Ai cũng có một "con bò"!
Một hôm Đức Phật và các thầy tỳ kheo cùng ngồi dưới một gốc cây bồ đề, lúc Đức Phật và các thầy đang thiền thì có một người Bà-la-môn nọ chạy đến với tâm trạng rất lo âu, sợ hãi. Người này nói với Đức Phật rằng:
- Này Sa Môn Cù Đàm, nãy giờ ngài ngồi thiền với các vị đệ tử ở đây có thấy con bò nào chạy ngang không?
Đức Phật mới nói rằng: "Nãy giờ ta ngồi thiền với các thầy ở đây không thấy con bò nào chạy ngang cả!".
Người Bà-la-môn nghe Đức Phật nói như vậy mới bỏ đi và tiếp tục tìm con bò của mình. Đức Phật quay sang các thầy bên cạnh hỏi rằng:
- Này các thầy, tại sao người đàn ông kia lại lo âu và sợ hãi như vậy?
Các thầy tỷ kheo trả lời: "Vì người đàn ông này vừa mới bị mất một con bò".
Đức Phật lại hỏi tiếp: "Vậy các thầy có một con bò nào để mất không?".
Các thầy trả lời:
- Thưa Đức Thế Tôn, chúng con không có con bò nào để mất cả!
- Đúng rồi, vì các thầy chẳng có con bò nào để mất cả, nên các thầy mới có thể ngồi an nhiên tự tại và hạnh phúc dưới gốc cây Bồ đề này!
Những thứ của cải vật chất xung quanh mình đều là những "con bò" cả, và nếu mình không có tâm thái tự tại của một người học Phật, thì những "con bò" đó luôn làm mình phải lo âu sợ hãi. Vì mình có thì mình sợ mất, mất rồi thì đau khổ vô cùng!
Đừng sợ mất mát thứ gì, học được cách sống chánh niệm.
Bài kệ của sư tổ:
"Thân ở chốn dạ lam
Tâm rong chơi bốn biển
Cỏ phiền mọc đầy rễ
Bao giờ mới được an"
Thân mình thì ở chốn dạ lam (tức chỉ ngôi chùa), nhưng tâm mình rong chơi trần thế, như nghĩ về công việc ngày mai, chuyện kinh doanh, buôn bán, chồng con, công việc... Như vậy thì thân mình ở đây nhưng tâm ở ngoài kia, cỏ phiền mọc đầy rễ, không biết bao giờ mới an được!
"Thân ở đâu thì tâm ở đấy" hay nói cách khác "hãy luôn mang trái tim của mình trong mọi cuộc chơi", thì mình mới thấy cuộc sống của mình ý nghĩa, không có phải lo âu sợ hãi, phiền muộn nữa.
Tập nói lời cảm ơn và xin lỗi trái tim trước khi đi ngủ
Đã bao giờ, bạn thử đặt tay lên trái tim và nói rằng: "Em" chưa? Nói một câu vậy cũng được. Nếu không bạn là người rất vô tình.
Từ khi sinh ra đến lúc mất đi, nhờ có trái tim mới được sống nhưng dường như ai cũng mải mê chạy theo thứ xa hoa bề ngoài mà vô tình bỏ quên thứ bên trong. Hằng ngày, bỏ cả tiếng để trang điểm, ngắm nghía mình trong gương, nhưng tự hỏi, bạn đã đặt tay lên ngực để trò chuyện được mấy lần.
Sự vô tâm đã khiến bỏ quên trái tim, lá gan, lá phổi,... và tất cả các bộ phận khác trên cơ thể. Ta không dành thời gian quan tâm, chăm sóc, hay một lời hỏi han cũng không có. Ấy vậy khi có bệnh như đau tim, đau mắt, đau chân,... lại vội vàng quay sang oán trách.
Không chỉ đổ lỗi cho chúng, ta còn hành động thô bạo hơn: "Mày đau, tao sẽ uống thuốc cho hết. Nặng hơn, tao sẽ chích và thậm chí là mổ để thay cái khác".
Những hành động thô bạo đó thật tồi tệ làm sao!
Nếu chúng ta biết yêu thương trái tim, lá phổi của mình và tất cả các bộ phận trên cơ thể, mới có thể yêu được những người xung quanh. Ngay chính trên cơ thể mình còn chưa yêu thương, nói gì chồng con, họ hàng... Hãy biết yêu thương mình trước, sẽ cảm nhận được sự nhiệm màu trong cuộc sống. Khi có trái tim mạnh khỏe, ta sẽ hạnh phúc hơn những người đau tim.
Mỗi tối, trước khi ngủ, nằm thật thoải mái và bắt đầu nói chuyện với cơ thể mình, đặc biệt, đừng có suy nghĩ gì cả. Khi nằm xuống, hành động đầu tiên của chúng ta là hãy nói cảm ơn. Vì nhờ có trái tim mà mình được mạnh khỏe, hạnh phúc.
Hãy trò chuyện, nói cảm ơn và xin lỗi với các bộ phận khác một cách tương tự. Hãy tập hòa giải với cơ thể thì chúng ta sẽ bị mộng mị, giấc ngủ không yên.
Muốn sống trọn vẹn, hãy... tập chết!
Không phải tập chết để rồi mình chết, mà để cảm nhận sự đau khổ khi chết đi. Khi tập được điều đó, ta thấy rằng mỗi ngày trong cuộc sống, vì miếng cơm manh áo mà lo công việc để kiếm tiền, điều đó là đúng. Nhưng phải thấy được rằng đó là sự phù du, giả tạm mà thôi. Chỉ có một điều chắc chắn trong cuộc đời này là... mọi người sẽ chết chắc!
Khi mình biết được mình sẽ chết chắc, mình sẽ có tâm thái sẵn sàng tha thứ cho người khác, không sợ hãi nữa. Đừng "sống để bụng, chết mang theo" mà hãy "sống không để bụng, chết khỏi mang theo". Người nào mang càng nhiều thì đi xuống, người nào ít mang thì bay lên.
Hãy sống một cách an nhiên tự tại, đừng theo đuổi những thứ vật chất phù phiếm
Cuộc sống vốn nhộn nhịp, con người luôn mưu cầu tiền tài, vật chất. Đó là điều hiển nhiên. Nếu quá mải mê chạy theo thứ xa hoa phù phiếm mà đánh mất bản ngã thì thật đáng trách.
Kém may mắn sinh ra với cơ thể tật nguyền, bạn không thể thay đổi nhưng điều có thể thay đổi là trái tim, tâm hồn mình. Dù bạn là ai, làm nghề gì, hãy luôn giữ tấm lòng sáng trong, không tham sân si, đấu đá kẻo rước họa vào thân.
Thay vì đuổi theo những giá trị vật chất xa xỉ, hãy học cách yêu thương và biết cảm nhận sự hạnh phúc. Khi ta biết yêu thương bản thân, tình cảm ấy có thể lan tỏa xung quanh, truyền nguồn năng lượng tới mọi người. Hãy lấy tình yêu thương đồng loại vượt lên mọi cám dỗ cuộc đời.