Xung quanh công văn Bộ VH-TT&DL vừa gửi các đơn vị báo đài về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, Phunutoday đã có buổi trao đổi với ông Lê Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý Biểu diễn và Băng đĩa, Cục Biểu diễn Nghệ thuật để làm cho rõ mục đích công văn chấn chỉnh ai, treo sóng như thế nào, hiệu lực pháp lý được thực hiện ra sao?
[links()]
PV: Thưa ông, công văn trên là kết quả nỗ lực của 2 lần họp trực tuyến 3 miền lần trước?
Ông Lê Minh Tuấn: Các công văn trên là một trong những giải pháp đã nêu ra tại Hội nghị trực tuyến về chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.
PV: Về tính hiệu lực, khi nhận công văn thì các đài truyền hình và phát thanh phải thực hiện như thế nào?
Ông Lê Minh Tuấn: Đây là văn bản Bộ VHTTDL đề nghị sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan nhằm chấn chỉnh, đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Khi tiếp nhận được văn bản này, các cơ quan sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để triển khai và có hướng xử lý thích hợp đối với các nội dung có liên quan đến đơn vị mình.
Qua theo dõi báo chí, tôi được biết một lãnh đạo Đài truyền hình đã có trả lời về việc triển khai thực hiện nội dung công văn của Bộ trong thời gian tới, như vậy là đã có sự phối hợp rồi.
PV: Như vậy, Công văn của Bộ gửi đến các Đài về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có tính chất tham khảo nhiều hơn và các đơn vị có thể tự diễn giải để phối hợp thực hiện?
Ông Lê Minh Tuấn: Phối hợp trong công tác quản lý, cũng như thực hiện các quy định của pháp luật là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.
Trong lĩnh vực văn hóa cũng vậy, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tấn xã Việt Nam, các Đài phát thanh, truyền hình, vì báo chí, truyền hình là những kênh quảng bá rất rộng đến công chúng các hoạt động văn hóa nghệ thuật và những mặt tốt, cái hạn chế cũng đến với độc giả rất nhanh thông qua các phương tiện trên. Việc phối hợp này cũng được luật pháp quy định.
Đồng thời trước những bức xúc trong xã hội về một số vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang thời gian vừa qua như: hát nhép; nhạc nhái; sử dụng trang phục, hoá trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; với vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, tôi cho rằng không một cơ quan nào có thể thờ ơ hay tiếp tay cho các sai phạm.
Và tôi cũng mong các cơ quan báo chí có sự phối hợp chặt chẽ, góp phần đưa các hoạt động nghệ thuật ngày càng lành mạnh và có ý nghĩa.
Ca sĩ Thu Minh và người mẫu Thái Hà vẫn được xuất hiện trên truyền hình |
PV: Vậy những người có tên dính phạt, nhắc nhở, cảnh cáo....đều thuộc diện "không mời" nghĩa là "không được xuất hiện trên tivi?"
Ông Lê Minh Tuấn: Không hoàn toàn như vậy. Tùy vào mức độ vi phạm, những trường hợp vi phạm có mức độ nghiêm trọng, khi họ xuất hiện có thể gây sự phản cảm về hình ảnh trong khán giả, tác động xấu đến giáo dục thẩm mỹ, nhân cách, đặc biệt trong giới trẻ, thì các Đài PTTH không nên mời tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang.
Về trường hợp các nghệ sĩ đã bị phạt, xử lý rồi và họ cũng đã thay đổi, sửa chữa, nhận khuyết điểm thì vẫn được xuất hiện trên truyền hình, chứ không phải họ bị “cấm” xuất hiện trên truyền hình như một số báo đưa tin.
Còn từ sau khi công văn ban hành, nếu các nghệ sĩ bị xử phạt, hoặc đang bị xử phạt tiếp tục gây sự phản cảm về hình ảnh trong khán giả, tác động xấu đến giáo dục thẩm mỹ, nhân cách, đặc biệt trong giới trẻ thì khi ấy theo Công văn Bộ VHTTDL đề nghị các đài không mời họ tham gia các chương trình biểu diễn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
- Phạm Lý (thực hiện)