Thả cá chép như thế nào cho đúng và ý nghĩa?
Theo các chuyên gia, bỏ qua vấn đề tín ngưỡng và tâm linh, việc thả cá Chép như một hình thức phóng sinh sẽ góp phần tái tạo nguồn lợi ngoài tự nhiên. Điều này càng thực tế khi cá chép là loài dễ sống, dễ sinh sản và sinh trưởng trong nhiều thủy vực nước ngọt khác nhau.
Tuy nhiên, thả cá thế nào để vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa với mục đích tái tạo nguồn lợi và vừa bảo vệ môi trường là điều mà không phải ai cũng có ý thức đầy đủ. Rất nhiều năm qua, việc thả cá chép còn kéo theo những hệ lụy gây bức xúc cho xã hội. Không phải thả cá mà là đổ, ném, quăng cá và cả những túi nilon và dụng cụ chứa cá xuống sông, hồ vẫn là ''điều muôn năm cũ''.
Theo tục lễ truyền thống lâu đời của người Việt, việc cúng tiễn thả cá chép để tiễn hai vị thần bếp, có công giữ gìn nếp nhà là ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm là một việc làm cần thiết và không thể bỏ qua. Nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng quy trình để tỏ lòng thành kính của mình một cách trọn vẹn nhất.
Nên cúng nên cúng cá sống hay cá chín trong ngày 23 tháng Chạp?
Trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, ngoài mâm cỗ mặn, hương hoa, đèn, trầu cau, 2 mũ Táo ông, 1 mũ Táo bà, bộ quần áo, hia hài, lễ vật không thể thiếu là cá chép vàng (cá giấy, cá sống hoặc cá đã làm chín).
Cá chép vàng vốn là loài động vật khi xưa sống trên Thiên đình, do phạm lỗi, nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian để tu hành, chuộc lại tội lỗi của mình gây ra. Sau khi tu hành có chính quả, cá chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên trời. Còn ông Táo là do Thượng đế phái xuống trần gian để theo dõi loài người, xem ai Thiện ai Ác. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông bay về trời để bẩm tâu với Ngọc Hoàng mọi việc đã diễn ra trong gia đình gia chủ, đến đêm Giao thừa, ông mới bay trở về. Nhưng muốn bay lên trời, ông Táo phải nhờ đến cá chép đưa đi. Bởi thế, trong các mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, không thể thiếu cá chép vàng.
Ngày nay, vì công việc bận rộn lại không có nhiều thời gian chuẩn bị nên nhiều người lại mua cá chép về rán hoặc kho lên, trước là cúng ông Táo, sau cả gia đình cùng thụ lộc. Chị Hòa Bình (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công ông Táo ngay từ hôm nay (22 tháng Chạp). Vì ngại mang cá vàng đi thả, từ nhà đi ra hồ, sông khá xa nên tôi mua một con cá chép to về để tủ lạnh, ngày mai rán lên cúng ông Táo”.
Cô Mai (Ba Đình, Hà Nội) hóm hỉnh nói: “Cúng cá rán hay cá sống đều được cả. Miễn là ông Táo có phương tiện để bay về trời, để ông đỡ phải đi xe bus tắc đường”.
Thế nhưng, nhiều ý kiến khác lại cho rằng cúng cá chép sống rồi phóng sinh ra ao, hồ không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt.
Con cá chép được thả xuống ao, hồ rồi vượt vũ môn hóa thành rồng bay lên trời mang biểu tượng của tinh thần vượt khó, kiên trì, bền chí, khắc phục mọi hoàn cảnh để tiến tới thành công.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng khẳng định, tục mua cá chép vàng còn sống về cúng ông Táo rồi thả phóng sinh là tục lệ đẹp, cần lưu giữ cho các thế hệ sau.