(Đời sống) - Để cổ vũ tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng sẽ đặt tên đường bằng tên những đảo, núi, sông thuộc Việt Nam.
Trên báo NLĐ, ông Hà Phước Thắng, Phó chủ tịch UBND quận 3, cho biết UBND quận đã chọn tên đảo Song Tử Tây để đặt tên cho đường Rạch Bùng Binh, đảo Nam Yết (hai đảo nổi có quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để đặt tên cho đường Trần Văn Đang hiện hữu.
“Bản thân tôi nghĩ người dân cũng sẽ đồng tình vì đây là việc làm rất ý nghĩa, thể hiện tình cảm thiêng liêng với biển đảo Tổ quốc” - ông Thắng nói.
Trước đó, khi thảo luận tờ trình của UBND TP HCM về tiêu chí để chọn tên, đưa vào Quỹ tên đường tại thành phố, Chủ tịch UBND quận 6 Trần Hữu Trí cũng đề nghị chọn tên núi, tên sông, tên đảo thuộc chủ quyền Việt Nam để đặt tên đường.
“Đây là việc làm hết sức cần thiết để góp phần giáo dục tình yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương” - ông Trí nói.
UBND TPHCM có tờ trình gửi đến kỳ họp HĐND TP lần thứ 10 về tiêu chí để chọn tên, đưa vào quỹ tên đường tại thành phố. Các tiêu chí truyền thống tên của các sự kiện lịch sử - văn hóa, địa danh nổi tiếng, danh lam thắng cảnh, danh nhân và nhân vật lịch sử tiêu biểu, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước, gắn bó với sự phát triển của thành phố và khu vực Nam bộ. Nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi, như: tên húy, tên hiệu, tước hiệu, bút hiệu thì chỉ dùng một tên phổ biến nhất, được đông đảo nhân dân biết đến để đặt tên đường và công trình công cộng (trừ một số trường hợp đặc biệt sẽ do HĐND TP xem xét quyết định); nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đưa vào quỹ tên đường và công trình công cộng; chỉ sử dụng tên của những người đã mất và chỉ sử dụng tên trong quỹ tên đường đã được HĐND TP thông qua…
Đường Trường Sa của TP Đà Nẵng |
Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường cũng đề nghị bổ sung tiêu chí là chọn tên các loài hoa, các loại đặc sản tiêu biểu của Nam bộ để đưa vào quỹ tên đường và đặt tên đường.
Trước đó, ngày 9/7, HĐND TP Đà Nẵng đã xem tờ trình của UBND TP Đà Nẵng về Đề án đặt, đổi tên đường đợt 1 năm 2013. Trong đó có con đường Đỗ Bá dài 340 mét, rộng 10,5 mét, vỉa hè mỗi bên rộng 5 mét, điểm đầu là đường Trường Sa và điểm cuối là đường Lê Quang Đạo (thuộc quận Ngũ Hành Sơn).
Cụ Đỗ Bá (tên gọi khác là Đỗ Bá Công, hay Đỗ Bá Công Đạo), quê xã Bích Triều, huyện Thanh Mai, nay là xã Bích Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An là người đầu tiên vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa vào chủ quyền của nước ta.
Tại TP Đà Nẵng, tên Trường Sa và Hoàng Sa được đặt cho tuyến đường ven biển đẹp nhất TP nối từ bán đảo Sơn Trà vào đến giáp giới tỉnh Quảng Nam như một sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
- PV (Tổng hợp)