Tình yêu sáng rõ của nhà báo khiếm thị

06:37, Thứ sáu 10/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Cuộc đời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Số phận vì thế đã mỉm cười với chàng trai giàu nghị lực Hoàng Văn Lý khi mang đến cho anh một nửa yêu thương. Lý nói rằng, đó là duyên định mệnh, cột chặt vào nhau rồi, có muốn chạy cũng không được.

(Phunutoday) - Hơn một tháng trước đây, những người thân trong danh bạ điện thoại của anh Hoàng Văn Lý đều mừng rỡ khi nhận được tin nhắn từ anh: “Vợ em đã sinh hạ cô công chúa thứ hai, mẹ tròn con vuông, cả nhà mừng cho em nhé!”.

Niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng khiếm thị Hoàng Văn Lý và Phạm Ngọc Dung càng nhân lên khi biết đứa con thứ hai sinh ra cũng may mắn được nhìn thấy ánh sáng. Với họ đó là niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời. Còn với những ai đã chứng kiến câu chuyện tình yêu lãng mạn ấy đều phải trầm trồ rằng nó đẹp như một câu chuyện cổ tích.
[links()]
Những mảnh ghép cuộc đời

Chàng trai khiếm thị Hoàng Văn Lý vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê Phúc Thọ, Hà Nội. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, Hoàng Văn Lý đã không nhìn thấy ánh sáng, mắt Lý chỉ có một chấm trắng đục mờ trong mắt, giống như cha rồi em của Lý sau này. Gia đình Lý có 4 người thì ba người đàn ông đều bất hạnh như thế. Vậy nên, bao nỗi nhọc nhằn đều dồn lên đôi vai gầy yếu của mẹ Lý và bà nội đã già yếu.

Tâm sự với tôi, anh kể rằng, ngày nhỏ, anh không ý thức nhiều lắm về bệnh tật của mình, vẫn lê la chơi cùng bọn trẻ con trong xóm vì hồi ấy, cậu bé Lý nghĩ đơn giản ai cũng giống như mình. Phải đến tuổi đi học mẫu giáo thì ý thức về bệnh tật, về sự khác biệt của mình với chúng bạn mới thực sự hình thành rõ nét trong đầu Lý.

 

Vợ chồng Hoàng Văn Lý và Phạm Ngọc Dung bên 2 con
Vợ chồng Hoàng Văn Lý và Phạm Ngọc Dung bên 2 con

Lên 5 tuổi, Lý triền miên cùng mẹ trong những chuyến đi từ nhà ra bệnh viện ở Hà Nội để chữa bệnh. Những năm tháng đi chạy chữa, gia đình Lý bao lần rơi vào cảnh lao đao. Bố Lý không thể đi lại, chỉ ở nhà làm lụng việc vặt trong gia đình, mẹ đưa Lý ra Hà Nội phải tằn tiện từng đồng thuê nhà trọ, ăn uống, bà nội ở nhà già yếu vẫn phải lam lũ đồng ruộng góp nhặt từng đồng cho cháu đi chạy chữa.

Hồi ấy, Lý nhỏ con, suy dinh dưỡng, sức khỏe không đảm bảo để phẫu thuật. Có lần, các bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật nhưng Lý lên cơn sốt hoặc yếu quá bệnh viện lại trả về đợi lần sau. Những chuyến đi về ấy kéo dài hơn 1 năm thì mọi người hiểu rằng bệnh của Lý là vô phương cứu chữa.

Ngày ấy, Lý cũng khát khao được đi học như chúng bạn nhưng khi đến lớp rồi, Lý mới nhận ra mọi thứ sao mà lạ lẫm và khó khăn đến thế. Anh kể lại rằng, hồi đó, mãi mà anh không thể viết được chữ, lên bảng cầm viên phấn cũng chỉ nguệch ngoạc vài nét, dù cô giáo có cầm tay thì Lý cũng không thể viết được những chữ cái đơn giản. Biết mình khó có thể hòa đồng cùng chúng bạn như người bình thường nhưng lòng ham học thì vẫn cháy bỏng trong lòng Lý. Lên 8 tuổi, nghe nói ở Hà Nội có lớp học và nơi sinh hoạt dành cho người khiếm thị, Lý đã xin bố mẹ để được tới nơi này học tập.

Những ngày đầu ra học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, cuộc sống tự lập khiến cho cậu bé bỡ ngỡ. Tất cả mọi công việc sinh hoạt cá nhân không còn có mẹ trợ giúp mà Lý phải tự lo một mình. Nhiều lúc, Lý tưởng mình không thể vượt qua được nỗi nhớ nhà lúc nào cũng day dứt. Bà nội ốm và đột ngột qua đời là cú sốc tâm lí quá lớn đối với cậu bé 8 tuổi. Lý rơi vào trạng thái lầm lì, ít nói và có lúc đã bi quan với cuộc sống. Phải mất một thời gian rất lâu, Lý mới có thể hòa đồng với cuộc sống mới trong ngôi trường này và cũng chính từ đây, Lý bộc lộ là cậu bé có nhiều năng khiếu.

Nếu như Hoàng Văn Lý bị khiếm thị bẩm sinh thì chị Phạm Thị Dung - sau này là vợ anh lại có một số phận khác trớ trêu hơn. Lúc sinh ra, Dung vẫn là cô bé khỏe mạnh và đáng yêu. Nhưng đến năm 10 tuổi, sau một lần bị ốm nặng và dị ứng thuốc, Dung đã mãi mãi mất đi ánh sáng trong đôi mắt của mình. Dung thành kẻ tàn tật, không thể cắp sách tới trường cùng các bạn. Với cô bé Dung ngày ấy, đó cũng là cú sốc quá lớn khiến cô bé hoang mang. Dung hiểu rằng mãi mãi, cô không thể nhìn thấy bầu trời cao xanh kia, và với sự nhạy cảm của một người con gái cô chỉ biết khóc.

Hai cuộc đời, hai số phận tưởng chừng như sẽ chìm sâu trong bóng tối bất hạnh nhưng định mệnh run rủi đã cho họ gặp nhau, đồng cảm và mang yêu thương xoa dịu bớt những nỗi đau trong cuộc sống.
 

Bén duyên với nghiệp viết

Ngay từ hồi đi học, Lý đã bộc lộ là cậu bé có khiếu văn chương. Từ lớp 3, lớp 4, Lý đã bắt đầu làm những bài thơ nhỏ mà theo anh đó là khi cảm xúc đến và cứ thế viết ra thành lời. Mỗi câu chuyện, bài thơ được đăng trên báo Nhi Đồng, Tiền Phong như tiếp thêm niềm đam mê cho Lý. Lý say mê viết. Ngày ấy, ngoài những lúc cộng tác cho chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam thì những trang nội san, báo tường của trường là đất để Hoàng Văn Lý thể hiện tâm hồn của mình.

Và cũng chính nhờ những bài thơ “con cóc” ấy mà bạn bè, thầy cô trong trường biết đến Lý nhiều hơn. Lý cũng mạnh dạn hơn trong giao tiếp và cậu hiểu rằng, phải phấn đấu học để nuôi ước mơ trở thành nhà văn, làm một người có ích trong xã hội.

Ngoài có khiếu viết lách, làm thơ, Lý còn là cậu bé có năng khiếu trong âm nhạc. Lý đã có tới 8 năm theo học nhạc, có thể chơi đàn guitar và đàn bầu. Lý còn có khả năng sáng tác nhạc. Anh không thể nhìn nhưng anh có thể nghe, có thể tưởng tượng hơi thở, nhịp điệu của cuộc sống. Những ca khúc anh viết chan chứa cảm xúc, tâm trạng nhưng luôn ánh lên cái nhìn tươi sáng, lạc quan về cuộc đời. Vì thế, mà những bài hát của anh được nhiều người đồng cảnh yêu thích.

Anh còn thành lập một ban nhạc. Suốt những năm cấp 3 rồi cả thời sinh viên cứ có dịp là Lý lại cùng bạn bè đi lưu diễn trong Nam ngoài Bắc. “Nghiệp cầm ca” vừa là sở thích nhưng cũng là “cần câu cơm” giúp Lý có thể tự nuôi sống bản thân.

Ai cũng tưởng rồi Lý sẽ theo “nghiệp cầm ca” mà dang dở ước mơ văn chương. Thế nên khi Lý thi đỗ vào khoa Báo chí, trường Đại học KHXH & NV Hà Nội nhiều người khá bất ngờ. Ít ai biết được rằng, ngày ấy để có một chỗ ngồi như bao sinh viên khác trên giảng đường, Lý đã phải vất vả gõ cửa không biết bao trường Đại học mới được chấp nhận cho người khuyết tật dự thi.

Vậy là suốt 4 năm, Lý rong ruổi xe buýt tới trường. Sự học cũng lắm nỗi gian nan, vừa nghe vừa ghi bằng chữ nổi không kịp, Lý phải ghi âm lời thầy để mang về nhà nghiền ngẫm. Tốt nghiệp đại học, Lý đã có thêm nhiều kiến thức để phục vụ công tác cho Hội Người mù Hà Nội  mà hiện tại Lý đang làm Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra, Lý còn là một phóng viên, cộng tác viên cho một số tờ báo. Những bài viết của anh đã mang hơi thở cuộc sống đến với những người cùng cảnh ngộ, giúp họ vươn lên có ích cho đời.

Nhiều người thắc mắc, khiếm thị thì làm báo thế nào? Vậy mà Hoàng Văn Lý vẫn có con đường riêng để theo đuổi đam mê của mình. Lý không thể quan sát, không thể chụp ảnh, không thể đi lại thuận tiện, nhanh chóng như những phóng viên bình thường nhưng anh có một trái tim biết lắng nghe cuộc sống. Sau những giờ làm việc ở Hội, Lý lại lang thang khắp phố phường, lắng nghe và cảm nhận những câu chuyện của cuộc sống và nó đi vào trang viết của anh dung dị, mộc mạc.

Bây giờ thì Hoàng Văn Lý đã là cộng tác viên “ruột” của chương trình “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV giao thông - Đài Tiếng Nói Việt Nam. Hầu như tuần nào anh cũng có tin, bài được phát sóng. Lý tự gõ bài trên máy, tự biên tập từng câu chữ và tự cắt file âm thanh phỏng vấn thành một sản phẩm hoàn chỉnh để khi phát sóng, biên tập viên không phải dụng công nhiều. Lý đã chứng tỏ rằng chỉ cần có đam mê và quyết tâm thì không có gì là không làm được.
 

Bài thơ nên duyên vợ chồng

Cuộc đời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Số phận vì thế đã mỉm cười với chàng trai giàu nghị lực Hoàng Văn Lý khi mang đến cho anh một nửa yêu thương. Lý nói rằng, đó là duyên định mệnh, cột chặt vào nhau rồi, có muốn chạy cũng không được.

Cho đến bây giờ, Dung vẫn không sao quên được buổi giao lưu văn nghệ với Hội người mù quận Hoàn Kiếm năm ấy. Hôm đó, chị bị ấn tượng mạnh với bài thơ của một chàng trai có chất giọng đầm ấm, truyền cảm. Bài thơ là nỗi niềm của những người đồng cảnh ngộ, khiến chị bị trôi theo dòng cảm xúc trong từng câu chữ.

Nhưng đang chăm chú lắng nghe, thì chợt thấy chàng trai ấp úng trên sân khấu rằng trót quên lời bài thơ của chính mình sáng tác. Vừa bất ngờ, vừa tò mò về đoạn cuối của bài thơ chị đã tìm đến tận chủ nhân ngỏ ý xin chép tặng lời bài thơ. Và chẳng ai ngờ rằng, sau bài thơ ấy lại là mở đầu cho một tình yêu đơm hoa kết trái.

Con tim được đánh thức, những buổi hẹn hò từ đó đã nảy nở rộn rã. Lý kiếm vé để đưa Dung đi xem kịch ở Nhà hát Tuổi Trẻ, xem hòa nhạc ở Nhà hát Lớn, ở Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam hoặc chí ít là lòng vòng trong những phố cổ Hà Nội. Ban đầu, Dung còn tự ti, ngại ra ngoài tiếp xúc với mọi người vị mặc cảm số phận.

Nhưng những bức thư, những bài thơ chan chứa yêu thương mà Lý viết tặng đã khiến trái tim Dung hé mở. Dung thấy yêu đời hơn và muốn gắn bó với chàng trai nghị lực này. Còn Lý, từ ngày có Dung, cuộc đời Lý như nở hoa. Lý thăng hoa trong cảm xúc, viết nhiều hơn, sáng tác nhiều hơn với những lời lẽ có cánh đầy ngọt ngào. Họ yêu nhau say đắm và lãng mạn chẳng khác những cặp tình nhân bình thường.

Quen và yêu nhau được một năm, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân. Lúc này, Lý mới đang là sinh viên năm thứ 2 của trường KHXHNV nên cả hai bên gia đình cùng băn khoăn. Rồi đây, cả hai vợ chồng cùng khiếm thị thì biết làm gì để nuôi nhau, và có lẽ nỗi lo lắng lớn hơn đó là, đứa con sinh ra cũng giống cha mẹ nó. Chị Dung tâm sự rằng, đó là nỗi lo lớn nhất, lo đến thắt lòng từ lúc lấy nhau cho đến tận khi mang bầu, sinh con. Nhưng “lo thì lo thật đấy, sợ thì sợ thật đấy, nhưng yêu thì vẫn cứ yêu”.

Hai vợ chồng được bà ngoại san sẻ một căn phòng nhỏ khoảng 10 mét vuông trên tầng hai để cùng sinh sống. Lý cũng lao vào làm việc nhiều hơn, viết báo nhiều hơn, đi diễn nhiều hơn để có tiền trang trải cho gia đình bé nhỏ của mình.

Ngày chị Dung sinh hạ cô công chúa đầu lòng, 2 vợ chồng đã không giấu nổi giọt nước mắt hạnh phúc khi biết con không mắc căn bệnh di truyền của bố. Tuy không thể nhìn thấy con, nhưng bằng trái tim của người cha, người mẹ hai vợ chồng tin cô công chúa của mình rất xinh đẹp. Đó là sinh linh bé bỏng minh chứng cho mối tình tuyệt diệu của họ.

Đến nay, cô con gái lớn Thùy Dương đã được hơn 4 tuổi, và gia đình bé nhỏ ấy lại vừa chào đón thành viên thứ tư. Căn phòng nhỏ của vợ chồng Lý - Dung lại rộn rã tiếng cười, tiếng khóc oe oe của trẻ nhỏ. Nếu như ai đó than thở rằng chăm con mọn vất vả, khổ sở thì nhìn vợ chồng khiếm thị này sẽ thấy được chăm con, được âu yếm, vuốt ve con là cả niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời.

Dẫu biết để nuôi con khôn lớn nên người còn là cả chặng đường vất vả, cực nhọc. Hai vợ chồng sẽ phải bươn chải nhiều hơn, song họ vẫn lạc quan và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho con. Bởi đơn giản, họ hiểu rằng tình yêu được ươm mầm sẽ nảy nở trên đất xanh.
 

  • Ngọc Hương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc