Thứ trưởng vi hành đường bộ, đường sắt tai nạn liên tiếp

( PHUNUTODAY ) - Hơn nữa, trong khi thanh tra bộ năng nổ kiểm tra các vấn đề an toàn giao thông đường bộ thì tai nạn đường sắt vẫn diễn ra liên tục và không ngừng tăng mức độ nghiêm trọng.

(Đời sống) - Tuần này, 7 thứ trưởng Bộ GTVT bắt đầu xuất quân “vi hành” tới các địa phương nắm tình hình và giải quyết việc đảm bảo an toàn giao thông, quản lý vận tải.
Theo báo Tiền Phong, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện - người thường trực điều phối chương trình 7 thứ trưởng về 21 tỉnh cho biết: Lịch trình, địa điểm làm việc của từng vị thứ trưởng đã được lên kế hoạch chi tiết.
 
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lần này phụ trách đoàn đi kiểm tra tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương..., Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường “kéo quân” lên phía Bắc làm việc với Sơn La, Điện Biên...

 

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường (thứu 3 từ phải sang) kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Bảo An.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường (thứu 3 từ phải sang) kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Bảo An.
 
Ngoài kiểm tra về ATGT, vận tải như công bố, các thứ trưởng cũng sẽ kiểm tra thêm về công tác đào tạo, sát hạch lái xe... Sau khi các đoàn kiểm tra của các cục, vụ chuyên môn làm việc xong với địa phương, từ ngày 31/7 đến giữa tháng 9, các thứ trưởng sẽ luân phiên “đi tỉnh”. Họ sẽ làm việc trực tiếp với các chủ tịch UBND tỉnh để đưa ra kết luận và giải pháp khắc phục. Sau đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo bộ trưởng và công khai kết quả.
 
Về vấn đề quan chức địa phương, thậm chí cả trung ương can thiệp vào công việc của đoàn thanh tra Bộ GTVT từng bị báo chí và người dân lo ngại rằng sẽ xảy ra, ông Huyện cho biết, đến nay, các đoàn “tiền trạm” chưa gặp trường hợp quan chức địa phương nào can thiệp, nhờ vả.
 
Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, Phó chánh thanh tra GTVT Thạch Như Sỹ nói gấp gáp: “Tôi đang ở Huế. Tỉnh này là tỉnh thứ 9 rồi; đi từ ngày 15/7 đến nay. Phải thanh tra thực tế, hoàn thành báo cáo để kịp với thời gian thứ trưởng vào làm việc”. 
 
Ông Sỹ “bật mí”, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm và đã ra các quyết định xử phạt ngay. Riêng tại Huế, theo ông Sỹ, đã đề nghị xử phạt các đơn vị với số tiền 350 triệu đồng.
 
Mặc dù các đoàn thanh tra làm việc dường như khá gấp gáp và căng thẳng tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thống kê về các vụ sai phạm bị phát hiện cũng như số tiền đề nghị xử lý vi phạm.
 
Trong khi Bộ Giao thông vẫn đang miệt mài với các hoạt động thanh tra thì các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn không hề có xu hướng giảm, đáng chú ý trong đó là có hàng loạt các vụ tai nạn đường sắt khiến người dân vô cùng hoang mang.
 
Mới đây nhất, vào sáng ngày 30/7, một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng đã xảy ra, tàu SE3 hành trình Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh va chạm phải xe tải chở xi măng trên đường sắt địa bàn thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) khiến lái tàu bị thương, giao thông đường sắt tê liệt.
 
Theo đó, tàu SE3 đang chuẩn bị qua đường ngang có người gác ở km 242 + 730 thì va chạm phải xe tải chở hơn 60 tấn xi măng của nhà máy xi măng Hoàng Mai đang chạy qua chắn. Hậu quả cửa kính đầu máy tàu bị vỡ, lái tàu bị thương nặng. Đầu xe tải bị hư hỏng nặng, nhiều bao xi măng đổ xuống đường. Hai tiếng sau đó, giao thông đường sắt tại khu vực này vẫn chưa thông tuyến. Một loạt tàu khách và tàu hàng phải chờ đường tại hai ga hai đầu.

 

Vụ tai nạn nghiêm tọng khiến đầu máy tàu hỏa vỡ nát, đầu xe ô tô hư hỏng nặng.
Vụ tai nạn nghiêm tọng khiến đầu máy tàu hỏa vỡ nát, đầu xe ô tô hư hỏng nặng.
 
Trước đó, chiều 10/7, tại điểm giao cắt giữa đường tỉnh 390B với tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng qua xã Hồng Lạc huyện Thanh Hà đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa tàu khách mang số hiệu LP5 hướng Hà Nội- Hải Phòng và xe container đầu kéo biển kiểm soát 16N-0021. Va chạm mạnh đã làm lật đầu kéo tầu và 2 toa xe chở hành lý, 1 toa xe chở máy phát điện phục vụ hoạt động trên tàu. Vụ tai nạn làm  lái tàu bị thương. Vụ tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và xe container đã làm cho các tàu chạy tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng đều phải dừng trả khách tại ga Tiền Trung (Hải Dương).
 
Ngày 8/7, một vụ tai nạn đường sắt khác cũng đã diễn ra tại điểm giao nhau giữa đường ngang dân sinh với đường sắt đoạn thuộc ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Khi tất cả các phương tiện đã dừng lại, tài xế điều khiển xe tải mang biển số 60N - 0727 vẫn cố gắng cho xe băng qua đường sắt. Khi xe này vượt gần ra khỏi hành lang đường ray thì bị đoàn tàu TN02 - 959, kéo 14 toa chạy hướng Nam - Bắc lao đến tông vào phần đuôi. 
 
Cú va chạm mạnh khiến xe tải bị hất bay ra ngoài. Khi bị “đánh bật” khỏi đường sắt, chiếc xe tải quật gãy cột đèn tín hiệu giao thông đường sắt và tông liên tiếp vào 2 xe ô tô du lịch loại 7 chỗ ngồi đang lưu thông trên đường. Không dừng lại ở đó, xe tải còn lao tới tông vào xe máy mang biển số 78F1-3526, do chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết điều khiển. Vụ tai nạn làm chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết và phụ xe tải là Phạm Văn Anh bị thương nặng.
 
Việc hàng loạt các vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt xảy ra gần đây đã khiến dư luận không khỏi thắc mắc các đoàn thanh tra của Bộ giao thông đã làm gì, đi kiểm tra tình hình hay đi phượt? Tại sao tai nạn giao thông vẫn không có chiều hướng giảm?
 
Hơn nữa, trong khi thanh tra bộ năng nổ kiểm tra các vấn đề an toàn giao thông đường bộ thì tai nạn đường sắt vẫn diễn ra liên tục và không ngừng tăng mức độ nghiêm trọng. Phải chăng sau hàng loạt các vụ tai nạn này, Bộ giao thông nên tranh thủ thanh tra luôn an toàn giao thông đường sắt, đường không, đường thủy để tránh trường hợp mải mê thanh tra giao thông đường bộ mà tai nạn các loại đường khác liên tục xảy ra như "đánh úp" các Thứ trưởng.
  • An Khanh (Tổng hợp từ TPO, TTO)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn