Tử vong sau tiêm vắc xin là ’những cái chết ’lạ’?

11:10, Thứ ba 19/03/2013

( PHUNUTODAY ) - Chỉ tính khoảng 4 tháng trở lại đây trên cả nước đã có khoảng 8 trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem, nhưng nguyên nhân trẻ tử vong Bộ Y tế cũng chưa biết, đó vẫn là những cái chết “lạ”.

Chỉ tính khoảng 4 tháng trở lại đây trên cả nước đã có khoảng 8 trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem, nhưng không phải do vắc xin, còn nguyên nhân thật sự Bộ Y tế cũng chưa biết, nên đương nhiên đó vẫn là những cái chết “lạ”.

Ngày 16/3, lại thêm một trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem, lần này là trẻ 4 tháng tuổi tiêm phóng vắc xin tại trung tâm y tế TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Chỉ tình từ tháng 12/2012 tới nay, đây đã là trường hợp thứ 11 được ghi nhận có tai biến sau tiêm chủng vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem và là trường hợp tử vong thứ 8 được ghi nhận.

Tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh cho trẻ mà xảy ra hiệu quả ngược dẫn tới trẻ tử vong con số lên đến 11 thì phải được coi là sự cố khủng hoảng y tế công. Sinh mạng  trẻ em bao giờ và ở đâu trên thế giới này cũng đều được coi là quý giá nhất, phải được quan tâm chăm sóc nhất. Nhưng tới nay, cơ quan quản lý là Bộ Y tế vẫn khẳng định vắc xin này an toàn vì đã được kiểm soát chặt chất lượng từ khi xuất xưởng, khi nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển tới lúc tiêm cho trẻ em… Nói chung các khâu đều đúng, chất lượng thuốc tốt, còn trẻ có phản ứng sau tiêm là bình thường.

Trẻ tử vong sau tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem vẫn
Trẻ tử vong sau tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem vẫn "lạ".

“Đây được coi là phản ứng thông thường xảy ra với các vắc xin có thành phần ho gà tế bào. Hầu hết các trường hợp tử vong có liên quan đến tiêm chủng là do sốc phản vệ”, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) từng trả lời báo chí như vậy. Theo ông Hiển, dù có một số ca tử vong sau tiêm vắc xin, nhưng chưa có bằng chứng nào để khẳng định là do chất lượng vắc xin kể trên.

Ờ nhỉ, nghĩa là khoa học và các nhà khoa học y tế khẳng định chất lượng vắc xin là đảm bảo xịn 100%, quy trình bảo quản, vận chuyển cũng như cách tiêm chủng đều đúng và ở mức tốt nhất thế nên kết luận rút ra dứt khoát phải là: các trẻ tử vong sau tiêm vắc xin trên đều chết không rõ nguyên nhân, hoặc nếu có thì cũng không phải do vắc xin, chỉ là cháu bé đó “quá đen” mà thôi. Nghĩa là kết luận của khoa học hiện đại, tiên tiến và ưu việt của chúng ta hiện nay giống y hệt các bà các mẹ chúng ta hồi đầu thế kỷ trước an ủi nhau khi gặp vận rủi: Sống chết tại số, Giời kêu ai người nấy dạ....

Dĩ nhiên, không ai đủ độ tàn nhẫn đến mức đưa ra kết luân rằng, các bé tử vong sau khi tiêm vắc xin là do các bé không muốn sống nữa, không có nguyên do nào nữa, thề đấy!!!  Bộ Y tế cũng đã làm hết sức mình để bảo vệ sức khỏe trẻ em rồi, việc tiêm vắc xin cũng là để các em được khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật. Từ tháng 6/2010 tới nay, mỗi năm nước ta tiêm khoảng 4-5 triệu liều vắc xin Quinvaxem cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi, và theo Bộ Y tế, số lượng tiêm lớn như vậy mà chỉ một vài trường hợp bị sốc phản vệ thì kể ra là không nhiều, và tỷ lệ này đó có thể chấp nhận được, thậm chí còn thấp hơn tỷ lệ cho phép. Nên không có lý do gì để chúng ta phải dừng tiêm, hoặc đổi loại vắc xin khác.

Dư luận xã hội còn bức xúc cái quái gì nữa, Bộ Y tế cũng đã làm hết sức rồi, trong khi Bộ còn phải chăm lo sức khỏe cả xã hội chứ đâu chỉ mấy đứa trẻ vài tháng tuổi. Ấy thế nên, trong lúc các trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem liên tục xảy ra thì Bộ đang bận chỉ dẫn cho người lớn cách ăn uống sạch sẽ, cách chọn măng, thịt, cá… an toàn. Nên sau 2 tháng kể từ khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên sau tiêm vắc xin Quinvaxem, Bộ trưởng Bộ Y tế mới có thời gian rảnh rỗi để phê duyệt công văn yêu cầu các cơ quan liên quan, Sở Y tế các tỉnh thành giám sát, kiểm tra, phát hiện sớm các ca phản ứng sau tiêm để kịp thời chữa trị.

Một nguyên nhân nữa cần phải kể tới, vắc xin Quinvaxem được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ năm 2010, do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), thời gian tài trợ từ tháng 6/2010 đến hết năm 2015, với nguồn tài chính khoảng 38,5 triệu USD. Được biết, giá thành vắc xin này chỉ khoảng 20.000 đồng/liều, trong khi các loại vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1” do Mỹ, Bỉ sản xuất có giá trên 500.000 đồng/liều.

Một số chuyên gia thừa nhận, việc từ chối nhận viện trợ bằng vắc xin thì trong tương lai có thể sẽ khó khăn trong việc tiếp tục nhận nguồn viện trợ từ tổ chức này. Và đặc biệt, dự kiến thời gian tới có thể GAVI sẽ viện trợ Việt Nam vắc xin ngừa bệnh Rubella và tiêu chảy do Rotavirus…

Việt Nam đã nhập về khoảng 15 triệu liều vắc xin Quinvaxem và đã sử dụng khoảng 11 triệu liều. Như vậy là còn khoảng 4 triệu liều sẽ còn được sử dụng trong thời gian tới, và sẽ còn chừng ấy trẻ có nguy cơ có thể gặp tai biến sau tiêm với những hậu quả chưa ai có thể nói trước.

Tới đây sự kỳ lạ xuất hiện, nhiều người chắc sẽ nghĩ như tôi, chẳng nhẽ vì những khoản viện trợ trên mà chúng ta chấp nhận mạo hiểm tính mạng của trẻ em Việt? Chẳng có nhẽ dân ta nghèo tới vậy? Xin khẳng định là không, bằng chứng ư, mới đây Chính phủ đã đưa ra kế hoạch cấp 30.000 tỷ đồng để người dân và doanh nghiệp vay mua nhà, với hy vọng có thể giải cứu thị trường bất động sản, mà theo nhiều chuyên gia là chủ yếu giải cứu các chủ đầu tư đang mắc kẹt với đống nhà đất không bán được. Đấy là chưa kể hành loạt chính sách, hàng chục cuộc họp được tổ chức để bàn bạc các phương cách giải cứu.

Sự nhiệt tình giải cứu bất động sản còn khiến các chủ đầu tư tin tưởng tới mức liên tục đề xuất các sáng kiến mới, điển hình là Hiệp hội bất động sản TP. HCM mạnh dạn đề xuất cho đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, mức khởi điểm chịu thuế là từ 500 triệu đồng, với lý do để buộc người dân không gửi tiền vào ngân hàng gây lãng phí nguồn lực, mà dùng tiền đó đưa vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó có đầu tư mua nhà, đất.

Một ví dụ đó để chứng minh rằng dân ta không nghèo tới mức để phải hy sinh sức khỏe, tính mạng của thế hệ tương lai chỉ vì vài chục triệu USD tài trợ.

Và Chính ông Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển cũng khẳng định như vậy: “Nhưng nói nước ta nghèo dùng Quinvaxem tai biến dồn dập cũng không đúng”.

Vắc xin tốt, tiêm chủng đúng cách ấy thế mà trẻ vẫn tử vong, có lẽ Bộ Y tế cũng nên xem những ca trẻ tử vong sau tiêm chủng là những cái chết “lạ”, để tất cả các ngành cùng vào cuộc mới hy vọng tìm ra nguyên nhân các trẻ tử vong, và đồng thời “giải oan” cho vắc xin được cho không này. Thế mới thực sự là 'lạ', bởi vì theo logic học và lương tâm học gì gì đó thì việc cấp bách là tìm và khắc phục các nguyên nhân gây tử vong khi tiêm chủng vắc xin này chứ không phải là tìm cách giải oan cho vắc xin hay quy trình quỷ quái nào đó!

  • Phạm Thanh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc