Tình thế khốn khổ của nam gia sư

06:07, Thứ sáu 31/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Xung quanh những buổi dạy học tưởng như nhàn tênh, vẫn còn đó bao niềm day dứt của các nam gia sư khi gặp phải vị phụ huynh “bá đạo” hay bị chính học trò của mình chót đem lòng thầm thương trộm nhớ.

Muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống chốn Thủ đô, nhiều nam sinh viên đã chọn cách đi làm gia sư. Đây là công việc khá nhàn nhã, có tính trí tuệ, thu nhập ổn định. Thế nhưng, gia sư chưa bao giờ là nghề đơn giản. Xung quanh những buổi dạy học tưởng như nhàn tênh, vẫn còn đó bao niềm day dứt của các nam gia sư khi gặp phải vị phụ huynh “bá đạo” hay bị chính học trò của mình chót đem lòng thầm thương trộm nhớ.

Khi gia sư là… hot boy

Trước khi đi làm gia sư, Huy Tuấn (ĐH Ngoại thương) đã được nhiều “tiền bối” truyền thụ kinh nghiệm về nghề gia sư: phải tìm hiểu kỹ về lực học, gia đình của học sinh, lên giáo trình giảng dạy bài bản để cả phụ huynh lẫn học sinh thấy mình chuyên nghiệp…

Nhờ có chút “vốn liếng” đó, Tuấn thấy bản thân đã có đủ tự tin để chuẩn bị cho buổi dạy đầu tiên.

Để tạo không khí cho cả thầy và trò trong buổi đầu tiên gặp gỡ, Tuấn hỏi han một số thông tin về học lực của học sinh đồng thời cũng giới thiệu luôn đôi nét về bản thân mình. Thầy và trò nói chuyện rất vui vẻ, cô học sinh lớp 10 này còn khá trẻ con, tính tình cởi mở nên buổi học đầu kết thúc trong cái thở phào nhẹ nhõm của Tuấn.

Thế nhưng, Tuấn đã nhầm, bởi đến buổi thứ hai, thay vì tập trung vào công việc học tập, bài vở, cô học sinh này cứ nhất quyết bắt “thầy” kể chuyện ở trường đại học, học ở đó có vui không, mọi người chơi những trò gì, thầy cô như thế nào, tại sao cứ nhất định phải vào đại học…

Biết rằng giải đáp hết hàng loạt thắc mắc này thì sẽ hết giờ mà chẳng học hành được chữ nào nên Tuấn khéo léo bảo cô trò nhỏ khi làm xong hết các bài tập thì sẽ trả lời giúp. Nghe thuận tai nên cô bé cũng chịu làm, nhưng đầu óc lại không tập trung, thỉnh thoảng lại nhắc đi nhắc lại một câu hỏi vu vơ nào đó.

Thầy đến đây không cần dậy gì hết, chỉ cần “chém gió” với em, hết giờ lại về. Đảm bảo là lực học của em vẫn vậy và thầy vẫn có tiền”.
Màn chào hỏi của cô học trò làm Dũng bất ngờ: "... Thầy đến đây không cần dạy gì hết, chỉ cần “chém gió” với em, hết giờ lại về. Đảm bảo là lực học của em vẫn vậy và thầy vẫn có tiền”.

Đem chuyện về kể với những “sư huynh” đã có kinh nghiệm gia sư mấy năm, Tuấn được các đàn anh rót vào tai chiêu thức nửa đùa nửa thật: “Chú em phải tỏ ra nghiêm khắc thì học trò mới sợ.

Thấy nó mà đùa bỡn nhí nhố là phải mặt lạnh như băng bảo rằng: "Anh không có dư thời gian mà bố mẹ em cũng không thừa tiền thuê anh về đây chỉ để ngồi “chém gió” với em thế này”.

Buổi sau đến dậy, áp dụng những gì đã được học hỏi, kết quả khả quan hơn khi cô bé học trò không còn cái điệu bộ hớn hở kia nữa mà tập trung vào bài tập hơn. Càng về sau, cô bé này càng tỏ ra nghe lời, kết quả học tập cũng khả quan hơn. Dấu hiệu tích cực trên khiến cả phụ huynh lẫn gia sư đều mừng.

Thế nhưng càng ngày, thái độ của cô bé học trò đối với chàng gia sư trẻ tuổi càng khác lạ. Đôi lúc trong ít phút giải lao ăn hoa quả, cô bé lại bất ngờ hỏi: “Ở trường ĐH có nhiều hotboy như thầy không?”

Đỏ bừng mặt vì ngại, Tuấn còn chưa biết trả lời sao thì đã thấy cô bé quay mặt đi rúc rích cười. Có buổi, cô học trò còn xin phép bố mẹ để bố mẹ nói giúp với gia sư cho thêm vài người bạn thân đến học cùng vì chẳng mấy khi thuê được…“thầy” giỏi.

“Nhóm bạn của cô bé thì toàn con gái, mới ít tuổi nhưng đã thấy chịu khó chải chuốt làm đẹp. Lúc mới gặp mình thì cứ thì thầm bàn tán rồi cùng nhau cười. Thừa biết là chúng đang “tám” về mình song mình vẫn phải tỏ ra không biết gì rồi làm mặt lạnh, cố gắng giảng giải những thắc mắc của tụi nhóc lắm chiêu”, Tuấn kể.

Những ngày không có buổi dạy, Tuấn thấy cô bé học trò còn thỉnh thoảng nhắn tin, gọi điện cho mình, lúc đầu thì là hỏi vài bài toán còn đang thắc mắc, về sau chuyển hẳn sang chuyện đời tư. Thông qua những tin nhắn đó, cô bé cũng không quên thổ lộ:

“Mấy đứa bạn em bảo thầy đẹp trai, hiền hiền ngô ngố trông kute”. Trong lúc học tập, cô học trò này cũng không còn tập trung như trước nữa mà thỉnh thoảng lại mơ màng nhìn ra bên ngoài hoặc cắn bút ngắm… thẩy.

Để tránh xa những rắc rối liên quan đến chuyện tình gia sư – học sinh mà lũ bạn từng kháo nhau, Tuấn đành xin phép thôi dạy để tìm mối khác. Ai dè sau buổi học đầu tiên với gia sư khác, cô bé đã mếu máo điện thoại cho Tuấn kể khổ rằng thầy mới khó tính, dạy chẳng hiểu gì đồng thời năn nỉ Tuấn về dạy lại.

Biết rằng trong trường hợp này không thể mềm lòng được nên Tuấn chỉ khuyên cô trò của mình nên cố gắng thích nghi và giải thích: “Bố mẹ “thầy” bảo phải cố gắng tập trung học hành nên không cho đi làm thêm nữa. “Thầy” cũng muốn tiếp tục dạy nhưng hết cách thật rồi”.

Phụ huynh “bá đạo” thích quát mắng gia sư

Trải qua 2 lần làm gia sư, đối diện với 2 mẫu học sinh hoàn toàn khác biệt đã khiến Dũng (Đại học Giao thông Vận tải) dù tự tin và bản lĩnh ngất trời vẫn phải cuống cuồng “chạy mất dép”.

Lần thứ nhất, do người thân giới thiệu, Dũng dạy một cô học trò lớp 9 khá lém lỉnh. Ngay buổi đầu tiên, theo đúng lịch học là 2h chiều nhưng cô bé đã cho gia sư “leo cây” những gần tiếng đồng hồ. Với màn chào hỏi đầu tiên quen thuộc, Dũng đã bị tạt ngay gáo nước lạnh bởi thái độ thẳng thắn của cô học trò “bé hạt tiêu”:

“Học lực của em thừa đỗ cấp 3 nhưng bố mẹ cứ lo nên thuê hết người này người kia đến dạy, em đi chạy sô học thêm đã mệt lắm rồi, giờ về nhà chỉ muốn nói chuyện cho khuây khỏa. Thầy đến đây không cần dậy gì hết, chỉ cần “chém gió” với em, hết giờ lại về. Đảm bảo là lực học của em vẫn vậy và thầy vẫn có tiền”.

Lúc đầu không tin lắm vào lời cô bé nên Dũng nhất định bắt học trò làm bài kiểm tra trình độ. Ai dè cô bé làm “ngon lành”. Thấy xuôi xuôi nên Dũng cũng đồng ý trở thành người để cô bé trút bầu tâm sự từ chuyện bạn bè đến học tập, gia đình…

Được mấy buổi, thấy cách này không ổn bởi mỗi lần có tiết kiểm tra trên lớp của học trò là Dũng lại mất ăn mất ngủ suy nghĩ vì sợ học trò điểm kém, lại là chỗ người quen giới thiệu nên sẽ rất khó ăn nói với phụ huynh.

Sau khi trằn trọc suy nghĩ, Dũng thấy tiền bạc đúng là quan trọng nhưng việc làm của mình thì chẳng đúng đạo lý lắm nên xin nghỉ dạy.

Lần thứ 2, để tránh gặp đối tượng hay “tám” chuyện nên Dũng nhận dạy một học trò nam. Thế nhưng đúng là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, cậu học trò mới không chỉ ghét “chém gió” mà còn đặc biệt lỳ lợm và kiệm lời.

Sức học kém, chậm hiểu lại rất lười nên Dũng phải lăn lộn tìm mọi phương pháp để giảng dạy phù hợp. Song chỉ một bên cố gắng thì sẽ chẳng đưa mọi chuyện đi đến đâu. Những bài tập riêng mà Dũng phải vò đầu suy nghĩ cậu trò nhỏ chẳng chịu động đả gì đến.

Lần thứ nhất cho qua, lần thứ 2, thứ 3 vẫn tiếp diễn, Dũng có nói thì cậu ta cũng chẳng phản kháng gì, mặt cứ đăm đăm nhìn vào cuốn sách nên Dũng ức chế kể lại chuyện trên cho phụ huynh.

Buổi sau, Dũng hớn hở khi thấy bài tập về nhà được học sinh hoàn thành. Nhưng khi xem xét lại cách giải và kết quả thì chẳng có bài nào đúng. Đặt quyển sách xuống bàn, Dũng bảo: “Anh đâu có dạy em cách giải thế này. Tất cả các bài em đều làm sai”.

Cậu học trò lầm lỳ mỗi ngày bỗng cục tính, đứng hẳn lên cãi ầm ầm. Khi Dũng hỏi những phương pháp giải toán này lấy ở đâu ra thì học trò nói là mấy buổi trước anh từng nói như vậy. Cả hai cãi qua cãi lại cũng chẳng đâu vào đâu.

Đã điên đầu về giáo trình giảng dạy, lại phải suy nghĩ thêm về việc “trị” học trò trong khi kỹ năng sư phạm không hề có, Dũng nghỉ hẳn công việc “gõ đầu trẻ”, cố gắng tìm những công việc khác phù hợp hơn với ngành học của mình.

Còn với Tùng (Học viện Ngân hàng) lần đầu tiên đi dạy khi còn là sinh viên năm nhất nên lượng sức mình, Tùng chỉ nhận dạy một học sinh lớp 3. Tưởng rằng đó là lựa chọn an toàn nhưng mọi chuyện cũng chẳng như Tùng từng nghĩ.

Thằng bé Tùng chịu trách nhiệm kèm cặp rất ham chơi, khó tập trung nên mỗi lời giảng của Tùng đa phần đều như nước đổ lá khoai. Một lần, biết rằng hôm sau có tiết kiểm tra nên tối hôm trước, Tùng đã cho học sinh ôn hết lại các dạng toán.

Thế nhưng khi trả kết quả, Tùng bất ngờ khi những dạng toán tùng lựa chọn đều có trong đề thi nhưng cậu học trò chỉ được có 5 điểm vì làm sai gần hết. Liền lúc đó, bố cậu học trò đi tới lấy bài kiểm tra xem và buông thõng một câu: “Tối nay thầy ở lại ăn cháo lươn với cháu”.

Còn chưa hiểu câu nói trên ám chỉ điều gì thì bố cậu bé đã rút ngay cây roi giấu đằng sau định lôi ra quật thằng bé. Đến lúc này Tùng mới hiểu cái “cháo lươn” kia là gì.

Xấu hổ vì công cuộc dạy dỗ thằng bé ham chơi chẳng đi đến đâu, cũng không quen kiểu nói ý tứ, cạnh khóe của gia đình nọ nên Tùng tức tốc xin nghỉ ngay sau đó.

Về sau, Tùng cũng nhận thêm một số mối dạy khác và việc đối mặt những phụ huynh “bá đạo” không hề hiếm. Có người làm việc trong các tập đoàn nước ngoài, trình độ tiếng Anh của họ rất “đỉnh” nhưng không có nhiều thời gian để dạy con cái.

Vì thế họ tìm đến gia sư. Để có thể trở thành gia sư chính thức, sinh viên phải trải qua vòng sát hạch kiến thức của họ, nếu vượt qua thì mới bắt đầu di dạy. Những gia đình này rất có điều kiện kinh tế, đầu vào khó khăn nên mức lương của gia sư cũng được trả cao hơn các mối khác.

Lại cũng có trường hợp, đám học sinh đồn với nhau danh sách gia sư dạy giỏi nên một vài cô cậu hứng chí đòi bố mẹ mời bằng được gia sư “xịn” về dạy. Trái với mong muốn của con cái, họ điện thoại trực tiếp cho gia sư và nói như tát nước vào mặt: “Mày tuổi gì mà đòi dạy con tao? Mày biết con tao là ai không?”…

Gặp phải những phụ huynh “bá đạo” cỡ này thì gia sư cũng chỉ còn có cách “nuốt nước mắt vào trong” ngậm ngùi dập máy.

  • Phương Linh

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc