bởi nước lã chưa được nấu chín, chưa được cho vào xử lý ở máy lọc hiện đại thì bị cho là có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nên không an toàn, không vệ sinh. Thế nhưng trong thờ cúng, những người giữ nếp xưa truyền lại thì vẫn sẽ dùng nước lã, miễn là nước sạch. Người xưa thì sẽ thường múc nước lã từ bể nước mưa vào thờ cúng. Nước trong veo nhưng chưa qua nấu chín.

Nước là cúng phẩm không thể thiếu trong tâm linh

Nước là cúng phẩm không thể thiếu trong tâm linh

Trong thờ cúng, nước biểu trưng cho nguồn sống, nước là tài lộc, nước là thức ăn không thể thiếu. Trong quan niệm dân gian cho rằng ma uống nước lã. Thế nên người xưa dùng nước lã dâng khấn gia tiên vì sợ nước đã nấu chín thì ông bà tổ tiên không thọ thực được. Thế nên tâm linh thờ cúng chọn nước lã không phải vì không thành kính vì không chỉn chu, không phải xuề xòa mà đó chỉ đơn giản là quan niệm ông bà tổ tiên thọ nhận được gì thì sẽ cúng thứ đó. 

Còn trong Phật giáo, thắp hương nước chủ yếu là để Phật tử soi mình vào đó để thanh tẩy tâm hồn, tu tập, tu dưỡng. Thế nên nước cúng Phật miễn là nước sạch, trong veo không lẫn tạp niệm còn nước lấy từ máy, nước đã đun chín hay nước mưa, nước giếng đều được. Nhưng phải đảm bảo nguồn nước thanh sạch không ô uế. 

Người xưa cho rằng ma uống nước lã

Người xưa cho rằng ma uống nước lã

Đặt nước trên ban thờ thế nào cho đúng?

Trên ban thờ gia tiên và thần linh thường có kỷ nước 3 chén hoặc 5 chén nên tùy theo gia chủ chọn lựa. 3 ly nước thể hiện tấm lòng thành tâm của người âm dâng lên cho thần linh, tổ tiên. Theo thứ tự 3 ly là gia tiên cùng bà cô ông mãnh ở hai bên, ly giữa dâng thần. 3 ly nước cũng liên quan tới những con số 3 trong dân gian như tang cha mẹ 3 năm, 3 đời...Còn 5 ly nước thì đại diện tổ tiên, bà cô ông mãnh được đặt hai bên, 3 ly ở giữa là sự thành tâm của gia chủ đối với các vị thần linh. 5 ly cũng biểu trưng cho ngũ hành “Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ”, con số 5 trong thờ cúng cũng vì vậy mà thêm phần ý nghĩa. Trong thờ cúng, 5 ngũ cúng được thể hiện qua “Hương – Đăng – Trà – Hoa – Quả”. Với ban thờ Phật số 3 tượng trưng cho tam bảo Phật- Pháp - Tăng

Do đó việc trên ban gia tiên đặt 3 hay 5 không quá quan trọng, còn tùy thuộc diện tích ban thờ. Nếu đủ rộng nên đặt kỷ 5 chén, còn ban thờ nhỏ đặt 3 chén cũng không phạm kỵ.

Còn khi cúng ban thờ Phật thì không quan trọng số ly nhưng thường sẽ là 3 chén đại diện cho tam bảo hoặc 1 cốc và dùng cốc thủy tinh để thể hiện sự tinh khiết, chay tịnh.

Trên ban Thần Tài thì nước còn thể hiện tụ tài tụ lộc. Nên thường trên ban thần tài ngoài kỷ 3 hoặc 5 chén nước thì còn có thêm bát nước thả hoa, hoặc cốc nước lã. 

Kỷ nước phải đặt trước bát hương và chính giữa ban thờ không nên đặt lệch trái hay phải. Những chai nước, lon nước thì thường đặt phía sau bát hương và mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn.

*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: An Nhiên