Trong hơn 3 thập kỷ, Trung Quốc cố che đậy tâm địa để tạo dựng hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” khó khăn bao nhiêu thì giờ đây họ đã đổ xuống sông, xuống biển dễ dàng bấy nhiêu.
Trong mắt khu vực và thế giới, Trung Quốc đã trở nên đáng lo ngại, cảnh giác cho tất cả các quốc gia láng giềng hơn bao giờ hết.
Hơn 3 thập kỷ phát triển trong thế hòa bình, không bị kiềm chế, chống phá của các thế lực thù địch, Trung Quốc đã trỗi dậy trong hòa bình.
Sự trỗi dậy kinh tế, biểu hiện về GDP, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để chiếm ngôi vị thứ 2 thế giới, sau Mỹ, thực ra chưa làm cho Trung Quốc trở thành một cường quốc giàu có, bởi vì tính theo đầu người thì GDP của họ rất là khiêm tốn, chỉ bằng 1/40 lần Mỹ hay Nhật, vì thế, tuy là một trung tâm kinh tế thứ 2 của thế giới nhưng sự nổi bật, ảnh hưởng chi phối kinh tế thế giới và trách nhiệm toàn cầu là không đáng kể.
Để có hòa bình mà trỗi dậy thì phải lấy lòng Mỹ, Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào kể cả phản bội bạn bè, thậm chí coi thường xương máu, tính mạng người lính của mình.
Cuộc chiến tranh lạnh đang xảy ra một mất một còn thì Trung Quốc tấn công Liên Xô nhằm gửi một thông điệp cho Mỹ và khối NATO rằng: Chúng tôi và họ-Liên Xô cùng các nước trong phe XHCN không liên quan, không cùng ý thức hệ, xin hãy trừ Trung Quốc ra. (Thử hỏi không có Hồng quân Liên Xô đánh tan quân Quan Đông Nhật và sau đó để lại cho toàn bộ vũ khí trang bị thì ai là kẻ phải chạy ra Đài Loan, Mao hay Tưởng?)
Do phải giúp Việt Nam chống Mỹ để tạo ra một vùng đệm an toàn, sau khi Việt Nam thống nhất, biết không thể điều khiển Việt Nam như Triều Tiên, không dễ dàng mặc cả trên lưng Việt Nam như trước đây, năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam.
Cuộc tấn công này không có ý nghĩa gì về quân sự, thậm chí thất bại nhưng mục tiêu chính trị thì Trung Quốc đã đạt được: “Trung Quốc và Việt Nam là kẻ thù và tất nhiên, Trung Quốc sẽ là bạn với Mỹ”. Họ đã hy sinh hàng chục vạn binh lính và tình hữu nghị láng giềng để được làm bạn với Mỹ, được Mỹ không cấm vận, được hưởng “tối huệ quốc”, được yên ổn làm ăn, “giấu mình chờ thời” gần 3 thập kỷ để mà trỗi dậy.
Một sự thật là, hòa bình tạo ra sự trỗi dậy cho Trung Quốc nhưng ngược lại, tiếc thay, sự trỗi dậy của Trung Quốc lại không tạo ra hòa bình cho xung quanh, bởi lẽ, sự trỗi dậy này có 2 yếu tố luôn đi kèm theo nó, tỷ lệ thuận với nó, được biểu hiện rõ nét nhất, đó là tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và lối hành xử bằng sức mạnh cơ bắp trong bang giao quốc tế.
Tàu hộ vệ Đông Hoán 560, con tàu mắc cạn ở Trường Sa. Ảnh: Inquirer |
Đó chính là tư tưởng bành trướng, bá quyền nước lớn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược đối ngoại của Trung Quốc.
Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, thông qua truyền thông như Thời báo Hoàn Cầu và những vị học giả hiếu chiến, những vị tướng thừa “dũng” mà thiếu “trí”, thiếu “nhân”, tuyên truyền, đổi trắng thay đen, lừa bịp người dân làm cho tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi lên như sóng cồn, người dân bị kích động chưa từng thấy.
Nói chung, đối với người dân đại Hán thì Biển Đông là của họ, thế giới là của họ, Trung Quốc là “mặt trời”, là trung tâm, bá chủ thế giới…
Chính vì thế, năm 2010, Trung Quốc xuất bản cuốn sách “Giấc mơ Trung Quốc – Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ của đại tá Lưu Minh Phúc-giáo sư, Giám đốc Viện Nghiên cứu xây dựng quân đội, thuộc trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Cuốn sách vừa xuất bản tại Bắc Kinh đã trở thành sách bán chạy nhất. (Không hẳn là sách hay, nhưng vì đánh đúng tâm lý AQ của dân tộc đang muốn làm bá chủ). Hầu như không có một phản ứng trái chiều nào từ cuốn sách này, mặc dù nội dung cuốn sách nêu các biện pháp soán ngôi Mỹ rất “cải lương” phi thực tế, sách chỉ có giá trị kích động là chính.
Đây là tác phẩm đầu tiên của Trung Quốc công khai tuyên bố nước này đặt mục tiêu trong thế kỷ XXI sẽ trở thành quốc gia lớn mạnh nhất thế giới, thay Mỹ lãnh đạo thế giới.
Có thể nói, cuốn sách được công khai phổ biến rộng rãi, qua nó, Trung Quốc đã hoàn tất công việc trang bị “Tư duy nước lớn” cho toàn thể công dân Trung Hoa vĩ đại và kích động đến mức đọc xong sách này, nhà báo Jeffrey Schmidt thốt lên: “Trung Quốc đã tháo găng tay và đang thách thức sự thống trị thế giới của Mỹ”.
Để bành trướng trên biển, Trung Quốc đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông bằng cách nhấn mạnh “khía cạnh lịch sử” - bằng chứng phi lý, kệch cỡm, trong các tuyên bố chủ quyền của mình.
Sách lược này có 2 mặt, thứ nhất là: Đồng thời, với chính sách mập mờ, không rõ ràng của Trung Quốc trên biển Đông, Bắc Kinh lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để trục lợi. Bắc Kinh có thể “linh hoạt giải thích lập trường tranh chấp” của mình mà thực chất là để bành trướng mọi lúc, mọi nơi có thể, tùy theo sức mạnh.
Thứ 2 là: Chính sách này cũng đã dẫn đến việc hành động của Bắc Kinh phụ thuộc vào sự gia tăng áp lực trong nước, khiến Bắc Kinh bị động, cực đoan trong đối ngoại khi phải nghiêng theo chủ nghĩa dân tộc nếu như không muốn bị tẩy chay, phản đối, đặc biệt, không muốn mầm mống ly khai xuất hiện trong các nhóm có lợi ích cục bộ đầy thế lực.
Vì thế, khi gặp phải sự chống đối quyết liệt, có bài bản như vụ Scarborough của Philipines thì bế tắc trong cách giải quyết, cách phản ứng duy nhất là lên cơ bắp, đe dọa, phùng mang, trợn mắt…là lối hành xử tất yếu của kẻ phi nghĩa.
Và do vậy, đó chính là nguyên nhân làm cho mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” bị lột bỏ. Trung Quốc đã lộ nguyên hình như những gì ta đã nghe, đã thấy hiện tại, rất hung hăng và bất chấp tất cả trong một loạt diễn biến thời gian gần đây.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc đang sợ rất nhiều thứ, từ sự đoàn kết của ASEAN; sự liên minh của các quốc gia nhỏ láng giềng với các đối thủ tiềm tàng xương xẩu của Trung Quốc; sự tuân thủ luật pháp quốc tế, đa phương hóa tranh chấp Biển Đông; đặc biệt là sự hiện diện của Hoa Kỳ…
Bởi thế, những hành động gần đây của Trung Quốc chỉ là dấu hiệu phản ánh sự hoảng loạn, mất bình tĩnh trong một thế đơn độc, cùng đường.
Phải chăng đó là sự dẫy dụa của căn bệnh ung thư bành trướng?.
Lê Ngọc Thống