Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh và mưa, vì thế trẻ nhỏ dễ mắc các căn bệnh về hô hấp như ho, cảm cúm, sổ mũi,... thậm chí nặng hơn là viêm phổi, viêm phế quản. Khi trẻ bị ốm, các bé thường sợ uống thuốc còn các mẹ cũng muốn con mình sử dụng cây nhà lá vườn để tránh bị "nhờn" thuốc.
Hiện nay trên một vài diễn đàn, các mẹ bỉm đang mách nhau sử dụng một số biện pháp vật lý tại nhà để trị ho, sổ mũi cho con, trong đó có phương pháp được nhiều mẹ thực hiện, đó là ngâm chân vào nước gừng.
Lương y Đa khoa Bùi Quang Sáng, Hội đông Y Việt Nam cho biết: "Từ thời xưa ông cha ta đã dùng gừng cho vào món ăn giúp dễ tiêu, gừng được xếp và nhóm gia vị để phòng bệnh. Khi chế biến các món ăn có tính lạnh, đồ ăn tanh đều có thể dùng gừng.
Khi trẻ bị ho do cảm lạnh dẫn đến các triệu chứng chảy nước mũi hoặc tắc mũi, khó thở, ho. Gừng sống (Sinh Khương) có tính hơi ấm, vị cay, tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hóa".
Phương pháp được mô tả thực hiện như sau:
- Gừng già giã nát đun sôi lên rồi tắt bếp, hoà thêm ít muối, thêm vào giọt dầu tràm pha nước tắm cho con. Vào buổi tối thì dùng nước này để ngâm chân cho bé, vừa ngâm chân vừa massage lòng bàn chân để bé thoải mái, dễ chịu.
- Trước khi đi ngủ dùng dầu tràm massage gan bàn chân và huyệt dũng tuyền cho con. Bôi thêm chút ở ngực gần cổ và bụng gần rốn. Hiệu quả hơn nếu mẹ dùng để phòng bệnh.
Phương pháp này cũng áp dụng được cho trẻ sơ sinh nhưng cần phải lưu ý như sau:
- Khi tắm nước gừng không được để nước bắn lên mặt hoặc miệng bé.
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng chỉ tắm tầm 5 phút còn ngâm chân trong một chậu nước nhỏ xíu đến khi nước hết ấm thì thôi (khoảng 15 phút).
Lưu ý: Với trẻ lớn mẹ có thể yên tâm cho con ngồi bên cạnh ngâm chân, dặn dò và chỉ cần để mắt tới con là được nhưng với các bé sơ sinh, mẹ cần có sự hỗ trợ của người lớn vừa bế, vừa giữ chân cho các bé không nghịch ngợm.
Theo lời của nhiều bà mẹ, phương pháp này rất hiệu quả vì gừng có tác dụng đuổi phong hàn. Khi bé nhiễm lạnh, chỉ cần đun sôi nước với gừng là đã có tác dụng trị bệnh chứ không cần dùng thêm dầu tràm. Thậm chí còn có mẹ thực hiện luôn và chia sẻ ảnh ngâm chân cho con. Tuy nhiên, cũng có mẹ bỉm sữa phản hồi lại rằng dù đã thực hiện phương pháp này thường xuyên nhưng con vẫn không đỡ bệnh.
Chia sẻ về phương pháp ngâm chân trong nước gừng trị bệnh chuyển mùa ở trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y học Cổ truyền Quân đội cho rằng, đúng là gừng có tác dụng đuổi phong hàn, nhưng khi sử dụng phương pháp này các gia đình phải cẩn trọng nếu không sẽ từ chữa bệnh thành mua bệnh vào người.
“Gừng có tác dụng phát tán phong hàn, trẻ bị phong hàn, cảm dùng gừng sẽ có tác dụng đuổi phong hàn đi. Còn nếu trẻ không bị phong hàn mà ngâm sẽ có hại.
Gừng có tính nóng nếu con ho, sổ mũi mà không phải phong hàn chỉ là phản ứng cơ thể đối với thời tiết thôi thì việc dùng gừng sẽ có thể làm bệnh nặng lên.
Theo tôi, các bà mẹ nên nghe tư vấn của bác sĩ, không nên tự tiện dùng, nhất là trẻ em “cục vàng cục bạc” của mọi gia đình", bác sĩ Nguyễn Văn Lân cho biết.
Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch hội Đông y Ba Đình cũng nhấn mạnh: "Việc dùng dầu gừng mát xa bên ngoài chủ yếu có tác dụng giải cảm. Dùng hỗn hợp gừng + muối + nước đun sôi và mát xa bàn chân chỉ có tác dụng hỗ trợ trị ho và sổ mũi chứ không có tác dụng điều trị bệnh cho trẻ".