"Thực ra theo quy định của pháp luật thì hành vi gây tai nạn bỏ trốn không cứu người bị nạn là hành vi bị xử phạt rất cao đồng thời với tòa án lương tâm và dư luận xã hội nếu không cứu giúp người bị nạn thì người đó sẽ cảm thấy cắn rứt lương tâm suốt đời" - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp nói
[links()]
PV - Là một người công tác nhiều năm ở cơ quan UB ATGT Quốc gia, ông có nhận xét thế nào về hiện tượng, trong một số vụ tai nạn xảy ra gần đây, tài xế gây tai nạn thay vì cứu giúp nạn nhân thì lại bỏ chạy khỏi hiện trường mặc cho nạn nhân cầu cứu ?
PCT Thường trực Nguyễn Hoàng Hiệp : - Đó là hành vi đáng lên án và không thể chấp nhận được. Theo quy định của pháp luật thì hành vi gây tai nạn bỏ trốn không cứu người bị nạn là hành vi bị xử phạt rất cao. Đồng thời, tòa án lương tâm và dư luận xã hội sẽ khiến tài xế nếu không cứu giúp người bị nạn sẽ cảm thấy cắn rứt suốt đời.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp |
Gần đây nhất là 2 vụ tai nạn xảy ra trong TPHCM mà báo chí nhắc tới nhiều. Đó là trường hợp nữ sinh mắc kẹt dưới gầm xe tải, tay chới với giơ lên mà lái xe chỉ cần lùi 1 tý là có thể giải cứu. Nhưng tài xế lại bỏ trốn lúc đó không ai có thể điều khiển được cái xe đó. Theo tôi đó là hành vi đáng lên án và đáng hổ thẹn.
Trong trường hợp này, theo tôi, cơ quan điều tra cần xem xét, đồng thời xem xét các vụ tai nạn có tình tiết tương tự. Cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật để răn đe các tài xế xe khác không lập lại hành vi này.
PV - Trong luật giao thông đường bộ có quy định là trong trường hợp tài xế gây tai nạn mà người nhà thân nhân, hoặc người xung quanh phản ứng có thể làm nguy hiểm tới tính mạng thì được quyền đi khỏi hiện trường và tới trình báo tại cơ quan công an gần nhất sau đó. Dường như đó là lý do để các tài xế luôn chọn cách mau chóng rời khỏi hiện trường, quan điểm của ông như thế nào?
PCT Thường trực Nguyễn Hoàng Hiệp : - Thực ra khi các quy định được đưa ra nó phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Các nhà làm luật đặc biệt các cơ quan đề xuất những quy định kiểu ấy đã tính đến những yếu tố bảo toàn tính mạng trước những phản ứng xã hội. Khi xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng mà nhiều người thiệt mạng, lái xe rất khó an toàn nếu người dân bức xúc và hành động, thậm chí trong cả khi họ không quen biết với nạn nhân.
Mặc các nạn nhân đang quơ tay kêu cứu dưới gầm xe tài xế vấn cố gắng bỏ chạy |
PV - Còn những trường hợp không gây nguy hiểm tới tính mạng tài xế mà tài xế vẫn đi khỏi hiện trường thì sao, thưa ông?
PCT Thường trực Nguyễn Hoàng Hiệp - Trong một số trường hợp có thể cho phép họ làm chuyện đó. Nhưng đó chỉ là trường hợp đặc biệt thôi. Về nguyên tắc trong quy định của Luật giao thông đường bộ người mà gây tai nạn không cấp cứu cho người bị nạn là đã vi phạm pháp luật và xử phạt rồi còn nếu rời khỏi hiện trường là không thể chấp nhận được. Vì vậy đối với những quy định được đưa ra cần phải được xem xét thấu đáo và đồng bộ.
Theo tôi cần phải quy định rõ những trường hợp nào mới có thể rời khỏi hiện trường. Trong trường hợp người bị nạn còn đang sống mà không cứu giúp là không chấp nhận được. Những cơ quan điều tra cần đưa ra vụ điển hình xét xử linh động để răn đe các đối tượng khác.
Xin chân thành cảm ơn ông!
>>>Người Việt đứng nhìn,tài xế mặc nạn nhân rên rỉ dưới xe |
- Huy Hoàng