Trại viên lầm đường bay bổng cùng nghệ thuật

05:58, Chủ nhật 18/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Căn bệnh tắc tĩnh mạch khiến Hiếu vật vã với những cơn đau tưởng như muốn chết. Song dù chân tay cụt dần từng đốt, nhưng khát khao sống đã giúp anh ta cho ra đời những bức tranh tươi trẻ, sống động.

Căn bệnh tắc tĩnh mạch khiến Hiếu vật vã với những cơn đau tưởng như muốn chết. Song dù chân tay cụt dần từng đốt, nhưng khát khao sống đã giúp anh ta cho ra đời những bức tranh tươi trẻ, sống động.
[links()]
Vẽ tranh để quên bệnh tật

Người thanh niên có năng khiếu hội họa, không may mang trong mình căn bệnh tắc tĩnh mạch, thuốc không chữa được ấy là Hoàng Đức Hiếu, sinh năm 1980, trú tại phường Hạ Long, TP. Nam Định (tỉnh Nam Định).

Tranh của Hiếu được gửi tới dự thi cuộc thi vẽ tranh do Tổng cục VIII Bộ Công an tổ chức, phát động các phạm nhân đang cải tạo, lao động ở các trại giam, trại tạm giam và cơ sở giáo dục tham gia.

Bức tranh của Hiếu mộc mạc, tả về khung cảnh yên bình của một nơi mà không ai mong muốn được sống dù chỉ một ngày, đó là trại giam. Mặc dù bức tranh không đoạt giải cao trong cuộc thi nhưng điều khiến chúng tôi cảm động là tác giả của nó là một người tay chân không lành lặn, đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật để giành giật cuộc sống.

Nhưng vượt lên trên tất cả những đớn đau của bệnh tật, của cơn nghiện ma túy là một tâm hồn vẫn còn cảm nhận, sự rung động với không gian bao la bên ngoài.

Biết Hiếu đang là trại viên cơ sở giáo dục Thanh Hà, chúng tôi vội tìm đến, nhưng thật đen đủi, khi chúng tôi có mặt ở nơi này thì anh ta vừa được tạm đình chỉ về nhà điều trị căn bệnh viêm tắc tĩnh mạch đã tiến triển vào giai đoạn trầm trọng.

Tranh của trại viên Hoàng Đức Hiếu
Tranh của trại viên Hoàng Đức Hiếu

Nhắc đến trại viên Hoàng Đức Hiếu, anh Đông, Phó Giám đốc Cơ sở giáo dục Thanh Hà cho biết đấy là một thanh niên khéo tay, có khiếu thẩm mỹ, song lại mắc chứng bệnh hiểm nghèo. Bệnh tật đã khiến anh ta đi từ sai lầm này tới sai lầm khác để rồi đánh mất mình.

Điều đáng nói là dù đã trở thành con người thế nào đi nữa nhưng Hiếu vẫn giữ được niềm đam mê hội họa mà theo anh nghĩ là “không phải ai, khi thể xác đang bị đau đớn, giày vò vẫn còn thả hồn bay bổng cùng cây cọ”.

“Phần lớn thời gian Hoàng Đức Hiếu vào cơ sở giáo dục chủ yếu nằm bệnh xá, số ngày đi lao động hầu như không có, nhưng khi biết có cuộc thi vẽ tranh, anh ta tham gia rất nhiệt tình”, anh Đông cho biết. Ngày mới vào Hiếu xanh xao, tiều tụy do một thời gian dài làm bạn với ma túy.

Căn bệnh tắc tĩnh mạch khiến anh ta suốt ngày nhăn nhó, đau đớn về thể xác. Hiếu thường xuyên mất ngủ, đôi mắt lúc nào cũng trũng sâu, thâm quầng. “Gặp anh ta lúc nào là thấy gật gà lúc ấy, trông tội lắm nhưng bệnh viện còn bó tay, chúng tôi chỉ có bệnh xá với vài thứ thuốc đơn giản thì có thương cũng chẳng biết làm cách nào”, anh Đông trầm ngâm.

Hiếu mắc bệnh tắc tĩnh mạch đã lâu, dùng thuốc không khỏi nên phải chấp nhận chung thân với bệnh. Do những cơn đau đớn thường xuyên hành hạ tới nỗi cụt từng đốt tay, đốt chân, Hiếu đã dùng ma túy, coi nó như một loại thần dược, không chữa khỏi bệnh nhưng cũng để những cơn đau khỏi hành hạ. Hiếu vào cơ sở giáo dục do nhiều lần trộm cắp vặt mà nguyên nhân chính là để có tiền mua ma túy.

