Tranh cãi "nảy lửa" việc phải hiến máu 1 năm/lần: Bộ Y tế phân trần như thế nào?

16:30, Thứ hai 09/01/2017

( PHUNUTODAY ) - Bộ Y tế sẽ quyết định lựa chọn phương án hiến máu là tự nguyện, để phù hợp với Luật pháp quốc tế, không gây tốn kém.

Trước các thông tin tranh cãi gay gắt về việc hiến máu bắt buộc hay tự nguyện, ngày 9/1, tin từ Bộ Y tế cho biết, Bộ chọn phương án “hiến máu là tự nguyện”.

Trong nội dung tờ trình mới nhất về dự án Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế - cơ quan chủ trì soạn thảo luật - chủ trương việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

hien-mau-1

 Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người. Mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay.

Để khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị, Bộ Y tế đề xuất 2 giải pháp. Theo đó, giải pháp 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 01 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Giải pháp 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Trong tờ trình, Bộ Y tế đề xuất "nên lựa chọn giải pháp 2 để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội".

hien-mau-2

 Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, hiện nay dù máu cho điều trị thiếu nhưng việc sử dụng còn khá lãng phí, vì hầu hết các cơ sở y tế vẫn đang thực hiện việc truyền máu toàn phần (trên 80% ở hầu hết các tỉnh) do chưa đủ điều kiện để sản xuất các chế phẩm máu.

Bộ Y tế cho rằng tuy quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định nhưng nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỉ đồng. Trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỉ đồng/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỉ đồng để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 580 tỉ đồng cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Bên cạnh đó, an toàn truyền máu cũng là vấn đề đáng quan ngại trong giai đoạn hiện nay vì ở nước ta vẫn đang sử dụng các kỹ thuật sàng lọc bằng huyết thanh chưa đảm bảo an toàn, đang ở mức độ thô sơ. Nhiều cơ sở truyền máu còn dùng kỹ thuật ngưng kết, kít nhanh để xét nghiệm sàng lọc máu (HIV) nên chưa sàng lọc được các bệnh lây truyền qua đường máu khi chúng còn đang ở trong giai đoạn cửa sổ.

Cũng theo Bộ Y tế, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực hiện nay, để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành luật hiến máu hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Sau khi luật hiến máu được ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết.

Từ những lẽ trên, Bộ Y tế đề xuất nên chọn giải pháp thứ 2.

Đáng chú ý là trước đó, trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc được đăng tải lấy ý kiến nhân dân vào tháng 1-2016 không thấy nội dung giải pháp "hiến máu bắt buộc 1 năm 1 lần" như nêu trên.

Cụ thể, tại Điều 3 dự thảo luật quy định một trong các nguyên tắc thực hiện các hoạt động liên quan đến máu và tế bào gốc là nguyên tắc vì mục đích nhân đạo và "bảo đảm tự nguyện đối với người hiến máu và tế bào gốc".

Tại Điều 4 dự thảo luật cũng khẳng định hiến máu và tế bào gốc vừa là một nghĩa cử nhân văn, từ thiện thể hiện sự đoàn kết xã hội con người vừa là trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Nhà nước khuyến khích mọi công dân đủ điều kiện tham gia hiến máu và tế bào gốc chủ động thực hiện hiến máu, tế bào gốc không lấy tiền và coi đó là những tấm gương tốt của xã hội.

Tại Điều 5, dự thảo luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nêu rõ: Nghiêm cấm "ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu hoặc tế bào gốc".

Được biết, thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật là vào kỳ họp thứ 7 năm 2018 và thông qua dự án luật vào kỳ họp thứ 8 năm 2018 của Quốc hội.

Trao đổi với Đất Việt, bác sĩ Võ Xuân Sơn - nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Tôi chưa tìm hiểu nhiều về vấn đề này, nhưng việc hiến máu là việc thiện nguyện, chứ không được bắt buộc, tôi chưa thấy nước nào làm như vậy.

Vì vậy, đề xuất chắc chắn không phù hợp với thông lệ quốc tế, trong ngành y từ trước đến nay chưa có ở đâu bắt buộc việc này, ngay cả mổ cho người nhà, mà người thân trong gia đình có cho máu hay không cũng là vấn đề tự nguyện chứ không thể bắt buộc. Luật pháp mà bắt buộc thì lạ quá so với thông lệ của thế giới.

Tôi cũng không biết Bộ Y tế dựa trên cơ sở nào mà đưa ra đề xuất này nhưng hơi vi phạm một chút vào quyền công dân".

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, vấn đề BHYT là vấn đề khác so với vấn đề bắt buộc hiến máu, việc làm BHYT nếu làm không được nhà nước không điều khiển được thì thay BHYT khác, không đủ khả năng thì đừng làm, chứ còn đừng đổ gánh nặng cho dân.

Để tháo gỡ các khó khăn, công việc của nhà nước là làm sao vận động người dân hiến máu, các nước bây giờ không phải hiến máu là hiến cho người khác, mà là hiến cho bản thân mình. Vì người đó họ cứ lấy sẵn một lượng máu để trong Ngân hàng, có giá trị sử dụng trong vòng mấy năm, họ để cho bản thân họ, nếu có bệnh thì họ lấy luôn máu dự trữ của mình, đó cũng là cách giảm thiểu lượng máu mà phải cung cấp cho người khác.

Ngoài ra việc hiến máu làm như vậy sẽ tốt hơn nhiều là bắt buộc, thực tế nhiều người hiến máu nhưng vì không đủ cơ sở dự trữ nên không được lấy máu.

"Thế nên tôi cũng băn khoăn nếu bắt buộc mỗi công dân hiến máu 1 lần/năm thì liệu có đủ cơ sở để làm hay chưa, còn nếu làm thế này tôi thấy hơi khiên cưỡng.

Còn tiêng khoản tiền bệnh nhân vẫn phải chi trả dù đã có người hiến máu, không phải là tiền máu, khi lấy máu từ 1 người ra thì cần phải làm nhiều quy trình thì mới sử dụng được, tiền tính là tính cho các khâu đó, thực ra các thứ cần làm để truyền được máu, nhiều hơn tiền bệnh viện thu.

Còn tôi đang nói chuyện bắt buộc nó thuộc phạm trù khác hẳn, hiện tại với lượng máu hiến như chúng ta làm, cơ sở dự trữ còn chưa đáp ứng được, thì làm sao bắt buộc được toàn dân hiến máu như vậy. Tại sao không phát triển cơ sở hạ tầng cho tốt, rồi vận động tự hiến máu cho mình, bản thân họ trả khoản tiền lưu trữ lượng máu đó, từ đó nó sẽ giảm áp lực cung cấp máu cho các cá nhân rất nhiều", ông Sơn phân tích.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vân Tiên