Thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân để biết xấu hổ!?

06:47, Thứ năm 28/03/2013

( PHUNUTODAY ) - Có lẽ đã tới lúc ngành giáo dục nên đưa môn Giáo dục công dân thành môn chính và là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Có lẽ đã tới lúc ngành giáo dục nên đưa môn Giáo dục công dân thành môn chính và là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
[links()]
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng và các em học sinh, phụ huynh cuối cấp được một phen hoang mang khi trên mạng Ineternet lan truyền thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Trong đó, ngoài ngoài 3 môn thi bắt gồm: Toán, Văn và Ngoại ngữ; có thêm 3 môn mới đầy bất ngờ, là Thể dục, Giáo dục công dân và Công nghệ.

Lý giải cho sự lựa chọn 3 môn mới này vào kỳ thi, bản tin trên thậm chí còn giả mạo cả ý kiến của một vị có chức danh Giáo sư, Tiến sĩ về sự cần thiết của 3 môn này, chính những lý giải quá đúng và đầy logic của vị GS.TS này đã thuyết phục được người đọc, khiến họ tin “sái cổ” vào 3 môn thi mới đó.

Vị GS.TS này lý giải: “Theo tôi, 3 môn Giáo dục công dân, Thể dục, Công Nghệ là cần thiết và hợp lý đưa vào thi tốt nghiệp. Ông bà ta có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, vấn đề đạo đức đối với người Á Đông được đặt lên hàng đầu, có tầm quan trọng trong việc đánh giá nhân cách con người. Trước tình hình giới trẻ ngày càng “Tây hoá” với lối sống buông thả, nhân cách đạo đức ngày càng suy giảm, tôi nghĩ Bộ đã rất hợp lý khi đưa môn Giáo dục công dân vào thi. Điều đó sẽ giúp học sinh có lối suy nghĩ tích cực hơn, tu sửa, cải thiện, phát triển nhân cách toàn diện. Hơn nữa, Bộ hướng đến việc cải cách giáo dục, đến năm 2015, có thể học sinh phổ thông chỉ còn học 7 môn, trong đó môn Giáo dục công dân là bắt buộc.

giao-duc-cong-dan-Phunutoday.vn.jpg
Đã đến lúc cần "nâng tầm" cho Giáo dục công dân.

Bên cạnh việc học tập trao dồi kiến thức, thể chất - sức khoẻ đóng vai trò quan trọng không kém. Xưa có câu “Trí tuệ minh mẫn chỉ có trong cơ thể cường tráng”. Đa phần học sinh phổ thông hiện nay, ít chú trọng sức khoẻ, một số do áp lực học tập văn hoá quá mức, một số thực hành tin học quá nhiều, và còn vô vàn lý do khác. Cơ thể yếu sẽ dễ bị suy nhược, trí nhớ kém, khó tiếp thu kiến thức. Hệ quả về lâu có thể dẫn đến tử vong hoặc các căn bệnh hiểm nghèo, như là liệt dương, yếu sinh lý, nghiêm trọng hơn là vô sinh. Đó là vấn đề đau đầu đối với việc duy trì và phát triển nguồn nhân tài ở nước ta. Việc đưa môn Thể dục vào thi tốt nghiệp sẽ giúp các em chú trọng hơn trong vấn đề bảo vệ sức khoẻ, nâng cao thể chất của bản thân.

Còn về môn Công nghệ, theo tôi nghĩ thì có lẽ quan điểm của Bộ nhận thấy rằng, học sinh nước ta hiện nay có lẽ thiếu nhiều kỹ năng sống, môn học này có thể giúp ích cho học sinh phổ thông trang bị các kiến thức thường thức trong cuộc sống thường ngày. Tôi được biết rằng, Bộ có chủ trương tăng tiết thực hành môn Công nghệ hơn là học lý thuyết suông trong những năm tiếp theo. Với chương trình 3 năm cấp THPT, các em có thành thạo kỹ năng nuôi heo, nuôi gà, vẽ thiết kế đơn giản, thay sửa bóng đèn... Tôi chỉ lấy vài ví dụ đơn giản để chỉ ra tầm quan trọng của môn Công nghệ đối với học sinh hiện nay.

Tóm lại, việc đưa 3 môn Giáo dục công dân, Thể dục, Công nghệ làm 3 môn thi chính thức bắt buộc bên cạnh các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là cần thiết, đó là quyết định đúng đắn, mang tính tích cực của Bộ GD&ĐT trong việc phát triển toàn diện học sinh Phổ thông. Là bước đệm ban đầu trong việc cải cách giáo dục, phát triển dân trí, bồi dưỡng nhân tài các thế hệ sau của Việt Nam. Tôi hoàn toàn hoan nghênh quyết định này”.

Không biết chủ đích của người viết bài này chỉ là một trò đùa vui cận kề ngày “cá tháng 4”, hay hàm ý thông điệp gì khác. Nhưng xét thực tế xã hội hiện nay những lý giải trên khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đặc biệt với môn Giáo dục công dân, khi thời gian qua rất nhiều vấn đề liên quan tới ý thức xã hội xảy ra, như bệnh vô cảm, bạo hành gia đình, con cái bất hiếu, bạo lực học đường, tham nhũng, lãnh phí, tệ quan liêu…

Mới nhất là tình trạng tràn lan sách dành cho học sinh lớp 1 in quốc kỳ Trung Quốc, không có quần đảo Hàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, với sách của các nhà xuất bản danh tiếng với những tên rất “giáo dục” như Nhà xuất bản Giáo dục (sách không có Hoàng Sa, Trường Sa), Nhà xuất bản Dân Trí, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Nhà xuất bản Mỹ Thuật (in quốc kỳ Trung Quốc). Khi vụ việc vỡ lở, các nhà xuất bản lên tiếng thanh minh người ta mới tá hỏa, ra lâu nay mấy cuốn sách cho học sinh lớp 1 mà các nhà làm giáo dục Việt Nam cũng phải mua bản quyền, dịch lại của Trung Quốc. Chỉ trách những người ký tên trên sách là “biên soạn” chỉ dịch phần chữ mà không dịch phần ảnh, nên mới bị lộ tẩy. Và kết cục là bị thu hồi toàn bộ.

Càng ngỡ ngàng hơn khi người ta biết được sự thật, không cơ quan quản lý nào phải chịu trách nhiệm về những sai sót nhỏ này, vì nó là sách tham khảo nên không liên quan tới Bộ “học”, “Sách lưu hành trong nhà trường, bộ có danh mục rất đầy đủ. Nhưng đây là sách của các nhà xuất bản nằm ngoài quyền quản lý của Bộ GD&ĐT, không còn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ” - đấy là trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trước những chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với ông vào chiều 22/3 vừa qua.

Sai sót trên chưa kịp lắng dịu thì người tiêu dùng lại phải bối rối trước những hộp nho ghi là “Made in Vietnam” nhưng lại dán quốc kỳ Trung Quốc bày bán tại siêu thị BigC, khách hàng bối rối cũng phải, vì không biết nên hiểu “nho trồng tại Việt Nam dùng hóa chất Trung Quốc” hay là “nho Trung Quốc bán tại Việt Nam”. Sau đó siêu thị này giải thích là “dùng biểu tượng quốc kỳ để chỉ nơi sản xuất”, mà cái nhãn “made in Vietnam” cũng là chỉ nơi sản xuất, nghe xong giải thích thấy mình bối càng thêm rối. Cái kết của vụ việc là do “sai sót của nhân viên đóng gói”, nên siêu thị đã đuổi việc nhân viên này.

Đấy là sai sót trong nước, thôi thì chỉ chúng mình biết với nhau nên bỏ qua. Mà cái vốn đời ở nhà sao thì ra đường hay làm vậy, thành ra người ta mới không mấy ngạc nhiên khi hay tin Việt Nam quảng bá hộ du lịch Trung Quốc tại hội chợ xúc tiến du lịch diễn ra tại Đức đợt tháng 2 vừa rồi. Nói vậy thôi, chứ Tổng cục Du lịch cũng chả có lỗi gì, sơ sót đó là do đơn vị thi công gian hàng treo nhầm ảnh, còn cái doanh nghiệp được Tổng cục ủy thác kiểm tra, giám sát thì không để ý, ta thay ảnh khác là xong vì lúc đó hội chợ chưa khai mạc, nên chả mấy người biết đâu có gì phải lo. Lỗi nặng nhất là cái anh cán bộ đã chụp ảnh đưa lên mạng xã hội, làm từ chỗ ít người biết thành ai cũng biết, anh này sau đó bị kỷ luật là phải quá rồi. Thế mới thấy, làm việc mà thật thà quá chỉ nhanh thất nghiệp.

Chúng ta đang cải cách giáo dục, nên nhân cơ hội này nâng cấp môn Giáo dục công dân từ phụ thành môn học chính và đưa vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như đề xuất trên. Cùng với giáo dục, học tập ở nhà trường, chúng ta cũng phải dùng các biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, như kết hợp với cuộc vận động người dân bầu chọn quốc hoa, chúng ta có thể lựa chọn ứng viên hoa Xấu hổ để "thay cho lời muốn nói".

  • Phạm Thanh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc