Thử lý giải giáo dục Việt Nam thua cả Campuchia

07:49, Chủ nhật 08/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng, theo Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố vào đầu tháng 9.

Về giáo dục, WEF ghi nhận Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam lần lượt đứng đầu trong khi Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7 và Thái Lan ở cuối bảng. Lào và Myanmar không được WEF xếp hạng.

Báo cáo cũng khẳng định rằng tài chính không phải là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm nền giáo dục tốt và lương giáo viên cao không hẳn tạo ra khả năng giảng dạy thích hợp.

Phần liên quan đến giáo dục được WEF xếp vào tiêu chí thứ 4 (sức khỏe và giáo dục cơ sở) và 5 (chất lượng giáo dục và đào tạo cấp cao) trong số 12 tiêu chí then chốt giúp hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế.

Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng

Báo cáo hằng năm về Tính Cạnh tranh Toàn cầu của WEF được khởi xướng từ năm 2004 xếp hạng về hiệu quả cạnh tranh của 148 nền kinh tế.

Việc giáo dục Việt Nam ở vị trí thấp, chỉ xếp thứ 7 trong số 8 nước ASEAN được xếp hạng đã khiến không ít người bất ngờ bởi kết quả xếp hạng này dường như trái ngược với những bản báo cáo thành tích về số lượng dày đặc các học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư tại Việt Nam.

Theo các số liệu báo cáo gần đây,  Việt Nam hiện có khoảng 24.000 tiến sĩ và 9.000 giáo sư và phó giáo sư, con số này được đánh giá là nhiều nhất Đông Nam Á, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trên cả nước luôn đạt hơn 95% (năm 2013 là 97,52%).

Đấy là còn chưa kể đến việc ở Việt Nam còn có quy định Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Theo đó, Bộ GD&ĐT có Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, người đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính. Quy định có hiệu lực từ ngày 30/8/2013. Về thủ tục công nhận bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và bằng tiến sĩ, sau khi nhận đầy đủ hồ sơ và hợp lệ, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ. Nếu từ chối, phải có lý do.

Hơn nữa, ngân sách Nhà nước dành cho phát triển giáo dục là không hề thấp, năm 2013 chi cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề đạt 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Điều này cho thấy sự quan tâm đầu tư rất lớn của chính quyền đối với ngành giáo dục dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn.

Với những con số đáng ấn tượng ấy, có lẽ không ai nghĩ giáo dục Việt Nam lại được xếp hạng thấp như vậy trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu tinh ý quan sát kỹ hơn một chút các con số, chúng ta sẽ thấy một vài vấn đề đáng lưu ý và dường như đó chính là sự lý giải hợp lý cho vị trí thứ 7/8 trong khu vực hiện nay.

Mặc dù có số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á nhưng Việt Nam không có một đại học nào trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Trong thời gian từ 1970 đến 2011, Việt Nam công bố được 10745 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế; con số này chỉ bằng 22% của Thái Lan, 27% của Malaysia, và 11% của Singapore và số lượng bài báo được dẫn lại còn thấp hơn rất nhiều. Trong khi đó, khoảng 80% những bài báo khoa học từ Việt Nam là do hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài.

Số lượng bằng sáng chế cuả Việt Nam cũng rất thấp,  báo cáo của UNESCO cho thấy trong thời gian 2000 – 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế. Có năm (như 2002, 2011) không có bằng sáng chế nào được đăng kí.

Những con số trên lại cho thấy Việt Nam đang ở một vị thế thấp và bất lợi trong cả 3 chỉ tiêu về giáo dục như kinh tế tri thức, số bằng sáng chế, và xếp hạng đại học. Và điều này có lẽ hợp với vị trí trong bảng xếp hạng mà WEF đưa ra hơn.

Tuy nhiên, nếu mọi người cảm thấy buồn về việc tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam được đánh giá thì hãy khoan, bởi may sao đấy chỉ là một trong nhiều tiêu chí đánh giá, và nhìn chung theo theo Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm ngoái, xếp hạng 70/148 và cao hơn Campuchia.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc