Tôi trả tiền để miễn dịch với quảng cáo phản cảm

06:31, Thứ năm 22/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Trình độ nhận thức của các nhà tài trợ đằng sau nhãn hàng đến đâu, họ sẽ hài lòng với hình thức quảng cáo trên truyền hình tương đương vậy

(Đời sống) - "Từ lâu, gia đình tôi đã lắp đặt hệ thống đầu thu phát có trả tiền để được tự do chọn lựa và được tiêm thuốc miễn dịch với các thông tin mang tính chất ô nhiễm cảm xúc, ô nhiễm tinh thần của các loại hình quảng cáo Việt Nam. Bạn thử so sánh với cách thức quảng cáo của các kênh truyền hình nước ngoài sẽ thấy...." - nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư nói.

Trả tiền để miễn dịch với ô nhiễm cảm xúc từ quảng cáo

PV:- Trong vài năm gần đây, trên các diễn đàn, cũng như trên báo chí, rất nhiều phụ huynh than phiền về quảng cáo phản cảm gây ảnh hưởng tới trẻ nhỏ. Cũng là một bà mẹ, chị có chia sẻ với những lo lắng trên không?

Phan Huyền Thư:- Khi các cháu ở tuổi mẫu giáo, mầm non, có nhiều thời gian sinh hoạt chung với bố mẹ, ông bà, đặc biệt khi ăn cơm chiều hoặc xem tivi buổi tối, các con tôi hay nhắc lại những câu thoại quảng cáo và các mẫu câu quảng cáo một cách vô thức. Có lúc các cháu căn vặn người lớn điều đó có nghĩa là  gì, có lúc lại nhắc lại như một "con vẹt" khiến cả nhà vừa buồn cười lại vừa lo lắng.

Bây giờ, đã tới tuổi cuối cấp tiểu học và trung học, các cháu gần như không xem các kênh truyền hình của Việt Nam nữa. Nhưng thỉnh thoảng xem tivi cùng với cả nhà trong giờ cơm tối, các cháu nhăn nhó, khó chịu vì quảng cáo, đặc biệt là các loại quảng cáo thuốc điều trị bệnh phụ khoa... Cũng có khi gặp các quảng cáo quá ngô nghê, thô thiển quá, gia đình tôi phải chuyển kênh khác.

Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư
Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư

PV:- Xem quảng cáo thấy, khung giờ đẹp nhất là sự lên ngôi của quảng cáo thuốc, tăng cường sinh lý. Chẳng lẽ, người Việt giờ ốm yếu và lo lắng tới chuyện.... sex nhiều đến vậy?

Phan Huyền Thư:- Tôi lại muốn phản biện một chút, thanh minh cho Đài truyền hình. Họ phải tự lo nguồn tài chính mà vẫn phải phục vụ miễn phí khán giả suốt 24/24 giờ.

Nên cách tốt nhất là chúng ta "phớt lờ" các quảng cáo đi để tập trung vào ăn cơm, hoặc tắt hẳn đường tiếng đi để đợi đến giờ Chương trình Thời sự. Nếu các bạn đang xem dở một bộ phim hay, chúng ta sẽ buộc phải chấp nhận quảng cáo đầu, giữa và cuối phim...

Nói vậy chứ từ lâu, gia đình tôi đã lắp đặt hệ thống đầu thu phát có trả tiền để được tự do chọn lựa và được miễn dịch với các thông tin mang tính chất ô nhiễm cảm xúc, ô nhiễm tinh thần của các loại hình quảng cáo Việt Nam.

Bạn thử so sánh với cách thức quảng cáo của các kênh truyền hình nước ngoài sẽ thấy....

Nhà tài trợ hài lòng với quảng cáo "thô thiển"

PV:- Ở góc độ một người am hiểu về kịch bản truyền hình, chị có thể lý giải vì sao chúng ta có nhiều quảng cáo gây "ô nhiễm cảm xúc" đến như vậy?

Phan Huyền Thư:- Trước đây tôi cũng đã từng theo học một khoá viết kịch bản phim của các chuyên gia nổi tiếng. Trong số họ đã từng có người được giải Oscar cho kịch bản phim....Họ cũng dậy chúng tôi cách viêt kịch bản quảng cáo. Phải nói là rất khó, rất thách thức người sáng tạo những vô cùng hấp dẫn. Thậm chí, có cả những tiểu xảo để lồng ghép các thông tin quảng cáo một cách tinh tế vào trong nội dung và lời thoại của phim....

