“Thần y” vượt lên số phận và bí quyết chinh phục ái tình bằng “thần dược”

07:59, Thứ tư 19/10/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Số phận đã cướp đi đôi chân của anh nhưng anh còn có cái đầu thông minh và đôi tay nhanh nhẹn. Anh không phó mặc và buông xuôi số phận, ngược lại, bằng ý chí và nghị lực của bản thân, anh “đứng” vững trên chính đôi chân tật nguyền ấy. Càng khâm phục hơn khi chàng trai trẻ chinh phục và làm xiêu lòng cô thiếu nữ sắc nước hương trời rồi nên vợ nên chồng.


Trần Quang Dũng vượt lên số phận để thành người có ích
Trần Quang Dũng vượt lên số phận để thành người có ích
Chiến thắng số phận
 
Sinh năm 1982, Dũng là con út trong gia đình có hai anh em. Bố mẹ Dũng đều là công chức làm việc tại Khu điều dưỡng thương binh Yên Nam (Duy Tiên, Hà Nam). Khi cất tiếng khóc chào đời anh cũng lành lặn khôi ngô như bao đứa trẻ khác nhưng năm gần 2 tuổi, trong một trận ốm “thập tử nhất sinh”, đôi chân của Dũng bỗng có triệu chứng tê mỏi các cơ, khớp rồi mấy tháng sau đó các cơ dần dần biến dạng. Thấy con vật vã trong đau đớn, bố mẹ Dũng dốc toàn bộ gia tài của để chữa trị nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm mà đôi chân cứ teo tóp như tàu chuối khô.

Đến tuổi đi học, hàng ngày thấy chúng bạn đồng trang lứa tung tăng cặp sách nô đùa đến trường, Dũng nằng nặc đòi đi bằng được. Thế nhưng, anh không tự đi được trên chính đôi chân bại liệt vốn rất yếu ớt của mình. Anh rất thất vọng.
 
Ngày đó, dù chưa đủ lớn nhưng anh cũng đủ hiểu thế nào là bệnh tật, thế nào là nỗi mặc cảm về bản thân. Dũng tâm sự: “Thú thật với anh, suốt thời gian dài em sống trong đau đớn và tuyệt vọng, trong đầu em cứ nghĩ dại, lúc nào cũng muốn chết đi cho xong. Bởi bố mẹ và người thân cũng đã kiệt sức khi phải lo cho em”.

Người gần gũi với Dũng nhiều nhất và hơn ai hết trong những bữa ăn, giấc ngủ và mọi sinh hoạt đó chính là người ông ngoại. Cuộc đời của Dũng sẽ không biết đi về đâu nếu không có người ông hiểu và sống với cháu như một người bạn chí cốt. Những khi Dũng buồn, ông làm trò vui, ông kể rất nhiều những câu chuyện về nghị lực sống, vượt lên số phận cho Dũng nghe. Mưa dầm thấm lâu, Dũng hiểu cuộc đời anh chưa phải là một dấu chấm hết. Phía trước anh còn là một tương lai rộng mở đang chào đón cho những ai có ý chí. 
 
Tình cờ một lần Dũng nghe chương trình “Vượt lên số phận” phát trên hệ VOV2 của Đài tiếng nói Việt Nam về những tấm gương điển hình người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt là tấm gương hiếu học của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã tiếp thêm nghị lực sống cho anh.

Anh không được đến trường nhưng vẫn có “thầy” là người ông ngoại và lớp học là căn phòng nhỏ bé vốn quen thuộc hằng ngày. Căn phòng nhỏ rộn tiếng cười, tiếng tập đọc. Dù không được đến trường nhưng bù lại Dũng rất thông minh và có đôi tay nhanh nhẹn. Chỉ trong một thời gian ngắn anh đã có thể đọc thông viết thạo. Có được thành quả ấy là biết bao công sức và nghị lực của anh. 
 
Trần Quang Dũng bắt đầu biết suy nghĩ về tương lai. Chẳng lẽ rồi suốt đời này mình cứ phải ăn bám bố mẹ mãi sao? Tương lai sẽ ra sao khi mình không tự lập được cuộc sống cho bản thân? Ý nghĩ đó làm anh cứ trăn trở là phải tìm một nghề gì đó để kiếm sống. Nhưng biết làm gì đây khi đôi chân không có khả năng tự đi lại được?

Rất may, Dũng có ông nội chuyên làm nghề bốc thuốc Đông y gia truyền nên anh quyết định chọn nghề thuốc để làm kế sinh nhai. Ngoài những kiến thức, kinh nghiệm được truyền dạy từ chính người ông của mình, Dũng chịu khó tìm đọc các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu để nâng cao trình độ và khả năng chuyên môn nghề nghiệp.
Vợ chồng anh Trần Quang Dũng bên hai con
Vợ chồng anh Trần Quang Dũng bên hai con
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2002, Trần Quang Dũng tiếp tục theo học lớp Đông y do Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức tại Hà Nam. Khi đã có một ít kiến thức cơ bản, cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn hơn 10 năm có được nên anh quyết định mở một phòng khám Đông y. Dũng tâm niệm: “Mọi việc làm đều hướng tới giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những người giống tôi. Riêng với nghề bốc thuốc càng quý trọng hơn bởi chữa bệnh, cứu người là mang lại hạnh phúc cho người khác và cho chính mình”.
 
Chính lương y Trần Quang Dũng là người đã tổ chức xây dựng đề án thành lập Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam vào năm 2006, là một trong những Hội người khuyết tật cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước. Tháng 12/2006, anh vinh dự đoạt giải thưởng “Alaxan - Chiến thắng nỗi đau” do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tổ chức. Cũng trong thời gian đó, anh được bầu vào Ban chấp hành Hội và trở thành chủ tịch Hội khuyết tật tỉnh Hà Nam.

Quyết tâm vươn lên bằng khối óc và sức lực của chính mình khiến anh đứng ngồi không yên. Vài năm sau khi mở phòng khám tư nhân, với số vốn tích cóp được, anh mạnh dạn huy động gia đình, kêu gọi bạn bè hỗ trợ, giúp đỡ để mở một công ty xây dựng do chính anh làm giám đốc. Nhiều người khuyên bảo, phản đối anh về quyết định táo bạo này với lí do hoàn cảnh bản thân như thế thì sao có thể quản lí được. Nhưng tính anh đã nói là làm. Công ty TNHH Quang Dũng ra đời và ngày càng ăn nên làm ra, càng vui hơn vì đến nay công ty anh đang tạo công ăn việc làm cho hơn 100 công nhân chủ yếu là con em nông dân.

Chinh phục ái tình bằng “thần dược
 
Đến bây giờ niềm hạnh phúc lớn nhất của vị lương y trẻ tuổi Trần Quang Dũng là tổ ấm gia đình có được bên người vợ xinh đẹp, ngoan hiền và hai đứa con đáng yêu. Đã quá trưa nhưng Dũng vẫn thoăn thoắt ngồi trên chiếc xe lăn “quay vòng” từ gian tủ đựng thuốc này sang gian khác để bốc thuốc cho người bệnh khi đã khám xong. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và anh sắp kết thúc, chúng tôi chuẩn bị chia tay ra về thì từ dưới bếp có tiếng người con gái gọi vọng lên: “Đến bữa cơm trưa rồi, mời các nhà báo ở lại ăn bữa cơm với gia đình”. Như đoán trước được những gì chúng tôi sắp hỏi, Dũng bảo: “Vợ mình đó, cô ấy vừa đón các cháu đi học về”.

Dù lên kế hoạch công việc nhưng chúng tôi cố nán lại với lí do muốn để tỏ tường hết về câu chuyện tình đầy cảm động của đôi vợ chồng trẻ này. Hỏi vui, anh Dũng dùng loại “thần dược” tình yêu nào mà khiến chị say lòng đến vậy? Chị Duyên nhìn chồng với ánh mắt đầy trừu mến: “Em thương anh ấy bởi anh là người có nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Tình yêu mà anh, tình yêu thì không thể nói hết được bằng lời”.
 
Thế nhưng, họ đến được với nhau không phải trên con đường tình bằng phẳng và trải đầy hoa hồng. Họ vượt qua mặc cảm của bản thân và lời dị nghị của người đời. Còn nhớ ngày anh chị mới quen nhau, nhà Dũng cách xa nhà Duyên tới hơn 6 km nhưng đêm đêm anh vẫn đều đặn trên chiếc xe tự lái sang nhà Duyên. Biết gia đình và họ hàng Duyên ngăn cấm nhưng anh vẫn không bỏ cuộc.
 
Những đêm hẹn hò, những cuộc trò chuyện của đôi bạn trẻ chỉ là dưới những cây đa đầu làng hay trên những con đường đê bên cánh đồng. Hai đứa ngồi chụm đầu vào nhau nói về tương lai, bởi phía trước là con đường dài đầy chông gai và ghềnh thác. Dũng nắm chặt tay Duyên: “Lấy anh em có sợ khổ, vất vả và khó khăn không? Duyên nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Nếu đã sợ thì em đã không quyết định lấy anh. Em tin tình yêu sẽ giúp mình vượt qua tất cả”.

Chị Duyên tâm sự, nhận được tin nhà trai sắp đến cầu hôn, bố mẹ chị  bảo: “Coi như nhà này không có đứa con gái nào nữa ”. Duyên khóc rất nhiều nhưng để bảo vệ tình yêu của mình, cô quả quyết với bố mẹ rằng: “Lấy anh ấy thì khổ sướng đâu con chịu”.

Trời không chịu đất thì đất chịu trời vậy. Giữa năm 2003, đám cưới anh chị diễn ra, không mâm cao cỗ đầy, có cả nỗi buồn xen lẫn niềm vui, có cả nước mắt xúc động của hạnh phúc và suy tư đầy trĩu nặng của bà con hai họ. Bà con chòm xóm, bạn bè cũng xuýt xoa, kẻ chia vui chúc phúc cho chú rể lấy được người vợ hiền nết na và thùy mị, người thì bảo cuộc đời Duyên rồi sẽ không biết đi về đâu khi chấp nhận lấy chàng trai tật nguyền. Nhưng Duyên bỏ ngoài tai tất cả.
 
Từ ngày có Duyên, căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười. Bố mẹ dựng cho đôi vợ chồng căn nhà ngói cấp bốn ra ở riêng. Chồng khám bệnh bốc thuốc, vợ lo toan việc nhà cửa, đồng áng và tranh thủ phụ giúp chồng những khi rảnh rỗi. Hạnh phúc hơn khi 2 năm sau, chị Duyên sinh một bé gái khỏe mạnh. Rồi đứa con trai thứ hai kháu khỉnh chào đời trong niềm vui khôn tả của hai gia đình. Ngày Dũng gọi điện về bên nhà ngoại thông báo vợ đã sinh được cháu trai, ông bà ngoại mừng đến phát khóc.
 
Chúng tôi hiểu, trong cuộc sống không có thứ thuốc “thần dược” nào để làm nên và gìn giữ hạnh phúc của gia đình. Với Trần Quang Dũng, đó là nghị lực, lòng kiên trì và tình yêu chân thành đã làm nên tất cả.
  • Hà Long
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc