Tình yêu không như huyền thoại

10:13, Thứ bảy 11/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Có thể chúng tôi không đủ can đảm để lựa chọn một cách sống như thế, nhưng chúng tôi ngưỡng mộ, tôn thờ và tự hào bởi những điều tốt đẹp mà họ đem đến cho cuộc đời này.

Người nổi tiếng)- Chơi với nhau đã gần 20 năm, từ khi bắt đầu vào đại học, ra trường trở thành đồng nghiệp, liên lạc với nhau gần như mỗi ngày để nói đủ thứ chuyện trên đời, vậy mà tôi vô tâm không hề biết về câu chuyện tình đẫm nước mắt của ông bà bạn.
[links()]

Vợ chồng th
Vợ chồng ông bà Đặng Trần Đức- Phạm Thị Thanh những năm cuối đời.

Phải đến ngày 9.8 vừa đây, khi tình cờ ngồi xem bộ phim tài liệu “Con đường bí ẩn” chiếu trên kênh VTV1 về Anh hùng LLVT- Thiếu tướng tình báo Ba Quốc (tên thật là Đặng Trần Đức), nguyên mẫu để nhà văn Nguyễn Trần Thiết viết cuốn tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ”, tôi mới hăm hở “buôn” với bạn, và bạn khẽ khàng bảo tôi “Ông ngoại mình đấy”.

Vợ chồng th
Bà Phạm Thị Thanh- người vợ đầu của Thiếu tướng Đặng Trần Đức.

Tôi lặng đi giây lát, vừa trách mình vô tâm vừa trách bạn sao quá kín tiếng. Giờ thì ông bà của bạn tôi đã thành người thiên cổ cả rồi, nhưng nỗi xót xa mà bà bạn- người đồng ý cho chồng cưới vợ khác để dễ bề hoạt động cách mạng, tình nguyện mang hai con thơ rời bỏ Hà Nội lên một nông trường ở Phú Thọ, chịu đựng bao điều tiếng “có chồng theo giặc vào Nam” mang theo suốt cả cuộc đời- thì vẫn còn mãi, như vừa mới hôm qua. Có lẽ vì thế mà bạn đã không muốn đem nó ra kể với tôi.

Thế hệ chúng tôi lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh, những hy sinh mất mát của bao nhiêu gia đình dường như chỉ ở đâu đó trong tiểu thuyết, nhạc, phim, thơ và sử sách, chúng được khoác lên mình chiếc áo huyền thoại, nên có khi rất gần mà lại rất xa.

Câu chuyện của bà ngoại bạn tôi cũng như vậy, nó rõ ràng có thực trong đời, mà tôi cứ ngỡ như được hư cấu từ một trang văn nào đó.

Bà ngoại của bạn tôi, một phụ nữ Hà Nội xinh đẹp, nền nã, lớn lên lấy chồng, sinh được hai mặt con rồi từ năm 32 tuổi, mãi mãi phải chịu cảnh chia ly, ngay cả khi nước nhà thống nhất. Năm 1975, khi giải phóng miền Nam, ông mới trở ra Bắc, ông hỏi bà: “Hơn hai mươi năm qua, em và các con đã sống ra sao?”, bà đã không thể thốt nên lời, bởi hơn 7.000 ngày cay đắng đã qua, liệu có thể dùng vài lời mà kể hết được. Rồi bà lặng người đi khi được biết, ông và người vợ cưới vì công tác trong Nam đã có tới 4 mặt con. 

Hòa bình rồi, nhưng ông vẫn tiếp tục lao vào cuộc chiến ở biên giới phía Tây Nam, đương nhiên ông gần gũi hơn với gia đình thứ hai trong Nam. Bà ở lại Hà Nội, một tai nạn bất ngờ khi có bão, bức tường nhà đổ xuống đè lên, bà bị liệt một nửa người dưới, vĩnh viễn mất đi khả năng làm vợ. Xa chồng, bà chỉ biết gửi lòng vào những câu thơ viết để tự hỏi lòng mình: “Đời có ai như em không nhỉ? Hòa bình rồi vẫn cứ xa nhau/ Từ đầu xanh đến nay đầu bạc/ Đợi chờ nào có được gần nhau”.

Thiếu tướng
Thiếu tướng Đặng Trần Đức

Tính ra suốt một đời làm vợ một vị tướng tình báo- một trong bốn con át chủ bài của mạng lưới tình báo chiến lược A36 (gồm Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và Thiếu tướng Đặng Trần Đức), thời gian bà ngoại bạn tôi được ở bên chồng chỉ tròn 5 năm. Lòng bao dung của một người đàn bà có lẽ chỉ trông vào bà thì biết, đồng ý cho chồng đi lấy vợ, tháo đôi bông tai để chồng chuyển cho vợ kế, riêng mình và hai con thơ chịu bao nhiêu khổ sở, đắng cay, hòa bình rồi, vẫn phải sống cảnh chia ly.

Bạn tôi bảo, bà mất năm 2000, ông khi ấy vẫn còn đang làm việc, cấp dưới của ông bảo mấy chục năm chưa thấy ông nghỉ một ngày nào kể cả ngày lễ, tết, chủ nhật, vậy mà ông đã dành cho bà suốt cả một tuần, bay từ Nam ra, ngồi bên giường bệnh, cầm tay bà và thì thầm nói chuyện, rất khẽ, chẳng ai nghe nổi. Bạn bảo mình thương bà đến đứt ruột vì lúc ấy bà đã mê man rồi, có còn nghe được ông nói gì nữa đâu.

Bạn bảo ông là một người cộng sản chân chính, suốt một đời chỉ cống hiến và cống hiến, không một chút tư lợi, không nghĩ đến bản thân, gia đình, con cái. Mẹ của bạn tôi là con gái lớn nhất của ông, hơn 40 tuổi đã phải nghỉ mất sức để ra đường lao động nuôi con. Lâu lắm mới được gặp lại, bố hỏi: “Giờ con làm gì”, con trả lời: “Con nghỉ mất sức đi bán xôi kiếm tiền nuôi các cháu”. Ông bảo mẹ bạn: “Bán xôi tốt chứ, đó là nghề lương thiện mà con”, chỉ thế và thế thôi. Và mẹ bạn lại cần mẫn với thúng xôi, gánh bún riêu ở chợ Thành Công nuôi 3 con trưởng thành.

Bạn tôi bảo từ khi còn là một cô bé con, bạn đã thường xuyên quanh quẩn chơi bên bà vì bà bị liệt, không thể đi đâu hết. Lúc nào bạn cũng nói với bà: “Bà ơi, cháu sẽ không bao giờ giống bà đâu, bà hiền lành mà sao lại khổ sở suốt một đời như thế”. Những lúc ấy bà chỉ cười thôi. Cho đến hôm nay, bạn vẫn nói với tôi, nếu mình là bà, mình sẽ không bao giờ chịu đựng nổi những nỗi đau ấy, không bao giờ chọn một cuộc sống hy sinh đến tận cùng như thế.

Tôi hỏi, những người con của ông ở hai miền Nam Bắc có bao giờ khúc mắc với nhau điều gì không? Bạn cười hiền lành, mẹ và các cậu, các dì mình chẳng bao giờ có chuyện, vì ông mất đi chẳng để lại một cái gì có giá, cũng chẳng hề nâng đỡ một ai trong số 6 người con, vậy thì có gì đâu để mà ganh tỵ?

Ông ra đi năm 2004, sau bà 4 năm. Bạn bảo giờ có lẽ ở thế giới khác, bà đã được thỏa nguyện ước vọng được sống cùng ông, dưới một mái nhà và mãi mãi không có sự chia ly nào hết. Giống như khi còn sống, bà từng ước ao với các con: “Mẹ chỉ mong có một ngôi nhà nho nhỏ để sống với bố con, bố thì sửa xe, còn mẹ mở quán bán nước chè”.

Với chúng tôi, thế hệ sinh ra trong thời bình, tình yêu của họ dành cho nhau và dành cho Tổ quốc thực sự là một huyền thoại mà lại không hề là huyền thoại. Bởi vì họ đã từng có mặt trong cuộc đời này chứ không phải bước ra từ một trang sách nào hết.

Có thể chúng tôi không đủ can đảm để lựa chọn một cách sống như thế, nhưng chúng tôi ngưỡng mộ, tôn thờ và tự hào bởi những điều tốt đẹp mà họ đem đến cho cuộc đời này. Và như người ta đã nói, những điều tốt đẹp thì sẽ còn mãi, cho dù thế gian có biến thiên thay đổi ra sao, nó cũng chẳng bao giờ mất đi đâu cả.

  • Mi An
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc