Phunutoday)- Thấy vợ quằn quại trong đau đớn, tôi giận quá sang kêu bác sĩ mổ cho cô ấy thì nhận được câu trả lời rằng: “Đẻ ai chả đau mà nhà anh cứ cuống lên, không chết được đâu mà lo”.
Ảnh minh họa |
Kính gửi quý Báo và độc giả!
Tôi là một người đàn ông kém may mắn. Tôi khẳng định như vậy vì không may mắn như những người đàn ông khác, năm 25 tuổi tôi có yêu và cưới một cô gái – cũng là bạn học cùng làm vợ, nhưng không lâu sau đó vợ tôi đã qua đời do một tai nạn giao thông khi chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ (lúc ấy cô ấy mới mang bầu được 3 tháng).
Từ một người đàn ông rất vui tính, hay nói cười và chăm chỉ làm ăn, nhưng sau cú sốc tinh thần quá lớn này tôi đã trở thành một người hoàn toàn khác. Tôi bỏ bê công việc, suốt ngày nhốt mình trong nhà, không nói không rằng với ai và chìm đắm trong rượu chè,…
Phải mất 5 năm sau, và nhờ vào sự động viên của gia đình, cha mẹ, tôi mới dần nguôi ngoai đi nỗi đau này. Để tôi khỏi đau buồn, bố mẹ vợ tôi cũng làm mối cho tôi một người con gái (cùng là họ hàng quen biết với vợ tôi)- cô này không xinh đẹp nên đã 28 tuổi mà chưa lấy chồng. Đã 30 tuổi đầu, lại đã qua một người vợ, nên tôi đồng ý tìm hiểu người con gái được bố mẹ vợ cũ giới thiệu,… không lâu sau chúng tôi làm đám cưới.
Không xinh đẹp, nhưng đổi lại vợ tôi rất biết sống và rất thương yêu tôi. Cô ấy luôn thể hiện mình là chỗ dựa cho chồng trong mọi chuyện, vì sau những gì xảy ra với mình, tôi luôn trở nên yêu đuối và lo lắng mọi thứ…
Không lâu sau khi cưới, vợ tôi có bầu,… niềm hạnh phúc sắp được làm bố làm tôi hạnh phúc, mong ngóng bao nhiêu thì sự lo lắng lại nhiều bấy nhiêu. Vì vợ cũ của tôi đã bỏ tôi ra đi khi cô ấy đang mang bầu tháng thứ 3, và tôi sợ lần này sự không may mắn lại xuất hiện,… Để an toàn cho vợ con và đặc biệt là giúp tôi yên tâm hơn trong công việc, tôi và gia đình quyết định cho vợ nghỉ việc ở nhà nội trợ cho an toàn.
Thế rồi ngày vợ tôi có dấu hiệu chuyển dạ đã đến, tôi và gia đình thuê xe taxi đưa vợ vào bệnh viện cách nhà 7 km. Trên đường đi vợ tôi đau đớn và kêu khóc ầm ĩ, tôi đã giục bác lái xe lái thật nhanh,… nhưng trái với thái độ vội vàng và lo lắng của tôi. Vào đến nơi, mặc kệ cho vợ tôi kêu la và đau đớn, các y tá, bác sĩ ở bệnh viện vẫn bắt tôi làm đủ tất cả các thủ tục nhập viện,…vì đi vội quá tôi quên không mang tiền nên họ nhất quyết không “đặc cách” thăm khám cho vợ tôi. Cũng may, lúc ấy có một anh là người nhà bệnh nhân nhìn thấy cảnh tượng này đã rút ví đưa tôi mượn 2 triệu nộp viện phí.
Chưa hết, nộp viện phí xong, tôi đưa vợ tôi vào phòng khám, thì một bác sĩ nữ nhìn vào bụng vợ tôi và bảo, “Bụng này mai không đẻ nổi, cứ ngồi ngoài đợi”. Cơn giận sôi lên tận cổ, tôi định đứng dậy chửi cho bác sĩ một trận thì mẹ tôi kéo giật tay tôi lại và bảo, “Từ từ đã”, rồi bà vào nói ngọt nhạt gì với bác sĩ và rúi rúi cái gì đó vào tay họ thì họ mới cho vợ tôi vào khám.
Tuy nhiên, vẫn giữ thái độ lạnh lùng, “Mở 2 phân rồi, nhưng bụng còn cao lắm, người này chắc mai không đẻ được”.
Trong khi vợ tôi cứ kêu la, đau ngất lả người đi, nhưng với ý nghĩ “bụng cao, chưa đẻ được” các bác sĩ ở bệnh viện vẫn nhất quyết không cho vợ tôi vào phòng đẻ mà cho sang phòng chờ. Thấy vợ quằn quại trong đau đớn, tôi giận quá sang kêu bác sĩ mổ cho cô ấy thì nhận được câu trả lời rằng: “Đẻ ai chả đau mà nhà anh cứ cuống lên, không chết được đâu mà lo”.
Tôi lại tiếp tục trở về phòng chờ chứng kiến những cơn đau vật vã của vợ, sốt ruột quá tôi định chạy sang gọi bác sĩ lần nữa thì đã thấy mẹ tôi và mấy người nhà gọi giật lại bảo, “Đẻ rồi, đẻ rồi…”. Tôi chạy thì thấy toàn thân cháu tím tái, rồi chạy qua gọi bác sĩ, lúc ấy các bác sĩ, y tá mới thôi tán tỉnh nhau và lật đật chạy sang. Họ vội vàng cho con tôi vào thở bình oxy, nhưng có lẽ do bị ngạt lâu quá nên cháu đã qua đời sau đó không lâu. Vợ tôi khóc cạn nước mắt và vô cùng đau đớn khi nghe tin này
Thương con, thương vợ bao nhiêu tôi lại hận bác sĩ y tá bệnh viện bấy nhiêu. Tôi đã định làm ầm ĩ vụ này lên rồi muốn đến đâu thì đến, nhưng mọi người trong gia đình ngăn lại và bảo thôi, vì đằng nào người cũng đã chết rồi, có làm ầm ĩ lên thì cũng không sống lại được.
Không muốn nhắc lại nỗi đau, tôi đã cố nhịn mà bỏ qua, nhưng trong thâm tâm mình tôi luôn cảm thấy ấm ức, vì nếu như các bác sĩ có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp hơn thì những đứa trẻ như con tôi không phải chết oan. Xem ra câu nói “lương y như từ mẫu” đã không còn phù hợp với xã hội hiện nay.
- VH