Thương bệnh nhân, BV ’nhân bản’ phiếu xét nghiệm cho 2.000 người

10:50, Thứ tư 07/08/2013

( PHUNUTODAY ) - Dư luận lấy làm lạ, không hiểu vì sao nhân viên phòng thí nghiệm của Bệnh viện Hoài Ðức lại phát chung một bản kết quả cho từng cặp bệnh nhân gồm một già và một trẻ.

(Đời sống) - Vì muốn "ăn bớt" công đoạn xét nghiệm, đỡ tốn và hao mòn máy móc nên phòng xét nghiệm của bệnh viện đã copy phiếu xét nghiệm của một người và trả cho nhiều người.
[links()]
Theo báo Lao Ðộng, vào tháng 8/2012, bốn “cặp” bệnh nhân đã được nhân viên bệnh viện Hoài Ðức, Hà Nội phát cho cùng một kết quả xét nghiệm máu. Ðó là bà Lương Thị Máng, 64 tuổi, cư dân xã Song Phương, Hoài Ðức và bé Nguyễn Quảng, 6 tuổi, ngụ tại xã Lại Yên; bé Nguyễn Ngọc Diệu, 11 tháng tuổi, ngụ tại Tiền Yên và ông Nguyễn Trí Mạng, 66 tuổi, cư dân xã Song Phương; cụ Phạm Sáu, 82 tuổi, ngụ tại Cát Quế và bé Vương Anh, 4 tháng tuổi, cư dân Di Trạch; cụ Nguyễn Châu, 80 tuổi, ngụ tại Song Phương và bé Nguyễn Trang, 22 tháng tuổi, ngụ tại xã Ðức Thượng...

Dư luận lấy làm lạ, không hiểu vì sao nhân viên phòng thí nghiệm của Bệnh viện Hoài Ðức lại phát chung một bản kết quả cho từng cặp bệnh nhân gồm một già và một trẻ.

Cũng theo báo Lao Ðộng, kết quả xét nghiệm đã được copy để phát cho các bệnh nhân phổi, viêm ruột thừa, viêm hậu môn... Người ta còn tính ra, từ tháng 7/2012 đến 5/2013, trên 1.000 phiếu xét nghiệm đã được copy để phát cho ít nhất 2.000 người xài chung. Tính trung bình cứ một cặp bệnh nhân thì xài chung một kết quả xét nghiệm. Cũng có trường hợp, 4 bệnh nhân đã nhận được cùng một bản kết quả xét nghiệm máu trả ra đúng 9 giờ 3 phút sáng ngày 19/2/2013.

Bốn bệnh nhân này trước đó đã được chẩn đoán tình trạng nhập viện hoàn toàn khác nhau. Họ gồm: Bà Nguyễn Thị Nguyên, 70 tuổi, chẩn đoán bị bệnh lao phổi; ông Nguyễn Trung Nghĩa, 27 tuổi được chẩn đoán viêm hậu môn; bà Lý Thị Vân, 61 tuổi, được chẩn đoán viên phế quản và bé Lương Kiều Trang, 12 tuổi, được chẩn đoán viêm ruột thừa.

Ngay sau phản ánh của báo chí, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và UBND TP. Hà Nội vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra làm rõ về tình trạng một phiếu xét nghiệm huyết học ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được trả cho 2- 5 bệnh nhân.

Báo Tuổi trẻ đưa tin đến ngày 6/8, đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội do ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh và ông Nguyễn Văn Dung, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dẫn đầu đã về làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.

Thương bệnh nhân chờ lâu, BV nhân bản kết quả xét nghiệm để trả cho bệnh nhân
Thương bệnh nhân chờ lâu, BV nhân bản kết quả xét nghiệm để trả cho bệnh nhân


Theo ông Khoa, qua trao đổi ban đầu thì có đến 6/10 nhân viên của khoa xét nghiệm tham gia “đường dây” này. “Hiện cơ quan công an còn đang xác minh lý do, nhưng các nhân viên xét nghiệm ở đây chỉ nói do họ nể nang, giúp người nhà, người quen trong bệnh viện phiếu xét nghiệm để hoàn thiện hồ sơ” - ông Khoa cho biết.

Mặc dù xác nhận là có hành vi viết khống giấy xét nghiệm cho nhiều người tại khoa xét nghiệm và biết việc làm đó là sai quy trình, nhưng bà Vương Kim Thành - trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - cho rằng các cán bộ làm những việc này là vì tình cảm, nể nang.

Theo bà Thành, khoa thường viết khống kết quả khi có yêu cầu của cán bộ trong bệnh viện nhờ làm xét nghiệm cho bệnh nhân là người nhà của mình để nhanh chóng hoàn thành hồ sơ bệnh án nhập viện và ra viện.

Ông Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức cho biết: Liên quan đến những kết quả xét nghiệm giống hệt nhau này “PC46 Công an TP Hà Nội cũng vào xác minh, điều tra. Bệnh viện đã hợp tác với các cơ quan chức năng nói trên để làm rõ đúng, sai”.

“Hiện tại, chúng ta chưa thể nói những việc làm trên là sai được mà chỉ dám nói là chưa đúng thôi. Nhưng, tôi cũng cảm nhận được rằng, chúng tôi có nhiều điều phải chấn chỉnh lại”, ông Liêm cho biết thêm.

Qua vụ việc này, ông Khoa nhận định đây là hình thức giả mạo chứ không phải sai sót chuyên môn, là kết quả xét nghiệm giả hoàn toàn chứ không phải chỉ là sai lệch, không chính xác. “Đây là việc không thể chấp nhận được. Sai kết quả xét nghiệm đã ảnh hưởng đến kết quả điều trị, trong khi đây lại là chuyện sử dụng kết quả xét nghiệm của người này cho người khác, thậm chí sử dụng kết quả xét nghiệm của một người cho 3-4 người khác” - ông Khoa cho biết.

Còn ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội VN - nhận định mục đích duy nhất của việc viết khống kết quả xét nghiệm này là rút ruột bảo hiểm y tế.

Theo ông Sơn, từ một kết quả xét nghiệm, sau nhân bản kết quả bệnh viện sẽ thu được lượng tiền xét nghiệm gấp nhiều lần mà không phải tốn kém hóa chất, sinh phẩm, giảm thời gian chạy máy và cả chi phí nhân công.

Hiện, nhiều tài liệu liên quan đến vụ việc đã bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Hà Nội thu giữ để điều tra.

  • Thanh Trúc (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc