Đời sống)- Trung Quốc là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đất nước này đang phải đối mặt với một vấn đề xã hội nghiêm trọng khi tỉ lệ “gái ế”, “ trai ế” đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó sự mất cân bằng giới tính là một vấn đề đáng lo ngại khi quốc gia Đông Á này ngày càng có ít phụ nữ.
Theo thống kê vào năm 2010, Trung Quốc là nơi cứ 118 bé trai ra đời thì mới có 100 bé gái. Theo đà đó, tới năm 2020, con số nam giới không thể tìm được vợ được ước tính lên tới 24 triệu người- theo cuộc nghiên cứu của học viện khoa học xã hội Trung Quốc.
Hơn nữa, chính sách “sinh một con” đang có tác động mạnh tới thị trường hôn nhân ở quốc gia đông dân này. Ngược lại, các cô gái Trung Quốc vẫn đối mặt với hoàn cảnh trớ trêu “ế” ngay cả khi sống trong một đất nước có quá nhiều đàn ông.
Trong một cuộc khảo sát năm 2010, hơn 90% nam giới nước này cho rằng phụ nữ hoặc phải kết hôn trước 27 tuổi hoặc phải đối mặt với nguy cơ ở vậy suốt đời.
Không chỉ vậy, các cô gái trẻ Trung Quốc ngày càng giàu có và tài giỏi nên yêu cầu về một người chồng tương lai của họ cũng cao hơn rất nhiều.
Do đó, với một cô gái Trung Quốc ngoài 27 tuổi, càng xinh đẹp và tài giỏi bao nhiêu thì càng khó lấy chồng bấy nhiêu cho dù cô đang sống ở nơi có số lượng đàn ông áp đảo phụ nữ.
Chính vì vậy, áp lực hôn nhân ở quốc gia này là rất lớn. Trong hoàn cảnh ấy, “chợ hôn nhân” ở Thượng Hải xuất hiện như một giải pháp hiệu quả cuối cùng đối với rất nhiều người còn đang trong tình trạng độc thân cũng như sắp đến tuổi “ế”.
Kiểu chợ đặc biệt này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, chiếm đa số là các ông bố bà mẹ-những người đang rất lo lắng cho hôn nhân của các con mình.
Ngoài ra, chợ cũng là nơi tìm đến của những người tuổi trung niên và những người già đang cô đơn.
Nếu người Mĩ thường tham gia vào các dịch vụ được cung cấp bởi các địa chỉ mai mối trực tuyến trên mạng như Eharmony.com và Match.com thì các bậc phụ huynh ở Trung Quốc lại tìm đến “Chợ hôn nhân” với hi vọng tìm được cho con của của một người bạn đời tiềm năng.
“Chợ hôn nhân” hay còn được người dân địa phương gọi là “Góc mai mối” nằm ở thành phố sầm uất Thượng Hải, tại một góc của quảng trường Nhân Dân, số 75 Nanjiing Xilu, đối diện với nhà hát lớn.
Chợ diễn ra vào thứ tư và thứ chủ nhật hàng tuần, trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Bước vào chợ, ta có thể bắt gặp những tờ giấy có ghi những thông tin cơ bản như “nữ, sinh năm 1981, trình độ đại học, đang là giám đốc dự án của một công ty nước ngoài, lương hàng tháng trên 10000 nhân dân tệ, cần tìm người sinh vào thời gian từ năm 1974 tới 1982, trình độ đại học hoặc cao hơn, sống có trách nhiệm với gia đình”.
Chợ hôn nhân thu hút sự quan tâm của các ông bố bà mẹ |
Những tờ giấy như thế này chỉ là một trong hàng nghìn tờ giấy được dán lên tường, treo san sát trên các lùm cây hoặc đặt trên mặt sân và được giữ bởi các hòn đá.
Bởi vì rất nhiều người Trung Quốc vì quá bận rộn trong chuyện học hành hoặc kinh doanh mà không có thời gian để tìm cho mình người bạn đời phù hợp nên bố mẹ họ thường là người đề xuất ý tưởng này và viết vào những tờ giấy các thông tin cơ bản về con mình như: năm sinh, tuổi, chiều cao,trình độ học vấn, nghề nghiệp, mức lương kiếm được hàng thàng và dán chúng ở trong “ chợ hôn nhân”.
Có lẽ vì nỗi lo lắng về hạnh phúc hôn nhân sau này của con cái mà ngay cả khi con của họ đang ở nước ngoài thì họ vẫn cho rằng việc làm như thế này là rất cần thiết.
Một bà mẹ tâm sự “Con tôi đã đi du học ở Anh 7 năm. Khi con bé trở về nước thì đã quá muộn cho nó để tìm một người bạn trai. Nó nghĩ rằng thời gian nó ở Anh là rất đáng giá, nhưng với tôi không có gì quan trọng hơn việc lập gia đình”.
Do đó, không quá ngạc nhiên khi cứ vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần, nơi đây lại đông nghịt người khi có hàng trăm ông bố bà mẹ đến đây để “quảng cáo” cho con của họ.
Với phần lớn những người trẻ tuổi, việc làm này khiến họ cảm thấy bối rối thì với các bậc phụ huynh thì đó sẽ không phải là vấn đề quá lớn khi họ quyết tâm được nhìn thấy con mình sẽ kết hôn với người có vị trí xã hội xứng đáng.
Mặc dù sự tham gia của bố mẹ trong việc tìm kiếm người chồng hoặc vợ phù hợp với con của mình có vẻ là xa lạ đối với nhiều nền văn hóa hiện đại phương đông nhưng phong tục mai mối này đã trở thành một giáo lý trọng tâm của xã hội Trung Quốc trong hàng ngàn năm.
Ông Zeng, 50 tuổi, ân cần giải thích “ở Trung Quốc, bố mẹ có trách nhiệm tìm người phù hợp cho con cái của họ”.
Tuy rất nhiều ông bố bà mẹ hăm hở trong việc nói chuyện với nhà báo nước ngoài với hi vọng sẽ tìm được cho con của họ một người chồng hoặc vợ là người nước ngoài nhưng không một ai trong số họ sẵn sàng đưa tên thật hoặc ảnh của con họ lên các phương tiện thông tin đại chúng và hầu hết đều từ chối để được chụp hình.
Một người cha phiền muộn tiết lộ “Con tôi không chấp nhận chuyện tôi tới đây. Tôi đã mang trộm ảnh của con bé và mang tới chợ”. Trong thực tế, nhiều người không hề biết việc làm này của bố mẹ mình, hoặc nếu biết thì họ cũng sẽ phản đối.
Ngược lại, cũng có người lại ủng hộ cách làm này của cha mẹ mình. Trường hợp ông Zeng là một ví dụ. Con gái ông nhận thức rất rõ vấn đề và đã đi cùng với ông trong rất nhiều cuộc hẹn với những người chồng tương lai được ông lựa chọn.
Tuy nhiên, ông Zeng thú nhận “Con gái tôi đã có hơn 20 cuộc hẹn, phần lớn là đàn ông Trung Quốc, ngoài ra còn gặp cả người Ý, Mỹ và Pháp nhưng gần đây con bé vẫn chưa tìm thấy ai phù hợp”.
Trường hợp của con gái ông Zeng chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp tương tự khi các bậc phụ huynh chưa thể tìm thấy ai phù hợp với con cái của họ.
Mặc dù có hàng trăm người tới đây tìm kiếm người bạn đời phù hợp cho con cái hoặc bản thân họ nhưng hi vọng tìm thấy một ai đó ưng ý là rất mong manh.
Một bà mẹ tâm sự “Tôi đã đến đây hàng tuần trong vòng hai năm, nhưng cơ hội thành công là rất thấp. Những người khác đã tới đây được bốn hoặc năm rồi nhưng họ chưa bao giờ tìm được ai phù hợp”.
Thực tế, chợ dắt mối hôn nhân này nhộn nhịp hơn cả một khu chợ trời nhưng tỉ lệ thành công của nó còn tệ hơn nhiều so với một khu chợ việc làm.
Ở Trung Quốc, áp lực kết hôn càng tăng dần khi người ta qua tuổi 20. Người ta thường cho rằng nên kết hôn trước độ tuổi 30. Đặc biệt đối với phụ nữ, họ thường phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình và xã hội trong chuyện kết hôn để tránh tình trạng bị người khác nghĩ một cách tiêu cực như “shengnu” hay “leftover woman”.
Đó là một thuật ngữ của sự xấu hổ mà không có sự bình đẳng với nam giới, và có thể thêm vào đó là sự tuyệt vọng vủa cha mẹ. Do đó, dù khả năng thành công không cao nhưng “ chợ hôn nhân” vẫn thu hút sự tham gia của hàng trăm người mỗi tuần.
Trong khi nhiều bậc cha mẹ tìm đến “chợ hôn nhân” với niềm hi vọng rất lớn thì một số người lại không thật sự nghĩ đây là giải pháp tốt nhất để tìm bạn đời. Trường hợp của ông Wang là một ví dụ.
Ông cũng tới đây hàng tuần với hi vọng mong manh tìm một người vợ xứng đáng với cháu trai của mình. Ông cũng đặt những tiêu chuẩn rõ ràng và xem xét tất cả các “quảng cáo” các cô gái ở chợ.
Tìm được người bạn đời ưng ý không phải chuyện dễ... |
Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng những sự tìm kiếm và quảng cáo thế này có thể giúp được cháu trai mình. Khi được phỏng vấn, ông trả lời: “Tôi tin điều này là không thể. Nó giống như một sự ảo tưởng để tìm thấy được người bạn đời ở đây vậy”.
Ngược lại, có nhiều người may mắn khi tìm thấy người bạn đời như mong muốn từ “chợ hôn nhân” này. Hai anh Ma và Cheng là những người làm nghề mai mối ở chợ này và đã kết đôi thành công cho hơn 50 cặp, và họ đều có những bức ảnh để chứng minh điều đó.
Những người mai mối sẵn sàng cung cấp danh sách thông tin của khoảng 300 chú rể tiềm năng cho các cô gái với giá 30 nhân dân tệ. Còn những anh chàng Trung Quốc cũng có thể nhận được danh sách thông tin của các cô dâu tiềm năng chỉ với giá khoảng 5 nhân dân tệ.
Giải thích cho sự chênh lệch giá này, anh Quian cho biết một trong những lí do khiến danh sách các chú rể có chi phí cao hơn vì có nhiều cô gái hơn muốn tìm chồng, mặc dù tỉ lệ giới tính ở thành phố Thượng Hải nghiêng nhiều hơn về nam giới.
“Chợ hôn nhân” này cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của người nước ngoài. Jeremy Dela Cruz, sinh viên đại học Ramapo ở New Jersey đã đến thăm chợ đặc biệt này cùng với những người bạn của mình.
Dela Cruz nhận xét “tôi đoán đó là môt cách tốt hơn của Match.com”, đồng thời xem “chợ hôn nhân” như cách để những người Trung Quốc thuộc thế hệ cũ giữ truyền thống trong cuộc sống hôn nhân của con cái họ khi nền văn hóa đang thay đổi.
Mặc dù “chợ hôn nhân” mang tính chất như một sự sắp đặt nhưng sinh viên nước ngoài này tin rằng đây là cách sẽ tốt cho cả cha mẹ và con cái.
Tìm được người bạn đời ưng ý không phải chuyện dễ, nhưng rõ ràng với những ông bố bà mẹ quá sốt sắng, “chợ hôn nhân” có thể là nơi làm họ yên lòng hơn, bởi họ không phải những người duy nhất đang phải lo lắng cho sự “ế ẩm” của con cái mình.
- Hà Minh Hằng
[links()]