Đời sống)- "Chủ trương nâng mức răn đe xử phạt người đua xe trái phép để có hiệu lực là cần thiết, nhưng phải cần từng bước một chứ không thể lấy cái khó từ phía cơ quan quản lý xã hội mà không quan tâm đến cái khó của dân", Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết.
[links()]
Đai biểu Quốc hội Dương Trung Quốc |
Ngày 24/2, trao đổi với PV Phunutoday, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm liên quan đến chế tài xử phạt người đua xe trái phép và xử lý xe đua trong bối cảnh có ủng hộ đề xuất tiêu hủy xe đua của thứ trưởng Bộ Công an.
Ông cho biết: "Chủ trương nâng mức răn đe xử phạt người đua xe trái phép để có hiệu lực là cần thiết, nhưng phải cần từng bước một chứ không thể lấy cái khó từ phía cơ quan quản lý xã hội mà không quan tâm đến cái khó của dân.
Việc tịch thu, tiêu hủy cần phải làm cẩn thận vì phương tiện xe đua liên quan đến tài sản cá nhân và tài sản đó lại không nhỏ trong mặt bằng kinh tế hiện nay.
Vì vậy, cần có một lộ trình nâng dần lên, đồng thời kết hợp với việc giáo dục, tuyên truyền trong xã hội.
Việc tịch thu, xử phạt cho đến việc tiêu hủy đó là bước thành công rất lớn và nên có một quá trình như thế. Tuy nhiên, nếu làm ngay thì vô tình sẽ gây nên một cú sốc lớn trong xã hội.
Một thực tế cho thấy hiện nay việc quản lý, giáo dục con em của mình có rất nhiều vấn đề. Bố mẹ có thể chưa nhận thức ra hoặc có thể chưa có điều kiện quan tâm đúng mức tới con em mình dẫn đến giải pháp đó sẽ khiến họ bất ngờ.
Nếu chúng ta không làm tốt công tác tuyên truyền để dân có ý thức thì dễ tạo ra những xung đột trong xã hội, thậm chí có sự đổ vỡ nếu như chúng ta không cẩn thận.
Làm cho người dân có ý thức thì cần phải có thực tế, và làm cho thực tế tác động vào họ. Cần phải nâng mức phạt dần lên chứ không nên làm một cú sốc như vậy".
Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ cần phải tịch thu và tiêu hủy các phương tiện xe đua trái phép |
Ngày 23/2, trong cuộc trao đổi với báo chí, Trung tướng Phạm Quý Ngọ cho rằng với đua xe trái phép nếu chỉ giữ, xử phạt hành chính rồi trả lại thì "như bắt cóc bỏ đĩa, không giải quyết được vấn đề".
Theo Thứ trưởng, do số tài sản vi phạm không lớn, nếu bị tịch thu rồi đem bán đấu giá thì tính răn đe vẫn chưa cao. Bộ Công an có quan điểm bất kỳ phương tiện nào, dù là mượn của người khác khi tham gia đua trái phép thì phải bị tịch thu và tiêu hủy.
Trước đó, trong cuộc họp của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết Bộ không chỉ ủng hộ TP.HCM về mức xử phạt cao nhất cả nước, mà còn đề xuất tăng nặng hơn nữa nhằm răn đe, tiến tới đẩy lùi nạn đua xe trái phép. “Khi bắt được thì tịch thu và hủy luôn xe, phạt thật nặng “quái xế” chứ không tạm giữ hay phạt tiền đơn thuần”.
Ngay sau đó, cũng trong một buổi họp báo, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất tiêu hủy phương tiện đua xe trái phép vì “là một sự lãng phí tài sản của xã hội”. Theo ông, đua xe trái phép phải bị truy tố trước pháp luật, các phương tiện được sử dụng để đua xe phải tịch thu toàn bộ, bất kể chủ sở hữu là ai.
Do vậy, sau khi tịch thu xe đua nên nhanh chóng tổ chức bán đấu giá, lấy tiền đưa vào các quỹ đóng góp cho xã hội như: Quỹ vì người nghèo, Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam, hay hỗ trợ làng trẻ em S.O.S hoặc rất nhiều quỹ phúc lợi xã hội khác.
Theo dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, khá nhiều lỗi vi phạm bị phạt tiền tăng gấp 1,5 so với quy định cũ, cùng với việc bị tước giấy phép lái xe, giữ phương tiện. Người tổ chức đua xe hoặc đua xe máy, ôtô và chống người thi hành công vụ sẽ phải chịu mức phạt cao nhất tới 40 triệu đồng và bị tịch thu xe; người cổ vũ, kích động đua xe cũng phải chịu mức phạt tới 20 triệu đồng. |
- Minh Nhật