Trần Ly Ly từng muốn bỏ nghề múa vì bị chê... xấu

06:42, Thứ bảy 28/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Ly Ly cho rằng: Biên đạo múa là người đứng đằng sau cánh gà, là người sáng tạo, sản sinh ra các sản phẩm về múa. Các sản phẩm đó phải ẩn chứa tư duy, quan điểm, ngôn ngữ sáng tạo của người sáng tạo.

Bên cạnh một Khánh Thy điệu đàng như nàng công chúa, Biên đạo múa Trần Ly Ly lại gây ấn tượng với khán giả bởi mái tóc tém cá tính, khuôn mặt sắc sảo với cách nhận xét chuyên nghiệp khi ngồi ở vị trí ghế nóng của chương trình "Bước nhảy Hoàn vũ".
[links()]
Những ký ức ám ảnh của thời thiếu nữ say mê múa

Trần Ly Ly là con nhà nòi về múa, bố là hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, mẹ từng là diễn viên ballet múa đơn của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Múa tự nhiên như ruột thịt, ăn sâu vào máu chị khi mới sinh ra.

Tuy nhiên khi bé, Trần Ly Ly lại không được ông trời ưu ái cho một sức khỏe và sắc vóc chuẩn của dân làm nghiệp múa. Bố mẹ chị cũng không muốn chị theo nghề ấy bởi nghề múa là một nghề vất vả, yêu cầu cao về thể lực.

Trong khi đó, múa là một ngành nghệ thuật còn chưa mấy được coi trọng ở nước ta lúc bấy giờ. Vì vậy, việc người làm nghề phải theo học hàng chục năm trời, ra trường và đi làm phải nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn chưa chắc sống và thành danh được với nghề.

Quả thật ở Việt Nam, những nghệ sĩ múa thành danh và được biết tới cũng chỉ đếm đầu ngón tay mà thôi.

Trần Ly Ly là con nhà nòi về múa, bố là hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, mẹ từng là diễn viên ballet múa đơn của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Trần Ly Ly là con nhà nòi về múa, bố là hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, mẹ từng là diễn viên ballet múa đơn của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Ấy thế mà Ly Ly vẫn quyết tâm học múa. Mỗi khi nhạc nổi lên, đôi tay của chị đã tự chuyển động uyển chuyển, đôi chân phải nhún nhảy và trong đầu chị đã phải mường tượng các động tác múa như thế nào.

Vào trường múa từ khi mới 10 tuổi, điều ấy đồng nghĩa cô bé Ly Ly phải chấp hành những kỉ luật gắt gao với cường độ luyện tập cao, có thể nói là quá sức với một đứa trẻ. Khi ấy, Ly Ly hãy còn là cô bé cao, gày gò và sắc cạnh lắm.

Hàng ngày, chị phải tập đứng bằng những đầu ngón chân, giờ tập luyện khắc nghiệt từ 7h sáng tới 5h chiều. Sau đó, Ly Ly phải đạp xe đi học tiếng Anh và tiếng Pháp. Ly Ly dường như không có tuổi thơ với trèo me, hái sấu, chơi ô ăn quan như những người bạn gái cùng thời.

Mọi tinh thần và thể lực, chị dốc sức và dồn cho múa. Nhớ lại quãng thời gian ấy, Ly Ly không khỏi rùng mình, chị bảo: "Kể ra cũng nể mình quá".

Nhưng Ly Ly cũng công nhận rằng chính cái kỉ luật "sắt" ấy đã đào tạo nên một Trần Ly Ly cá tính và tính độc lập từ bé. Sau này, chị lại một mình bươn chải nơi xứ người để học múa hàng chục năm trời.

Khi Ly Ly bước vào tuổi 16, 17, đó là lúc mọi cô bé cùng lớp đã trở thành thiếu nữ, sắc đẹp đã phô diễn. Ly Ly là một diễn viên múa, chị biết thành công của một diễn viên múa giỏi trước hết phải có tài năng, đam mê nhưng nhan sắc cũng là một thứ cần để đủ làm nên sự tỏa sáng của nghệ sĩ múa.

Và cái điều thứ 3 ấy chị lại không có được. Giữa lúc vẻ đẹp dịu dàng, thánh thiện là mẫu yêu thích của những người Á Đông thì vẻ đẹp của Ly Ly lại là sắc cạnh, cá tính. Hồi ấy, nhiều người nói: "Sao diễn viên múa lại xấu thế?!", chị đã buồn lắm, nó đeo đẳng chị suốt thời thiếu nữ.

Đôi lúc Ly Ly đã nghĩ sẽ bỏ nghiệp múa vì không biết mình sẽ đi được đến đâu. Thế rồi, tình cờ một nghệ sĩ múa người Pháp là Régine Chopinot xem chị múa. Vị ân nhân ấy đã phát hiện ra tài năng, cái vẻ đẹp cá tính tiềm ẩn trong con người của Ly Ly.

Chính bà đã giúp chị sang Pháp thực tập và làm việc trong đoàn múa đương đại nổi tiếng của Pháp bấy giờ là Régine Chopinot do chính bà Régine làm giám đốc. Ly Ly như được mở đường, như tiếp thêm sức mạnh, chị quyết tâm khăn gói một mình tới nơi lạ lẫm để học.

Ly Ly cho rằng: Biên đạo múa là người đứng đằng sau cánh gà, là người sáng tạo, sản sinh ra các sản phẩm về múa. Các sản phẩm đó phải ẩn chứa tư duy, quan điểm, ngôn ngữ sáng tạo của người sáng tạo.
Ly Ly cho rằng: Biên đạo múa là người đứng đằng sau cánh gà, là người sáng tạo, sản sinh ra các sản phẩm về múa. Các sản phẩm đó phải ẩn chứa tư duy, quan điểm, ngôn ngữ sáng tạo của người sáng tạo.

Ở nơi đó, người ta khen chị đẹp. Chị nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn thực sự của chị và tìm một lối đi riêng để khẳng định mình. Với Ly Ly, nhan sắc mới ở vị trí thứ ba sau tài năng và sự đam mê.

Tuy nhiên để được như ngày hôm nay, Ly Ly biết ơn bà Régine Chopinot rất nhiều. Trong tâm trí của Ly Ly, bà Régine là một người thầy đặc biệt, bởi sự hấp dẫn, thông minh rất đàn bà và cũng rất nam tính.

Theo cách nói của Ly Ly thì chị đã bị người phụ nữ này quyến rũ bằng trí tuệ, bằng cách thức suy nghĩ về nhiều vấn đề của bà. Regine không chỉ ảnh hưởng nhiều tới cá tính của chị mà còn ảnh hưởng tới sự lựa chọn múa đương đại làm con đường để chị sẽ đi trong tương lai.

Nhưng Ly Ly là một cô gái có cá tính mạnh, dù bị ảnh hưởng của người thầy Regine nhưng chị không bị phụ thuộc vào những suy nghĩ của bà. Chính bà Régine cũng khuyến khích sự độc lập trong suy nghĩ của học trò trong nghề và trong cuộc sống.

Người thầy ấy đã muốn giữ chị lại ở Pháp để hợp tác lâu dài, đồng nghĩa với việc chị sẽ có một tấm vé để sống tại Pháp, có một cơ hội tốt để phát triển tài năng. Ấy là niềm mơ ước với bao nhiêu cô gái trẻ và với cả Ly Ly khi chị bước chân vào nghề.

Thế nhưng, chị lại từ chối, xin bà Régine cho phép mình được tiếp tục học lên ở Úc dù sẽ không có học bổng.

Ly Ly còn trẻ, chị ra đi và khát khao chạm tới những thành tựu đỉnh cao của nghề múa. Nghĩ là thế nhưng việc học lên đại học là một vấn đề lớn với chị bởi số tiền học phí và trang trải cho cuộc sống ban đầu quá lớn mà bố mẹ chị không thể chu cấp cho chị.

May sao, bà Régine và những nhóm nghệ sĩ, bạn bè yêu mến Ly Ly đã  đã giúp chị một khoản tiền để chị đóng học phí ngay lúc ấy. Riêng với Regine, sự cố gắng hết lòng của người học trò đối với nghệ thuật đã là sự đền đáp tuyệt vời nhất bởi Ly Ly biết rằng những người thầy không bao giờ đòi hỏi sự trả ơn.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình của mình, Ly Ly cho biết hiện mọi thứ với chị tạm ổn, chị có thể sống bằng nghề, dù có thể không giàu, có thể không xúng xính váy áo hàng hiệu mỗi khi ra ngoài hay lên truyền hình.
Chia sẻ về cuộc sống gia đình của mình, Ly Ly cho biết hiện mọi thứ với chị tạm ổn, chị có thể sống bằng nghề, dù có thể không giàu, có thể không xúng xính váy áo hàng hiệu mỗi khi ra ngoài hay lên truyền hình.

Những năm tháng du học ở Úc, cuộc sống của Ly Ly vất vả hơn nhiều khi sống bằng học bổng ở Pháp. Ly Ly gần như không có thời gian rỗi, chị dốc sức với việc học.

Chị không có thời gian để chăm chút nhan sắc, sống cuộc sống sôi động với những cuộc du hí, buổi lễ hội hay đơn giản để yêu ai đó một cách đúng nghĩa. Sau những buổi lên lớp, chị lại phải đi làm thêm để có tiền lo cho cuộc sống đắt đỏ ở nước ngoài.

Có những lúc chị vừa từ trường múa, trong người mệt nhoài, chưa kịp nghỉ, kịp ăn gì, nghe người ta đi gọi đi làm, chị lại phải đi ngay. Gặp lúc may thì được đi xe điện, xe buýt, nếu không thì phải cuốc bộ vài km ra bến xe, hoặc tới nơi làm.

Ly Ly phải làm nhiều việc để đảm bảo cuộc sống của mình, từ việc dọn vệ sinh, bán đồ ăn nhanh... Tất cả những việc ấy đã tôi luyện cho chị thêm kiến thức về đời sống, về giá trị của nghề mà chị đang theo đuổi.

Nhưng tất cả những áp lực về cuộc sống, về nghề có lẽ với cô gái trẻ ấy không bằng sự cô đơn. Mà chị nói đó chính là một nỗi lo sợ "mơ hồ" không cưỡng lại được.

"Tôi thường xuyên cô đơn vì khác biệt về ngôn ngữ, lối sống, văn hoá và ngay cả cách suy nghĩ. Không phải là tôi không thể hoà nhập được với cuộc sống ở nước ngoài nhưng tôi cứ bị cô đơn như vậy. Không biết có phải mình muốn vậy không?

Tôi nhớ mãi cảm giác những lần phải đi bộ một mình 3 km đường rừng vì từ nhà đến trạm xe lửa phải đi bằng xe buýt, hoặc đi muộn quá, xe buýt đã hết rồi. Vừa đói vừa sợ vừa buồn... Tôi nghĩ những lúc như vậy tạo cho mình bản lĩnh hơn và tạo cho mình sức tưởng tượng phong phú".

Và chính những nỗi sợ, buồn tạo nên trí tưởng tượng và sự cố gắng không ngừng để thoát ra sự căng thẳng triền miên, Ly Ly đã được sự tin mến của người đỡ đầu và bạn bè cùng lớp.

Đầu lạnh + tim nóng = biên đạo múa giỏi

Khi học xong Đại học, Ly Ly nhận được một số lời mời ở lại nước ngoài làm việc. Nhưng một lần nữa, chị lại đưa ra một quyết định mà nhiều người tưởng như đó là sự điên rồ khi từ bỏ một nơi đầy đủ tiện nghi, cùng những điều kiện công việc tốt để trở về nước.

Trần Ly Ly muốn đem những gì chị đã học được để truyền lại những đam mê cháy bỏng cho những cô cậu học trò cũng từng khát khao như chị… Kể từ khi bước chân vào trường múa Việt Nam và khi chị quay trở về cũng ngót nghét 20 năm.

Khi ra đi, chị hãy là con bé gầy đen, mới chập chững biết vài ba vũ điệu. Khi trở về, chị đã là một giảng viên giảng dạy múa chuyên nghiệp, có những kĩ thuật của múa đương đại của thế giới.

Lúc đầu trở về, Ly Ly xin dạy múa Đương đại tại trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Thời điểm này, Múa đương đại mới xâm nhập vào Việt Nam. Các diễn viên, chuyên gia nước ngoài và trong nước cũng đã biểu diễn loại hình này, tuy vậy nó vẫn chưa được nhiều người biết tới nên không phải ai cũng táo bạo theo học.

Ngay trong trường Múa, chuyện đưa Múa đương đại thành một bộ môn trong nhà trường và tại trường Cao đẳng Múa là chưa chính thức. Khi ấy, Ly Ly xin ban giám hiệu cho thử dạy với số giờ dạy hết sức hạn chế vì quỹ thời gian của nhà trường có hạn.

Nhưng sau khi thử nghiệm một thời gian thì bộ môn này thu hút sự yêu thích của khá nhiều học sinh, sinh viên. Năm 2006, trường đưa ra một thử nghiệm mới là chia lớp múa làm 2, một nửa sẽ học chuyên Ballet và một nửa học chuyên múa đương đại.

Ly Ly nhận lớp Múa đương đại. Tuy nhiên những học sinh của lớp Ly Ly lại yếu hơn lớp Ballet rất nhiều vì những em giỏi mới lên được mũi cứng để múa ballet.

Những khó khăn ấy khiến cả thầy lẫn trò phải cố gắng nhiều hơn, tập tành không kể giờ giấc, lăn lộn tìm tòi và vượt lên chính mình để khẳng định. May mắn là những học sinh lớp Múa đương đại đều là những trò có cá tính mạnh.

Điều ấy khiến cho cô trò thêm tâm đầu ý hợp. Ly Ly cho rằng: "Cá tính là một điều hết sức cần thiết trong nghệ thuật. Để dạy và tạo niềm tin, sự tôn trọng và nể phục từ học trò là một điều hết sức khó khăn mà bản thân tôi cũng phải cố gắng. Bởi có nể phục thì các em mới học tốt, hết mình".

Năm 2006, Trần Ly Ly và học trò ra mắt bài tốt nghiệp của lớp đầu tiên - K29.

Hai năm sau, lớp K30 tốt nghiệp, một sản phẩm thành công nữa ra đời. Sau khi tốt nghiệp, các học trò của Ly Ly không còn là những cô học trò mà các em đã lột xác trở thành các diễn viên múa giỏi. Đó là niềm vui, là thành quả mà Ly Ly nhận được sau những quyết định của chị khi quay về Việt Nam.

Tuy nhiên sau những thành quả tại trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Ly Ly bất ngờ vào miền Nam tiếp tục giảng dạy ở Trường Múa TP.Hồ Chí Minh. Tại đây, chị lại đào tạo thành công thêm 2 khóa nữa tốt nghiệp. Đó là phần thưởng xứng đáng mà người giảng viên ấy có thể tự hào với bản thân mình.

Chuyện Ly Ly rời bỏ trường Múa Việt Nam là điều bất ngờ với nhiều người bởi đó là nơi chị đã gắn bó 30 năm, nhưng đó có lẽ cũng là một điều cần thiết và đã đến lúc. Không ai phủ nhận được sự thành công và nổi tiếng bất ngờ của chị khi Nam tiến.

Vào Sài Gòn, chị được lời mời vào vị trí Phó Hiệu trưởng chuyên môn Trường Cao đẳng Múa TP. Hồ Chí Minh. Ly Ly biết đây là cơ hội, cũng là thử thách để chị có thể thúc đẩy sự phát triển của Múa đương đại tại Việt Nam mà Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ để cho sự phát triển ấy.

Trước khi đến với Bước nhảy Hoàn vũ, có lẽ cái tên Trần Ly Ly chỉ được những người trong nghề biết tới là một nghệ sĩ giỏi đã thành công với nhiều chương trình múa được dàn dựng thành công như: tác phẩm "Một ngày" biểu diễn trong 60 phút; hay chương trình biểu diễn cho Tổng thống Đức nhân chuyến thăm Việt Nam gần đây…

Thế nhưng cái tên Ly Ly vẫn chưa được biết nhiều đến bên cạnh cái tên Linh Nga, dù cô diễn viên múa dân gian Trung Quốc này vào nghề muộn hơn Ly Ly rất nhiều.

Nhiều người nghĩ có thể sự "lệch" do nhan sắc hoặc do chính Trần Ly Ly không lên một kế hoạch PR bài bản cho mình cho nên phải đến Bước nhảy Hoàn vũ, cái tên Ly Ly mới được nhiều người nhớ tới.

Ly Ly cho rằng nổi tiếng không chỉ cần tài năng mà còn cần cả số phận và sự may mắn. Nhưng dù thế nào, với vai trò giám khảo của Bước nhảy Hoàn vũ, Ly Ly đã khiến khán giả thích thú và ưng ý với sự chấm điểm và nhận xét công tâm, dí dỏm nhưng rất chuyên nghiệp của cô nghệ sĩ đất Bắc ấy.

Ly Ly cho rằng: Biên đạo múa là người đứng đằng sau cánh gà, là người sáng tạo, sản sinh ra các sản phẩm về múa. Các sản phẩm đó phải ẩn chứa tư duy, quan điểm, ngôn ngữ sáng tạo của người sáng tạo.

Các sản phẩm ấy phải mang tính cá nhân cao, mang dấu ấn của tác giả, tạo ra xu thế sáng tác thì người sáng tác ấy là người giỏi. Việc Ly Ly được đánh giá cao trong nghề là một niềm tự hào lớn đối với chị, đó là động lực cho sự phát triển và sáng tạo nghệ thuật.

Được công nhận trong nghề là một điều vô cùng khó khăn bởi vì các nghệ sĩ hiếm khi công nhận nhau, chỉ những nghệ sĩ đạt đến đẳng cấp nào đó mới công nhận tài năng của người khác. Nghệ sĩ sáng tạo - biên đạo múa và nghệ sĩ biểu diễn - diễn viên múa là hai phần không thể thiếu được trong thành công của tác phẩm múa.

Người biên đạo là đạo diễn và là người huấn luyện diễn viên luôn. Biên đạo múa là người tổng thể nắm được mọi vấn đề, suy nghĩ thấu đáo và cặn kẽ, sự tưởng tượng phải tổng thể và sắp xếp được các chất liệu vào với nhau một cách logic và đầy cảm xúc. Người biên đạo cần cái đầu lạnh và trái tim nóng.

Cách “biên đạo” con cái của bà mẹ Trần Ly Ly

Tác giả của "Một ngày" không phủ nhận sự nổi tiếng của mình sau chương trình thực tế Bước nhảy Hoàn vũ. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu người phụ nữ giỏi chuyên môn ấy có đủ can đảm bước vào showbiz với cám dỗ của hào hoa, nổi tiếng nhưng cũng đầy thị phi ấy?

Ly Ly suy nghĩ đơn giản: nơi khó khăn thì luôn có thử thách, showbiz là một chốn như vậy. Nhưng nếu vượt qua được thử thách thì thành công rất rực rỡ, nhưng cũng có thể thất bại ê chề đau đớn nếu người ta không có được một bản lĩnh đã được tôi luyện.

Nghề múa hết sức khắc nghiệt, 20 năm gắn bó với nghề, sống chết cùng nghề, Trần Ly Ly đã học hỏi được nhiều. Vì vậy chuyện chị bước vào showbiz cũng tự nhiên và bình thường vậy. Bản thân chị chỉ cần cố gắng hết sức và công tâm với công việc mình được giao, được trả tiền thì chẳng có gì để sợ.

Hoàn thành giám khảo ghế nóng của Bước nhảy Hoàn vũ, Ly Ly lại trở về với nhiệm vụ của cô giáo giảng dạy, biên đạo múa và nhiệm vụ của một người phụ nữ trong gia đình.

Ly Ly chia sẻ rằng, thời gian gần đây chị thường xuyên lên mạng để đọc và lắng nghe những ý kiến của báo chí, của khán giả về mình để làm mọi việc tốt hơn nữa.

Ly Ly không “chảnh” và luôn thích những câu hỏi thật "hóc" về chuyên môn. Điều ấy cũng đủ biết sự đam mê về nghề, sự nhiệt tình trong công việc của chị. Ly Ly luôn muốn đem những hiểu biết về múa, khơi dậy những đam mê múa đến cho người khác.

Khi người viết băn khoăn: liệu cá tính ấy có bị người khác ghét và chị có sợ? Nhưng với Trần Ly Ly thì: "Nếu đã sợ thì đừng làm, khi làm mình phải chấp nhận những ý kiến khác nhau. Tác phẩm của một người thể hiện chính con người ấy, con người có cá tính sẽ sản sinh ra các tác phẩm có cá tính, có dấu ấn cá nhân cao.

Tác phẩm còn thể hiện chiều sâu tâm hồn, quan niệm về nhân sinh quan và đời sống của chính con người ấy. Nếu sợ người ta ghét, tốt nhất đừng có làm. Bởi không làm không có lỗi, đã làm thì dù tốt đến đâu thì cũng khó hoàn hảo.

Đôi khi cái không hoàn hảo lại là cái đẹp, lại là cái mang dấu ấn cá nhân, cái để người ta nhớ. Như một cô gái quá đẹp, nhìn thì thích nhưng trôi tuột. Một cô gái có khiếm khuyết nhỏ ở đâu đó lại khiến người ta nhớ tới.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình của mình, Ly Ly cho biết hiện mọi thứ với chị tạm ổn, chị có thể sống bằng nghề, dù có thể không giàu, có thể không xúng xính váy áo hàng hiệu mỗi khi ra ngoài hay lên truyền hình.

Tính chị đơn giản, quần áo của chị cũng đơn giản. Điều quan trọng với một biên đạo múa như Trần Ly Ly chính là tài năng, niềm đam mê, thứ nữa mới tới nhan sắc. Cái mà khán giả nhớ tới nữ giám khảo Ly Ly của Bước nhảy Hoàn vũ chính là khuôn mặt sắc sảo và cách làm việc chuyên nghiệp.

Nói là tạm ổn với cuộc sống hiện tại nhưng thực ra người phụ nữ ấy cũng gặp không ít những khó khăn trong việc cân bằng giữa niềm đam mê và gia đình. Thực sự thì công việc cũng gây áp lực và ảnh hưởng đến thời gian trong việc chăm sóc chồng con.

Nhưng chị hạnh phúc vì có những người thân trong gia đình thông cảm, chia sẻ. May mắn được sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật, bố mẹ chị luôn tôn trọng sự phát triển tự nhiên của con cái. Những quyết định của chị luôn được sự ủng hộ của bố mẹ bởi họ tin tưởng vào tính cách, sự chín chắn của cô con gái đầu lòng.

Khi Ly Ly chân ướt chân ráo vào Sài Gòn lập nghiệp bố mẹ chị thương con gái lại lặn lội vào Nam trông hai đứa cháu trai để cho con gái có thời gian ổn định sự nghiệp. Được sống trong môi trường kỷ luật cao, nhiều năm sống bên trời Tây nên chuyện giáo dục con cái của Ly Ly cũng thật đáng tò mò với nhiều người.

Hiện nay, nhiều gia đình có xu hướng giáo dục con theo phong cách phương Tây. Nhưng theo Ly Ly thì điều nào được nhận định là hay thì chúng ta nên học tập. Tuy nhiên nếu kết hợp được cả hai thì hoàn hảo bởi vì nền tảng giáo dục phương Đông rèn luyện cho con người sự chỉn chu, toàn vẹn và tình nghĩa.

Còn giáo dục phương Tây tạo cho con người sức bật, độc lập và tính cá nhân mạnh mẽ. Trong khi một số nghệ sĩ lên báo chia sẻ chỉ dùng lời để "dạy" con thì Biên đạo múa Trần Ly Ly lại thẳng thắn thừa nhận rằng:

"Trong một số trường hợp cần thiết, tôi cũng sẽ dùng "roi" để đưa con vào khuôn khổ và sự chừng mực nhất định". Ly Ly là thế: thẳng thắn, cá tính nhưng cũng hết sức mềm mại như nghề nghiệp của chị. Chính tính cách ấy đã giúp chị điều hòa được áp lực công việc và gia đình.

Đặc biệt là cách suy nghĩ trên của chị đã giúp chị thành công trong cách "điều chỉnh" hai cậu con trai nhỏ lém lỉnh đang độ ương bướng của mình cách sống tự lập, tự chăm sóc bản thân và quan tâm tới người xung quanh.

Bởi theo người mẹ 34 tuổi ấy, đó chính là yếu tố quan trọng giúp con người tồn tại trong mọi hoàn cảnh.

  • Sao Chi
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc