Trần Hiếu dạy con "Hà Trần không là gì cả"

( PHUNUTODAY ) - Tuy đã tốt nghiệp chính quy Đại học Thanh nhạc, một điều mà không phải ca sĩ trẻ nào cũng có được nhưng lời khuyên mà ông luôn dạy con vẫn là: “Hà không là gì cả”.

(Phunutoday) - Sinh ra trong cái nôi âm nhạc, bố là NSND Trần Hiếu, mẹ là nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Huyền (nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội), chú là nhạc sĩ nổi tiếng Trần Tiến, Trần Thu Hà đến với âm nhạc trước hết để thừa lãnh di sản gia đình, để nối nghiệp bố mẹ khi anh trai cô quyết định đi theo một con đường khác.


 Âm nhạc là một trách nhiệm, là sĩ diện của gia đình. Khiên cưỡng đến với âm nhạc, thế nhưng Hà Trần lại làm được điều mà bao thế hệ ca sĩ mơ ước - trở thành một trong 4 diva của làng nhạc nhẹ Việt Nam đương đại. Sự thành công của Hà Trần trở thành tấm gương cho sự nỗ lực rèn luyện và cũng là minh chứng cho câu nói truyền đời "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".

Cha không truyền, con vẫn nối nghiệp

Khác với những đứa trẻ "con nhà nòi", sinh ra trong gia đình có bố là ca sĩ -  NSND Trần Hiếu, mẹ là giáo viên thanh nhạc - Vũ Huyền Thư, chú là nhạc sĩ nổi tiếng - Trần Tiến nhưng hồi còn nhỏ Hà Trần không hề bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Hà có chất giọng mỏng, thiếu cá tính và dễ phô nên bố mẹ không muốn cô theo nghiệp ca hát mà hướng cho cô trở thành giáo viên thanh nhạc. Năm 6 tuổi Hà được cho học múa ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Năm 8 tuổi cô bắt đầu học piano. Những tưởng cầm ca sẽ chẳng bao giờ trở thành cái nghiệp với những người không được trời phú cho chất giọng.

Nhưng Hà Trần đã đi ngược lại quan niệm đó. Năm 10, Hà bất ngờ thi vào hệ Sơ cấp thanh nhạc của Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp thanh nhạc, cô lại tiếp tục theo học và tốt nghiệp hệ Đại học khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội vào năm 2000. Trải qua nhiều năm tập luyện và rèn rũa, giọng hát của Hà đã có nhiều tiến bộ.

Hà từng chia sẻ cô đến với âm nhạc trước hết để thừa lãnh di sản gia đình, để nối nghiệp bố mẹ khi anh trai cô đi theo nghiệp hội họa. Âm nhạc là một trách nhiệm, là sĩ diện của gia đình nhưng dường như đó còn là duyên phận. Cũng giống như bố cô, ngày trước NSND Trần Hiếu cũng bị gia đình cấm đoán nên đã vào đại học Thủ Thiêm ở Hà Nội. Nhưng rồi ông cũng bỏ để đi học thanh nhạc.

Ca sĩ Trần Thu Hà
Ca sĩ Trần Thu Hà

Ông kể: "Cả nhà tôi mắng tôi, tôi phải giấu một năm. Buổi sáng, nhà tôi trên đường Nam Bộ (Hà Nội), đi tay phải là trường Đại học Bách Khoa, đi về phía trái là Nhạc viện Hà Nội, mẹ tôi và mấy đứa em theo dõi, thế là tôi phải đi sang tay phải, vòng qua mấy phố mới đến Trường Nhạc. Đến cuối năm, tôi có tên trong danh sách những học sinh đi biểu diễn báo cáo ở vườn hoa Chí Linh cho mọi người xem, thế là bị... lộ.

Năm thứ nhất, mẹ còn cho suất ăn sáng là gói xôi. Đến khi biết tôi học hát, mẹ cúp luôn, không được gì cả. Đi học nhịn đói. Đến khi học nhạc kịch với chuyên gia Liên Xô, mệt kinh khủng. Có hôm một nắm cơm không đủ, đang hát tôi ngất xỉu. Chuyên gia phải cho tiền đi ăn bát phở. Ăn xong lấy sức về hát nhạc kịch. Nói chung, vì là cái nghiệp, nên mình cũng đeo mang nó đến giờ như niềm vui".

Trong cuộc sống thường ngày, Hà và cha mình không thực sự gần gũi với nhau bởi ngay từ khi còn nhỏ, bố trong mắt Hà là người luôn vắng nhà, đam mê công việc hơn gia đình. Nhưng trong sự nghiệp âm nhạc, Hà lại chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bố. Chính NSND Trần Hiếu là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy quan trọng nhất trong việc hình thành cá tính âm nhạc cho cô. Luôn dõi theo con trên từng bước đi của sự nghiệp, NSND Trần Hiếu đã nhiều lần phải uốn nắn con khi cần.

Ông tâm sự: "Có một thời gian Hà thích Mỹ Linh và bắt chước giọng hát của Mỹ Linh, tôi phải nói đủ điều, giải thích. Tôi nói, đây là Thu Hà, con của bố, chứ Mỹ Linh không phải là con của bố. Thế rồi có Trần Thu Hà… có Nhật thực".Tuy đã tốt nghiệp chính quy Đại học Thanh nhạc, một điều mà không phải ca sĩ trẻ nào cũng có được nhưng lời khuyên mà ông luôn dạy con vẫn là: “Hà không là gì cả”.NSND Trần Hiếu muốn con mình phải hiểu rõ một điều làm người nghệ sĩ phải dám phủ định thành công đã đạt được để vươn tới những thành tựu mới.

Không chỉ học được từ cha kỹ thuật thanh nhạc và tinh thần hát, Hà còn học được cách ứng xử với sự nổi tiếng của chính bản thân mình, nhận thức toàn diện về hai chữ nổi tiếng. Cô đã từng chứng kiến bố và chú ruột xuất hiện bình dị mỗi khi đi ra đường, ăn uống ở những quán bình thường nhất và cười đùa thân thiện với những người bình dân nhất. Điều đó khiến họ mãi là những nghệ sĩ được công chúng yêu mến về cả tài và đức. Sau này khi trở thành diva, Hà đã hiểu và đồng cảm hơn với bố.

 "Có lẽ hạt mầm quý giá nhất bố Hiếu gieo trong tôi là khát vọng được là một nghệ sĩ như thế được yêu thương, được tôn trọng bởi những cống hiến bền bỉ cho âm nhạc hơn là sự hào nhoáng bề ngoài của một ngôi sao. Tôi không bao giờ tranh đấu, giành giật vì âm nhạc như người ta phải làm trong bất cứ một nghề nghiệp nào để thành công và tồn tại. Thái độ của tôi với âm nhạc là một cuộc chơi thuần túy, vui thì chơi và chơi thì hết mình, không ngoại giao. Bởi thế với nghề hát, tôi là một kẻ chân trong chân ngoài, vừa thấu hiểu tất cả những yếu tố liên quan đến công việc, vừa đứng ngoài tất cả các hệ lụy, sân si của ngành công nghiệp giải trí.", Hà trần tình.


Thích đi đường vắng

Thị trường âm nhạc rộng lớn với biết bao cái tên nhưng Hà Trần luôn là một điểm nhấn đặc biệt, khác người và không bao giờ bị lẫn lộn giữa những ngôi sao khác. Sở dĩ cô thành công bởi dám chọn "con đường vắng", đó là đi theo dòng nhạc cổ điển có hơi hướng nhạc nhẹ "ma quái" rất kén người nghe. Hà bảo âm nhạc chọn cô nên cô buộc phải chịu "số khổ".

Hà bộ bạch: "Làm nhạc phục vụ thị hiếu công chúng và dễ nghe một chút, nói không ngoa, tôi làm cả chục album một năm cũng được. Làm thì được tiếng được miếng đấy nhưng khổ tâm lắm. Tôi chấp nhận thua thiệt để ít ra còn nghe lại được cái mình làm ra và còn cảm hứng đứng trên sân khấu. Tôi có thể làm bất cứ việc gì để sống nhưng với nghề nghiệp thì ít xuất hiện, đó là thái độ trân trọng của tôi. Có người chỉ cần một micro, vài khán giả là đủ say sưa hát, hát như karaoke vẫn thích. Tôi thì không thể như thế. Tôi quan niệm sân khấu là tổng hòa của phối hợp tập thể và cộng hưởng khán giả. Chỗ nào tổ chức đàng hoàng, hát cho xứng đáng thì tôi hát."

Sống trong thời đại con người bị chi phối bởi số lượng, thích nhiều và rẻ, ít người để tâm đến chất lượng, đến sự tinh túy. Cuộc chơi âm nhạc cũng đã vận hành khác đi, nhiều trò vè hơn, ít hồn nhiên hơn. Nhưng Hà không bị chi phối bởi những hệ lụy của làng giải trí, Hà vẫn là Hà, khi làm nhạc, cô không nghĩ đến người khác mà làm cho mình.

 "Tôi không tin những người đứng trên sân khấu nói là họ hát cho đám đông phía dưới mà họ có thể hát hay được. Tôi chỉ tin những người làm nghệ thuật cho chính mình, thực thà vì mình. Hiện giờ tôi không thích hát nữa, hát để lấy tiền thì quá đơn giản vì đó là nghề kiếm sống của tôi rồi", Hà thẳng thắn.

Nhiều người thường nghĩ là ngôi sao phải có điều gì đó đặc biệt, phải trưng trổ, bán vé đắt, còn không chỉ là hạng bình dân. Nhưng Hà không có quan niệm như thế, cô bảo chỉ cần chi phí phải chăng và lượng khán giả đông, thêm đạo diễn và ê kíp giỏi làm vừa vặn trong khuôn khổ thưởng thức, ca sĩ có nội lực là ổn. Cô muốn chương trình của mình bán vé rẻ, vì khán giả cô đâu có nhiều tiền. Đó cũng là lý do nhiều năm nay, cô không làm live show. Cô chưa tìm được ê kíp thích hợp, có cùng quan điểm nghệ thuật và dám chơi với nghề, với khán giả, một cuộc chơi ít tính toán công danh lợi lộc.

Là một cô gái mạnh mẽ và cá tính trong âm nhạc và trong cuộc sống, Hà Trần luôn thích chọn "lối nào ít người đi" bởi điều đó "tạo nên bao sự khác biệt". Đang là diva nổi danh trong nước, đùng một cái Hà kết hôn với chàng Việt kiều tên Đoàn Bình rồi sang Mỹ định cư. Nổi tiếng đình đám trong nước, ra nước ngoài, với người bản xứ cô chỉ là một thường dân nhưng Hà lại thích thú với cái "thường dân" ấy.

Hà chia sẻ: "Tôi nghĩ nhu cầu làm “phó thường dân” ai cũng có, kể cả Thủ tướng. Thử tưởng tượng về nhà vẫn phải lên com-lê, cà-vạt, nói chuyện chính sách này nọ thì có mà chết. Hình ảnh nổi tiếng là cái bộ mặt “công sở” của tôi. Đời thường rũ bỏ áo mão, tôi cũng chỉ là một người như mọi người mà thôi."
NSND Trần Hiếu
NSND Trần Hiếu

Với Hà hưởng thụ cuộc sống không có nghĩa là giàu nứt đố đổ vách, vẫy một ngón tay là có cả thế gian. Đó đơn giản là hiểu và nắm được những giá trị phù hợp với bản thân. Hà vẫn cháy bỏng và khát khao. Chính Hà, tự đạp đổ những thành công của mình để vươn lên. Ở thị trường hải ngoại, cô phải phục vụ những thứ âm nhạc không thuộc về mình, song song với áp lực là phải sáng tạo nghệ thuật. Nhưng cô là người rất thông minh, rất tinh nghề nên vẫn luôn biết rõ mình muốn gì, phải làm gì.

Dù sống ở Mỹ hay Việt Nam thì sự đam mê âm nhạc vẫn luôn là bản ngã của người nghệ sĩ. Hà Trần vẫn đang tìm tòi và sáng tạo nhiều hơn nữa để có được những sản phẩm đúng là thương hiệu Hà Trần.

 "Ngành âm nhạc bây giờ chất lượng, tài năng và sự khiêm tốn không còn được coi trọng. Thay vào đó là các giá trị ảo và vận động hành lang…- những thứ mà không phải tôi không biết, không làm nổi, mà thực sự là không muốn làm. Nên tôi chỉ đầu tư cho âm nhạc trong quy mô nhỏ những người giống tôi, có thể chia sẻ với tôi mà thôi", chị khẳng định.

Kim Kim
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn