Theo Tuổi trẻ, tại phiên luận sáng 7/11 của Quốc Hội về công tác phòng chống tội phạm và tham nhũng, Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thẳng thắn phát biểu về tình trạng không đạt yêu cầu của công tác này: “Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng đã thẳng thắn thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng không đạt yêu cầu, tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi".
"Chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, chiến lược chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu nhưng tham nhũng chưa bị sát thương bao nhiêu. Quyết tâm chính trị đã có chứng tỏ vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện", ông nói tiếp.
Dù đã bày binh bố trận bài bản nhưng tham nhũng ở nước ta vẫn chưa bị sát thương. |
Thảo luận ở tổ, có đại biểu đã đề xuất cơ quan chức năng nên tập trung “bắt hổ” với những vụ làm thất thoát của nhà nước hàng trăm ngàn tỷ đồng, hơn là chỉ bắt mèo nhỏ, chuột con, có như thế mới giải tỏa được tâm lý trong dân: “Mèo ăn miếng thịt chẳng tha/ Hổ vồ con lợn đứng ngoài thở than”.
Trước thực trạng công tác phòng chống tham nhũng chỉ dừng lại ở việc bắt sâu nhỏ lá cành chứ chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây gốc rễ, không ít người đã thắc mắc đặt câu hỏi nguyên nhân vì đâu. Bởi năng lực của các nhân viên điều tra, kiểm kém hay tham nhũng ở nước ta lẩn trốn quá giỏi?
Nếu đổ lỗi cho năng lực của các nhân viên cơ quan chống tham nhũng thì dễ có phần oan ức bởi hầu hết trong số họ đều là những công chức phải trải qua các kỳ thi tuyển gắt gao mới có thể đảm nhận nhiệm vụ. Nếu nghi ngờ họ thì sẽ chẳng khác gì nghi ngờ công chức Việt Nam. Mà như vậy thì đâu có được.
Cho nên chỉ có thể là do tham nhũng lẩn trốn quá giỏi, xóa dấu vết quá sạch.
Quý vị đừng nghĩ rằng "hổ to" mà dễ thấy, dễ bắt. Bởi theo lẽ thường thú to hay đi liền với khỏe mạnh, nên đôi khi có dễ thấy nhưng sức lực khó kham nổi thì chuyện không bắt được âu cũng là lẽ thường tình. Trong khi đó "mèo nhỏ, chuột con" có nhỏ bé, dễ lẩn trốn hơn một chút, nhưng nhiều người hợp lại truy lùng thì kiểu gì cũng không thể thoát.
Thậm chí những người giàu trí tưởng tượng còn không ngại ngần khẳng định rằng nếu có cuộc thi lẩn trốn ở Việt Nam, chắc chắn tham nhũng sẽ giành thắng lợi tuyệt đối. Tuy nhiên, vẫn có những người có phần dè dặt hơn cho rằng nếu đem so khả năng lẩn trốn của tham nhũng với thực phẩm bẩn thì quả thật chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào".
Trong khi chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ nhưng vẫn không phát hiện được tham những thì thực phẩm bẩn độc cũng không kém phần long trọng khi luôn biến mất không dấu vết mỗi khi có các đoàn thanh kiểm tra.
Trên thực tế, hàng năm các đoàn thanh tra, kiểm tra thực phẩm bản độc được các cơ quan chức năng ở nước ta tổ chức rất nhiều, tuy nhiên, hầu như đều "kiểm tra xong xuôi tất cả lại về" bởi không thể phát hiện thấy bóng dáng của thực phẩm bẩn, thậm chí tất cả đều sạch, đều trong mức cho phép.
Chuyện lạ mà cứ như thật. Trong khi người dân cả nước ngày ngày phiền não vì bị bao vây bởi mê hồn trận các loại thực phẩm nguy hại, soi đâu cũng thấy bẩn, nhìn đâu cũng ra độc, tình trạng nguy hiểm đến mức 5 bộ cùng bắt tay chăm lo mâm cơm của người dân mà ôi thôi thì gà thải loại, trứng giả, lợn tăng trọng, rau quả, trái cây ướp hóa chất độc hại... vẫn ngang nhiên leo ngồi chễm chệ trên mâm.
Ấy vậy mà như cuộc kiểm tra vào sáng 5/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã cùng đến chợ Đồng Xuân (Hà Nội) kiểm tra vệ sinh thực phẩm... Tại đây, hai bộ trưởng đã dẫn đầu đoàn kiểm tra các khu bán hàng khô, bánh kẹo, hàng tươi sống và phụ gia thực phẩm và yêu cầu lấy mẫu tương ớt, bóng bì, màu điều, tôm nõn khô, tôm sú tươi để... kiểm tra bằng test nhanh ngay tại chợ, và chuyển mẫu về kiểm tra tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, khi kết quả kiểm tra nhanh được công bố tất cả đều âm tính, cả đoàn đồng loạt vỗ tay.
Thế mới biết ở Việt Nam, khả năng lẩn trốn của cả tham nhũng và thực phẩm bẩn đều thuộc dạng "kẻ tám lạng người nửa cân". Và rồi cũng chỉ có người dân là khổ bởi không biết trốn đâu cho thoát.