Hoa thược dược đa dạng màu sắc như đỏ, tím, vàng, xanh, trắng, hồng… và mỗi màu mang một ý nghĩa khác nhau.
Trồng hoa thược dược, muốn hoa nở to rực rỡ, thúc hoa nở như mong muốn, thời gian ra hoa kéo dài thì bạn cần phải biết thói quen sinh trưởng của nó và nắm vững các kỹ thuật chăm sóc.
Chọn loại đất trồng phù hợp
Muốn cây phát triển mạnh, ra hoa nhiều thì trước tiên bộ rễ của cây phải khỏe. Để hệ thống rễ của hoa thược dược phát triển tốt, đất trồng rất quan trọng.
Loại hoa này ưa đất tơi xốp, thoáng khí, khả năng thoát nước tốt. Nếu đất thoát nước kém thì rễ cây sẽ không thể “thở” được, lâu ngày sẽ gây ra tình trạng thối rễ, lá úa vàng, cây sinh trưởng kém và khó ra hoa.
Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên xới đất cho cây, tránh đất bị nén chặt.
Đảm bảo đầy đủ áng sáng cho cây
Trồng thược dược chủ yếu là để ngắm hoa, thược dược lại là loài hoa ưa nắng nên ánh sáng là một trong những điều kiện chính để thúc đẩy quá trình hình thành nụ hoa.
Do đó tốt hơn hết nên đặt cây ở ngoài nơi, nơi có nhiều nắng, càng nhiều ánh nắng thì khả năng sinh trưởng của cây càng mạnh, hoa càng nở to rực rỡ. Ngược lại nếu ánh sáng yếu, cây sẽ sinh trưởng chậm, ra hoa ít, màu sắc hoa cũng nhạt hơn.
Tuy nhiên nếu nắng quá gay gắt, bạn nên che chắn cho cây hoặc giảm thiểu thời gian chiếu sáng, như vậy thì hoa sẽ tươi lâu hơn, kéo dài thời gian ra hoa.
Không tưới quá nhiều nước
Sự phát triển của cây không thể tách rời khỏi nước, nhưng nếu tưới quá nhiều hoặc quá ít nước cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.
Đặc biệt là khi cây bước vào giai đoạn sinh trưởng, cần kiểm soát chặt chẽ việc tưới nước để tránh ảnh hưởng đến sự ra hoa.
Thược dược là loài hoa ưa nước nhưng lại sợ úng nước, nếu tưới quá thường xuyên thì đất trong chậu lâu ngày sẽ bị ẩm ướt, rễ dễ bị thối.
Việc tưới nước cho thược dược nên thực hiện theo nguyên tắc “làm khô và tưới kỹ”, tức là chỉ tưới nước khi đất khô và tưới đẫm vào gốc cây.
Cân đối chất dinh dưỡng cho cây trồng
Để cây phát triển tốt, bạn cần đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây trồng, nếu không cây dễ bị còi cọc, vàng lá, không ra hoa.
Tuy nhiên, bón phân cho cây cũng cần phải tùy theo từng giai đoạn:
Trong thời kỳ sinh trưởng, bạn nên bón phân đạm cho cây để thúc đẩy sự phát triển của cành và lá.
Khi cây chuẩn bị ra nụ cần giảm lượng phân đạm, nên bón phân lân và kali để thúc cây ra hoa.
Nếu bón nhiều phân đạm khi cây chuẩn bị ra hoa thì cành, lá phát triển quá mức khiến cây không thể ra hoa được.