Mặc dù hầu như ngày nào cũng có mặt ở bệnh xá, song hễ bớt đau, Hiếu lại chống gậy tập tễnh ra ngoài. Khung cảnh yên bình với những đàn cò chiều chiều chao liệng xuống thửa ruộng có dòng mương dẫn nước, xa xa là rặng núi bao bọc đã làm kẻ tàn tật vì bệnh như Hiếu xao xuyến.

Những bức vẽ phong cảnh bằng bút chì liên tục được Hiếu phác thảo trên khổ giấy A4 cho tới một ngày trở nên rõ ràng ý tưởng, dù các đường nét còn chưa sắc sảo. Phải tới khi được anh Đông mua cho hộp màu nước với lời động viên hãy làm hết mình vì niềm đam mê thì Hiếu đã thể hiện trọn vẹn ý tưởng của mình, khiến ai nhìn vào bức tranh cũng thấy thật sống động.

“Chỉ là một bức tranh về cuộc sống thôi nhưng nếu do một con người hoàn toàn khỏe mạnh vẽ nên, tôi thấy đó là chuyện bình thường, nhưng nếu được tận mắt chứng kiến cảnh hàng ngày Hiếu đi lại khó nhọc, mặt nhăn nhó vì đau nhưng vẫn quyết tâm vẽ, mới thấy xúc động.

Điều quan trọng không phải vì để đoạt giải cao trong cuộc thi mà Hiếu đang cố gắng làm một điều gì đó chứng tỏ anh ta chưa phải là người bỏ đi hoàn toàn”, anh Đông kể rồi dẫn chúng tôi tới hai bức tranh do Hiếu vẽ được anh đưa vào khung kính, treo ở một vị trí trang trọng trong phòng làm việc.

Anh bảo những khi mệt mỏi, những lúc đầu óc căng thẳng, bất chợt nhìn lên bức tranh của Hiếu, thấy như được tiếp thêm nghị lực, yêu đời và cũng thấy có trách nhiệm hơn.

Kể về Hiếu, anh Đông bảo đó là một thanh niên sống nội tâm, có hoa tay, song thật đáng tiếc là lại mắc bệnh hiểm nghèo. “Có rất nhiều người vì bệnh, vì vết thương đã tìm đến ma túy để quên đau đớn, thậm chí nhiều người từng vào sinh ra tử, sống chết không là gì khi đối mặt với hòn tên mũi đạn, nhưng khi trở về cuộc sống đời thường, lại đầu hàng trước thương tật để rồi trở thành kẻ sống lệ thuộc vào ma túy.

Hiếu cũng chỉ là một nạn nhân khi chọn con đường sai lầm này, tiếc rằng anh ta còn trẻ quá”, anh Đông nuối tiếc.

Dùng ma túy để quên bệnh tật

Hiếu sinh ra trong một gia đình công chức nghèo ở TP. Nam Định. Nhà có hai anh em, Hiếu là con út, không may lại mắc bệnh tắc tĩnh mạch. Ngày còn nhỏ, thấy con mỗi lần đi chơi thể thao về, kêu đau nhức chân tay, bố mẹ cậu chỉ nghĩ con mình chạy nhảy quá sức nên mỏi, không nghĩ rằng căn bệnh tắc tĩnh mạch đã ủ bệnh từ ngày đó.

Càng lớn, những cơn đau, nhức mỏi tay chân lại xuất hiện nhiều hơn. Nhất là những khi Hiếu đi đá bóng về, đôi chân sưng vù, đỏ tấy, phải lấy đá chườm mới dịu.

Những đường gân hồng hồng để lại sau đó với Hiếu đã quá quen thuộc, đến nỗi chẳng mấy khi cậu để ý xem những sợi chỉ hồng ấy đã ngày một dầy thêm và có nhiều sợi đã chuyển màu đỏ tía. Hiếu vẫn cứ vô tư như tuổi mới lớn của mình, cho dù thi thoảng những cơn nhức mỏi có làm cậu khó chịu.

Từ nhỏ đã mê vẽ, ngoài giờ học trên lớp Hiếu được cha mẹ cho học thêm môn hội họa, nên sau khi tốt nghiệp PTTH, Hiếu nộp hồ sơ thi vào trường Mỹ thuật và trúng tuyển.

Mơ ước sau này trở thành một họa sỹ, được đi đây đi đó, chiêm ngưỡng và thể hiện lại phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của mọi miền đất nước, Hiếu rất chăm chỉ học. Cậu rất chăm đến lớp, tham gia đầy đủ những buổi dã ngoại, những tiết học ngoài trời cho dù thi thoảng vẫn phải nghỉ học nằm nhà vì đôi chân giở chứng sưng đau.

Thấy con hay kêu đau, mất ngủ, tay chân nổi những vệt tím dài, bố mẹ Hiếu vội vàng đưa con đi khám bệnh và được thông báo con trai mắc chứng viêm tắc tĩnh mạch. Kể từ đó, khi Hiếu đã là sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Mỹ thuật, cậu phải sống chung thân với thuốc và bệnh tật.

Tuy nhiên do phát hiện muộn, bệnh tắc tĩnh mạch đã lan tràn khắp nơi trên cơ thể nên dù được uống đủ các loại thuốc, gõ cửa nhiều bệnh viện, thì tình trạng bệnh tật của Hiếu không sáng sủa thêm chút nào.

Nhìn con trai suốt ngày nhăn nhó, bố mẹ cậu đã chạy ngược chạy xuôi tìm thuốc, hết Tây y rồi Đông y, nhưng căn bệnh quái ác vẫn không thuyên giảm.

Mất ngủ, đau đớn khắp cơ thể đã bào mòn sức lực của Hiếu, khiến đôi mắt cậu lúc nào cũng trũng sâu, thâm quầng. Chẳng biết nghe người ta xui khôn dại thế nào mà cuối cùng Hiếu đã tìm đến thuốc phiện như chiếc phao cứu sinh giữa lúc sắp chết đuối.

Theo lời anh Đông kể, đã vài lần thấy Hiếu vật vã vì lên cơn nghiện, anh hỏi thì Hiếu bảo được cha mẹ bật đèn xanh bảo dùng ma túy để giảm đau, song có lúc Hiếu lại nói tự mình tìm đến ma túy trước tiên, chứ không phải do bố mẹ mách nước.

Cũng có lúc Hiếu cười buồn bảo nghe bạn bè xui dùng ma túy để giảm đau, còn đang lưỡng lự thì bố mẹ cũng đồng ý thế. Chẳng biết thực sự ai là người dẫn dắt Hiếu tới ma túy, chỉ biết rằng, vì nguyên nhân bệnh tật mà người thanh niên đang ngời ngời tương lai ấy đã tự đánh mất mình, đưa cuộc đời vào một ngõ cụt.

Lần đầu hút thuốc phiện, Hiếu thấy đỡ đau thật, đi đứng nhẹ nhàng hơn, đầu óc cũng tỉnh táo để học hành. Tuần 2 lần lén mua thuốc phiện về sử dụng, theo thời gian tần số sử dụng ngày càng nhiều hơn, tỷ lệ thuận với số lần cơn đau hành hạ.

Thuốc phiện khó mua, Hiếu sử dụng ma túy, mua heroin hít cho nhanh, cũng thấy đỡ đau hơn nhưng thời gian giảm đau không còn dài như trước. Mỗi tép ma túy giúp Hiếu giảm đau được vài giờ rồi cậu lại vật vã vì những cơn vật ma túy.

Tiền bố mẹ chu cấp dù đã nhiều hơn trước vài lần, song cũng không thể đủ với một kẻ vừa mang trọng bệnh vừa nghiện nặng như Hiếu.

Không có tiền, anh ta đi ăn trộm, lúc đầu là trộm quanh của bạn bè, của hàng xóm, rồi đến lúc vật vờ chỗ đông người để trộm cắp và đó chính là lý do khiến một sinh viên Mỹ thuật như Hiếu phải gác lại ước mơ họa sỹ để vào Cơ sở giáo dục Thanh Hà cải tạo.

“Ngày mới vào, nhìn chân tay anh ta sợ lắm, cứ tím tái thành từng vệt dọc cơ thể. Nhiều ngón tay, ngón chân đã có đốt cụt do mạch máu ở đó chết, bị hoại tử phải cắt bỏ”, Đại úy Nguyễn Nam Trung, bác sỹ, Bệnh xá trưởng Cơ sở giáo dục Thanh Hà, cho biết.

Từ ngày đi cơ sở giáo dục, Hiếu không còn cơ hội bầu bạn với ma túy nên bệnh tật càng trầm trọng. Thuốc cha mẹ gửi vào không còn tác dụng điều trị, chỉ giúp Hiếu cầm cự với bệnh tật ngày nào hay ngày đó.

Vừa đau đớn vì bệnh trọng, vừa phải cai nghiện ma túy trong khi điều kiện ăn uống không được đầy đủ như ở nhà, những đốt tay, đốt chân của Hiếu rụng nhiều hơn. Trước tình trạng bệnh tật của Hiếu, Ban lãnh đạo cơ sở giáo dục đã làm công văn lên cấp trên, xin tạm đình chỉ cải tạo đối với Hiếu để anh ta về nhà chữa bệnh, nhưng Hiếu vẫn cố gắng tham gia cuộc thi vẽ tranh.

Dấu ấn anh ta để lại nơi này không phải là giải thưởng của cuộc thi, càng không phải là những bức tranh treo trong phòng cán bộ, mà chính là nghị lực, sự khát khao sống của một con người bệnh tật, cho dù đã có lúc chọn phương pháp sai lầm.

  • Minh Châu
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc