Từ nay cấp lại Căn cước, người dân được làm hoàn toàn online không phải tới cơ quan công an, phải không?

13:05, Thứ ba 22/04/2025

( PHUNUTODAY ) - Quá trình cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước cần được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật nên người dân cần chú ý.

Việc làm Căn cước là thủ tục hành chính không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân. Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn vì sao phải chính chủ trực tiếp đến cơ quan công an mà không thể nhờ người khác làm hộ? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ lý do và những trường hợp được phép nộp hồ sơ online.

Vì sao cần trực tiếp đến công an khi làm căn cước công dân?

Theo quy định hiện hành, khi công dân làm thẻ căn cước lần đầu, bắt buộc phải đến trực tiếp cơ quan công an. Nguyên nhân là vì trong quá trình làm thẻ, cơ quan chức năng cần thu thập thông tin mang tính cá nhân: ảnh chân dung, dấu vân tay, mống mắt, giọng nói… Đây là những dữ liệu quan trọng, mang tính cá nhân cao, không thể ủy quyền cho người khác thực hiện.

Việc cấp căn cước cần có thông tin nhân dạng, mống mắt, vân tay nên thường phải chính chủ tới làm
Việc cấp căn cước cần có thông tin nhân dạng, mống mắt, vân tay nên thường phải chính chủ tới làm

Khi nào phải đến trực tiếp cơ quan công an để làm căn cước?

Căn cứ vào Luật Căn cước mới, người dân bắt buộc phải đến cơ quan công an trong các trường hợp:

- Làm thẻ căn cước lần đầu dành cho người trên 6 tuổi.

- Đến các mốc tuổi cần cấp đổi: đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

- Có yêu cầu cập nhật lại thông tin sinh trắc học do thẻ hết hạn hoặc dữ liệu đã thay đổi.

Trong những trường hợp này, cơ quan công an cần kiểm tra, xác minh và thu thập lại thông tin từ chính chủ. Vì vậy, việc trực tiếp có mặt là bắt buộc để đảm bảo độ chính xác, minh bạch trong quản lý dữ liệu.

Một số đối tượng có thể làm hoàn toàn online
Một số đối tượng có thể làm hoàn toàn online

Trường hợp nào được làm căn cước online?

Mặc dù về cơ bản thủ tục cấp căn cước cần phải tới công an để chụp ảnh, lăn vân tay, chụp mống mắt.. Tuy nhiên Luật Căn cước 2023 cũng có điểm mới so với làm CCCD và CMND trước đây đó là không phải lúc nào người dân cũng phải đến tận cơ quan công an. Trong một số trường hợp cụ thể, công dân có thể nộp hồ sơ online thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc ứng dụng định danh điện tử. Các trường hợp được phép thực hiện online gồm:

  • Bị mất thẻ căn cước nhưng vẫn còn thời hạn sử dụng.
  • Thẻ bị hỏng, không thể sử dụng được nhưng chưa đến hạn phải cấp đổi
  • Trẻ em dưới 6 tuổi, khi làm căn cước không cần chụp ảnh hay lấy vân tay, cha mẹ có thể làm hồ sơ online thay.

Đây là những tình huống mà thông tin sinh trắc học không cần cập nhật hoặc đã có sẵn trong hệ thống dữ liệu quốc gia. Do đó, công dân chỉ cần cung cấp hồ sơ hợp lệ để được xét duyệt, không cần hiện diện tại cơ quan công an.

Thời gian cấp căn cước là bao lâu?

Theo Điều 26 Luật Căn cước năm 2024, thời gian xử lý hồ sơ làm căn cước được rút gọn và thống nhất hơn so với trước đây. Cụ thể:  Thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Năm 2025, nộp hồ sơ online được giảm 50% lệ phí

Theo quy định của thông tư 73 của Bộ Tài chính về lệ phí cấp căn cước thì trong năm 2025, những người nộp hồ sơ online sẽ được giảm 50% lệ phí so với nộp hồ sơ trực tiếp. Từ năm 2026 mức phí lại được thực hiện theo quy định thông thường.

Tóm lại việc làm căn cước công dân đòi hỏi sự có mặt trực tiếp của người dân không phải vì sự phức tạp, mà vì mục tiêu bảo đảm tính chính xác và bảo mật trong quản lý dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã có những điều chỉnh linh hoạt, cho phép một số trường hợp được nộp hồ sơ online để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân.

Khi nắm rõ quy định, bạn sẽ biết lúc nào cần trực tiếp đến công an và khi nào có thể xử lý hồ sơ từ xa, từ đó chủ động hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cá nhân.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Như Bình