Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Thời gian gần đây, tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã trở thành tiêu điểm nóng không chỉ trong nước mà còn nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế. Những diễn biến mới nhất xung quanh khu vực giàn khoan trái phép HD-981 của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam luôn được các phương tiện truyền thông cập nhật từng giờ.
Trước động thái ngang ngược, lấn lướt và có phần hung hăng của Trung Quốc khi di chuyển giàn khoan nước sâu HD-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã lên tiếng thể hiện quan điểm của mình.
Mỹ lên tiếng phản đối kịch liệt
Ngay sau khi Bắc Kinh di chuyển giàn khoan thăm dò dầu khí khổng lổ của mình vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam hồi đầu tháng, hôm 6/5 Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng cảnh báo động thái này của Trung Quốc là hành động gây mất ổn định khu vực.
Bà Jen Psaki – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Mỹ đã và đang xem xét nghiêm túc tới sự vụ này. Căn cứ vào lịch sử căng thẳng ở Biển Đông, việc Trung Quốc đưa giàn khoan là một hành động khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Diễn biến này càng cho thấy các tuyên bố về chủ quyền của các nước trong khu vực cần phải được dựa trên luật pháp quốc tế”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki
Mới đây, hôm 12/5, bà Jen Psaki cho hay: trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng hành động của Trung Quốc có tính chất “khiêu khích” và “xâm lấn”.
Ngày 14/5, tờ The Straits Times trích lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Singapore (12-16/5): Washington muốn thấy một bộ quy tắc ứng xử được thiết lập và tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình thông qua Luật Biển, thông qua tòa án, thông qua bất cứ biện pháp nào không phải bằng đối đầu trực tiếp và hành động xâm lược.
Đáp trả sự phản đối từ Washington, Bắc Kinh phủ nhận và tiếp tục giọng điệu dối trá, giảo biện cho hành động gây hấn, khiêu khích khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Điều này dẫn tới một cuộc “đấu khẩu” bùng nổ giữa hai quốc gia
ASEAN lần đầu tiên ra tuyên bố riêng về Biển Đông
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) nằm trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN-24, ngày 10/5/2014 tại Nay Pyi Taw, Myanmar, các Bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các sự việc phức tạp hiện nay ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng và phương hại hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Theo đó, kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Trung Quốc.
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về một tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua một Tuyên bố về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông. Ảnh: AP
Ngay sau đó, Tờ Hoàn cầu Thời báo, một trong những cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, số ra ngày 12/5 cay cú đòi ASEAN phải giữ trung lập trong các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông. Trước đó hôm 10/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố tranh chấp Biển Đông “không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN”.
Nhật Bản, Australia, Philippines quan ngại sâu sắc
Trước động thái đem giàn khoan HD-981 của Trung Quốc vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, chính phủ Nhật Bản, Australia, Philippines tỏ ra "quan ngại sâu sắc" khi Bắc Kinh hành động đơn phương, có phần lấn lướt trong vấn đề tranh chấp lãnh hải.
"Chúng tôi thực sự lo lắng về những căng thẳng ngày càng leo thang trong khu vực khi Trung Quốc đơn phương bắt đầu các hoạt động mờ ám tại Biển Đông”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết. "Chúng tôi nhìn nhận hành động này của Trung Quốc là đơn phương và đầy tính khiêu khích”.
Ngày 14/5, Bộ Ngoại giao Australia ra tuyên bố hoan nghênh và chia sẻ sự “quan ngại sâu sắc” của những tuyên bố do ASEAN lần thứ 24 đưa ra về những diễn biến hiện nay trên Biển Đông. Chính phủ Australia cho biết mặc dù không đứng về phía bên, nhưng Úc “có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải”.
Về phần mình, Philippines – một quốc gia cũng đang phải đối mặt với những tranh chấp chủ quyền lãnh hải căng thẳng với Trung Quốc, từ lâu đã có những động thái cáo buộc, thậm chí đệ đơn kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế vì những hành động đe dọa ngang ngược và lấn lướt. Ngày 14/5, hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cáo buộc: Trung Quốc đã chuyển vật liệu xây dựng để xây một đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hải quân Philippines đã chụp ảnh các hoạt động này. Đây là hành vi leo thang căng thẳng nghiêm trọng trên Biển Đông.
Trong suốt thời gian Trung Quốc gây hấn về vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn kiên quyết đường lối nhã nhặn, ngoại giao mềm mỏng, và quốc tế hóa những mâu thuẫn. Mặc dù phía Trung Quốc vẫn duy trì hơn 80 tàu bảo vệ giàn khoan trái phép, thậm chí còn hung hăng dùng vòi rồng tấn công và đâm rách tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam nhưng các chiến sỹ của ta vẫn kiên cường, dũng cảm và ứng phó linh hoạt, thông minh, không bị rơi vào cái bẫy “chết người” thâm hiểm của Bắc Kinh.
Trong một buổi phỏng vấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Lê Việt Trường tuyên bố: “Cả thế giới đã lên tiếng, Trung Quốc không muốn quốc tế hóa nhưng tự thân họ đã đẩy vấn đề ra quốc tế. Và nếu cứ hung hăng, ngang ngược đẩy căng thẳng vượt quá giới hạn, chúng ta sẽ phải tự vệ đáp trả”.
Phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm 13/5, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc “đang ngày càng bị cô lập và trở thành một đối tượng gây lo ngại”.