Khi ngồi vào mâm cơm, đa số mọi người sẽ gắp món ăn mà mình thích nhất đầu tiên, sau đó mới ăn tới các món khác. Tuy nhiên, khi ăn cơm, bạn cũng nên chú ý đến thứ tự ăn các món để tốt cho sức khỏe, có lợi trong việc kiểm soát cân nặng.
Các loại rau thường chứa nhiều chất xơ và nước sẽ giúp mọi người có cảm giác nhanh no. Vì vậy, để kiểm soát cân nặng tốt hơn, bạn nên ăn rau đầu tiên. Sau đó, hãy ăn đến các loại thực phẩm giàu protein như thịt cá. Cuối cùng, ăn các món chứa tinh bột như cơm nhưng chỉ ăn ở mức vừa phải để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, giúp kiểm soát cân nặng.
Ăn rau trước sẽ bổ sung nước, vitamin, khoáng chất, chất xơ vừa tạo cảm giác no vừa giúp làm chậm quá trình tăng lượng đường trong máu, ngăn chặn việc tích tụ chất béo trong cơ thể.
Sau đó, ăn các món chứa đạm như thịt (ít mỡ), hải sản, đậu... để bổ sung đạm cùng nhiều dưỡng chất khác, kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Lưu ý, các loại thịt đỏ chứa nhiều sắt nhưng thường có lượng chất béo cao hơn những loại thịt khác nên chỉ ăn ở lượng vừa phải.
Các món cháo, súp đặc, món chiên rán có phủ bột, mì, bánh mì, bánh pizza thường chứa nhiều tinh bột. Với các món này, bạn cũng nên ăn sau món rau và thịt.
Một nghiên cứu của Đại học Osaka (Nhật Bản) cho thấy rằng trong bữa ăn, nếu ăn rau, thịt, cá trước rồi mới ăn cơm sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Để có được kết quả này, nhóm nghiên cứu đã theo dõi sự thay đổi lượng đường trong máu của các đối tượng tham gia nghiên cứu trong suốt 4 giờ. Các tình nguyện viện sẽ được chia thành nhóm ăn cơm ngay đầu bữa và nhóm ăn cơm cuối bữa. Kết quả cho thấy nhóm ăn cơm cuối bữa, đầu bữa ăn rau củ, thịt cá có lượng đường trong máu thấp hơn khoảng 30-40% so với nhóm ăn cơm ngay từ đầu bữa. Việc ăn rau củ, thịt cá trước cơm làm giảm lượng đường trong máu được lý giải như sau: Ăn rau, thịt, cá trước sẽ giúp kích thích cơ thể tiết ra một loại hormone tiêu hóa có tên là incretin. Nó có tác dụng làm chậm sự di chuyển của thức ăn từ dạ dày xuống ruột non. Nhờ đó, lượng đường gia tăng trong máu sẽ không còn cao như khi ăn cơm ngay ở đầu bữa.
Ngoài ra, nếu muốn ăn trái cây, bạn có thể chờ khoảng 30-60 phút để tránh làm lượng đường trong máu tăng lên quá nhiều.