Tết Hàn thực 2024 vào ngày nào, mâm cúng và văn khấn cúng Tết Hàn thực đầy đủ nhất

( PHUNUTODAY ) - Ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm chính là Tết Hàn thực, một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng.

Tết Hàn thực là ngày nào?

Ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm chính là Tết Hàn thực, một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng. Với người Việt Nam, đây cũng là dịp để tưởng nhớ, cúng dường tổ tiên, mọi người thường nặn bánh trôi, bánh chay để cúng lễ.

Người Trung Quốc cũng ăn Tết Hàn thực. Trong tiếng Trung Quốc, “寒 - hàn" có nghĩa là lạnh, "食 - thực" có nghĩa là ăn. Tết Hàn thực là ngày tết ăn đồ lạnh, bắt nguồn từ một phong tục rất xưa được lưu truyền cho đến ngày nay. Phong tục này liên quan đến câu chuyện của vua Tấn Văn Công và hiền sỹ Giới Tử Thôi.

Ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm chính là Tết Hàn thực

Ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm chính là Tết Hàn thực

Giới Tử Thôi đã đồng hành với Tấn Văn Công trong suốt 19 năm từ thuở còn bôn ba lao khổ, trải qua nhiều gian truân, góp phần phò tá nhà vua giành được ngôi vị. Tuy nhiên, khi đã đứng trên vạn người, nhà vua quên mất công lao của Giới Tử Thôi khi bình công ban thưởng. Giới Tử Thôi cũng không nhắc nhở, im lặng lui về quê và sống ẩn dật với mẹ.

Sau này, Tấn Văn Công nhớ ra và muốn phong thưởng cho Tử Thôi nên đã cử người đi tìm. Tuy nhiên, Tử Thôi từ chối trở về nhận thưởng, quyết tâm ở lại vùng núi. Để ép Tử Thôi quay về, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng, không ngờ Tử Thôi không nhân nhượng, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.

Nhà vua đau lòng, thương xót, lập miếu thờ để tưởng nhớ Tử Thôi và mẹ ông, đồng thời ra lệnh người dân hằng năm phải kiêng đốt lửa ba ngày trong dịp này, chỉ ăn đồ nguội đã chuẩn bị sẵn nhằm tưởng niệm Giới Tử Thôi. Ngày này gọi là ngày Hàn thực.

Khi du nhập Việt Nam, Tết Hàn thực không liên quan đến Giới Tử Thôi mà mang ý nghĩa hoàn toàn khác, mang đậm dấu ấn dân tộc. Ngày tết này ở Việt Nam là một trong những dịp để thể hiện tấm lòng nhớ ơn ông bà tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Con cháu cùng quây quần, nấu bánh trôi, bánh chay thành tâm dâng cúng lên bàn thờ gia tiên nhằm thể hiện lòng hiếu kính.

Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam có lẽ bắt đầu từ thời Lê, thịnh hành vào thời kỳ Lê Trung hưng và nhà Nguyễn. Thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: " Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy".

Tết Hàn thực 2024 là ngày bao nhiêu?

Tết Hàn thực năm nay đúng vào thứ Năm, ngày 11/4/ Dương lịch. Theo truyền thống của người Việt, cứ vào ngày mùng 3/3 Âm lịch hàng năm, mọi người lại chuẩn bị mâm lễ cúng Tết Hàn thực để dâng lên tổ tiên.

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực cơ bản thường có: bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả, hương, hoa, trầu cau, nước lọc...

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực cơ bản thường có: bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả, hương, hoa, trầu cau, nước lọc...

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực cơ bản thường có: bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả, hương, hoa, trầu cau, nước lọc....

Bánh trôi, bánh chay

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Theo quan niệm, số lẻ là số mang lại may mắn nên số lượng bát bánh trôi và bánh chay trên mâm thường là 3 hoặc 5, tùy theo từng gia đình.

Xưa kia, bánh trôi bánh chay truyền thống được làm từ bột gạo nếp, đường phên, vừng, đậu xanh. Những viên bánh trôi tròn trịa bọc lấy đường phên, ngoài rắc chút vừng trắng, bày đẹp đẽ trên đĩa.

Ngày nay, ngoài bánh trôi truyền thống màu trắng, nhiều người còn sáng tạo thêm bánh trôi ngũ sắc, dựa theo 5 màu sắc cơ bản của thuyết Ngũ hành (xanh lá - Mộc, đỏ - Hỏa, vàng - Thổ, trắng - Kim, xanh dương - Thủy).

Không chỉ dừng lại ở bánh trôi bánh chay dáng tròn trịa truyền thống, nhiều người cũng dâng cúng cả bánh trôi tạo hình hoa sen, hoa mẫu đơn và các biểu tượng may mắn.

Dù bánh trôi nước được biến tấu nhiều hình dáng và màu sắc khá đa dạng song trong mâm cúng lễ Tết Hàn thực vẫn không thể thiếu được đĩa bánh trôi, bánh chay màu trắng truyền thống.

Mâm ngũ quả

Ngoài bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả cũng là vật phẩm không thể thiếu trong mâm lễ dâng cúng ngày Tết Hàn thực. Gia chủ nên chọn 5 loại quả có đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,... đại diện cho ngũ hành để dâng cúng tổ tiên thể hiện tấm lòng của mình, đồng thời mong ước những điều tốt lành trong ngày Tết Hàn thực.

Hoa tươi và trầu cau

Nhiều nơi ở nước ta không ăn Tết Hàn thực và trên thực tế đây cũng là một ngày lễ nhỏ. Tuy vậy, trên mâm lễ cúng dù to dù nhỏ, dù chay dù mặn vẫn không thể thiếu được hoa tươi và trầu cau.

Gia chủ nên chọn hoa thật tươi, thông thường nên chọn hoa cúc, bởi loại hoa này thể hiện được sự trang nghiêm và mang ý nghĩa cầu mong tài lộc, may mắn. Tùy thuộc vào điều kiện gia đình, gia chủ có thể chọn thêm các loại hoa khác như hoa huệ trắng, hoa đồng tiền,.... Bên cạnh đó, thêm đĩa bày ba hoặc năm lá trầu và cau theo số lẻ như vậy.

Ly nước sạch

Lễ cúng Tết Hàn thực cũng cần có ly nước sạch thanh tịnh. Theo quan niệm dân gian, ly nước sạch đại diện cho sự tinh khiết, cho chân tâm thành kính của gia chủ. Kể cả không phải ngày lễ thì ly nước sạch trên bàn thờ vẫn nên được thay thường xuyên.

Ngoài những lễ vật trên, mâm cúng có thể chuẩn bị thêm một ít tiền vàng (tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình).

Lưu ý: Gia chủ không nên đặt hoa giả, quả giả và đồ ăn cũ lên bàn thờ để dâng cúng. Trầu cau cần tươi và xanh nhất. Bánh trôi bánh chay, hoa quả cũng cần chọn loại tươi mới nhất để thể hiện lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Đồng thời, trong lúc thắp nhang, gia chủ nên đọc văn khấn cúng Tết Hàn thực và nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.

Bài văn khấn cúng Tết Hàn thực 2024

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.

Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ chúng con là…

Ngụ tại…

Hôm nay là ngày 3/3 (âm lịch) gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận.

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

*Văn khấn Tết Hàn thực được trích theo quyển “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” - tác phẩm tổng hợp những bài văn khấn đúng với truyền thống ông bà ta, được xuất bản NXB Văn hóa thông tin.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link