Nhưng vấn đề là các nhà quản lý và các nhà hoạt động truyền thông Việt Nam có quan tâm đến điều đó hay không? Và trình độ nhận thức và phông văn hoá của các nhà tài trợ đứng đằng sau các nhãn hàng đến đâu, họ sẽ chấp nhận, hài lòng với hình thức quảng cáo trên truyền hình tương đương như vậy, miễn là sản phẩm của họ được công chúng nhớ.

PV:-  Phông văn hóa mà chị nói có liên quan thế nào tới phông văn hóa chung của chúng ta thời điểm hiện tại? Chị thấy đấy, khán giả cứ kêu nhưng không hành động quyết liệt với những gì phản cảm, nhà đài chẳng mặn mà với chất lượng quảng cáo sẽ chiếu trên chương trình của họ...

Phan Huyền Thư:-  Phải trách cả hai bên, thậm chí là cả ba bên: Doanh nghiệp, nhà đài và chính khán giả nữa. Nếu khán giả tẩy chay quảng cáo thì rating của chương trình đó sẽ giảm đi. Như vậy, họ sẽ phải nghiêm túc hơn, khe khắt hơn trong việc xây dựng hình ảnh cho bản thân doanh nghiệp của mình, bản thân sản phẩm của mình...

Trên thực tế đã có rất nhiều nhãn hàng bị tẩy chay ngầm mà họ không biết. Sự phản tác dụng của việc quảng cáo thô thiển, phản cảm khiến cho cả doanh nghiệp lẫn Đài truyền hình sụt giảm khách hàng rồi đấy chứ.

PV:-  Trong tình hình chung hiện nay, liệu có nên có một bộ lọc trước khi đưa quảng cáo lên sóng truyền hình, ví dụ, quảng cáo thuốc sinh lý chỉ phát sóng sau 10h đêm, hay, quảng cáo thô kệch thì không được.. quảng cáo trên kênh truyền hình quốc gia?

Phan Huyền Thư:-  Câu chuyện này lại có màu sắc giống với bài toán giao thông ở Việt Nam hiện nay. Phương án đổi giờ làm, giờ học không phải là mấu chốt. Quan trọng là chất lượng cơ sở hạ tầng của giao thông và ý thức tham gia giao thông của mọi người chưa đảm bảo... Tôi nghĩ, nếu tất cảc các quảng cáo, bất kể loại sản phẩm gì mà chọn cho nó một hình thức biểu đạt, hấp dẫn, tinh tế và văn minh thi phát vào giờ nào chẳng được...

Nếu chúng ta thay cụm từ: "Tăng cường, cải thiện khả năng sinh lý" nghe có vẻ rất mỹ miều, rất "y học" bằng cụm từ: " Thuốc kích dục" thì chắc người xem quảng cáo cũng chẳng hiểu sai thông tin về loại thuốc đó là bao...

 "Lảm nhảm", như "thùng nước gạo"!

PV:- Chị đã từng tham gia viết kịch bản quảng cáo chưa? Chị nghĩ như thế này về nghề này?

Phan Huyền Thư:-   Bản thân tôi cũng đã từng tham gia đấu thầu ý tưởng quảng cáo sản phẩm và thực hiện cùng các anh em chuyên gia trong lĩnh vực này như quảng cáo cho Vietnam Airlines, Vinamilk, Logiterm...vv... Tôi nghĩ là bắt đầu bằng sự nghiêm túc sẽ được nhận những kết quả có chất lượng.

Kết quả cuối cùng của việc quảng cáo sản phẩm là kích thích người mua, tăng mức doanh thu, bán hàng... Tuy nhiên, nếu sản phẩm của anh dở mà anh lại quảng cáo là nó tốt thì chính là anh đang dùng truyền thông để tiến hành một vụ lừa đảo khách hàng rồi còn gì.

PV:- Tại các nước phát triển, nghề làm ý tưởng cho quảng cáo là một nghề thu nhập rất cao và có sự sàng lọc rất khắt khe. Ở Việt Nam thì sao thưa chị?

Phan Huyền Thư:-  Việt Nam là một đất nước "đang phát triển". Vì vậy mọi thứ đều "đang" trên đường mày mò, học hỏi...Nhưng theo tôi, học hỏi thì tốt và đua đòi, học không đến nơi đến chốn lại rất tai hại.

Hiện nay nghề sáng tác ý tưởng quảng cáo cũng là nghề có thu nhập rất cao ở Việt Nam, tuy nhiên những khoản thuc nhập này không phải là khá thường xuyên cho các nhà hoạt động, kinh doanh ý tưởng. cho các nhãn hàng...

Hoạt động quảng cáo chuyên nghiệp với mức chi phí thích hợp tỉ lệ thuận với các spot quảng cáo hấp dẫn đang có trên truyền hình. Số còn lại thì toàn lảrm nhảm và "thùng nước gạo" là chính...

  • Hoàng Anh

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc