(Đời sống) - Có thể nói, chưa một nơi nào người dân lại quen với công thức xử lý khủng hoảng do tai biến vắc xin như ở Việt Nam. Bộ Y tế Việt Nam rất chăm đi theo dõi và quan sát tai biến tiêm chủng, tuy nhiên người dân lại hờ hững với cách xử lý trước sau như một này bởi họ gần như đoán được kết quả cuối cùng.
Liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B, trả lời trên báo SGGP, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết tới thời điểm này để có kết luận chính xác và khách quan nhất về vụ tai biến nghiêm trọng làm 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để gửi mẫu vắc xin này đi xét nghiệm ở một phòng xét nghiệm độc lập tại nước ngoài.
Ông Bình cũng cho hay trong quá trình kiểm tra thực tế, nhằm xác định nguyên nhân vụ tai biến trên, đoàn công tác của Bộ Y tế đã phát hiện một sai sót trong quy trình tiêm chủng. Đó là tiêm chủng là một kỹ thuật phải thực hiện ở phòng tiêm nhưng bệnh viện lại tiến hành tiêm vắc xin viêm gan B cho các cháu ngay tại phòng đẻ. Việc tiêm ở ngoài phòng tiêm như vậy có thể ảnh hưởng tới các phản ứng do điều kiện vô trùng không đảm bảo. Việc bảo quản vắc xin tại bệnh viện cũng chưa đúng quy trình như: để vắc xin lẫn lộn với các sinh phẩm khác, không ghi chép quản lý vắc xin hàng ngày, không lưu vỏ, lọ đúng quy định. Trong trường hợp này phải phân tích từng sai sót một có ảnh hưởng tới tính mạng của 3 trẻ không, từ đó mới có thể quy kết trách nhiệm cụ thể.
![]() |
Vắc xin vẫn an toàn nhưng tai biến vẫn xảy ra? |
Trước nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng vắc xin là nguyên nhân dẫn tới cái chết của 3 cháu, nhất là trước khi vắc xin được lấy ra tiêm cho các bé thì tủ lạnh bảo quản vắc xin tại bệnh viện bị mất điện trước đó 2 giờ, ông Bình cho biết còn tùy thuộc vào từng loại vắc xin. Có những loại vắc xin, chẳng hạn như vắc xin sởi, có thể để được ở nhiệt độ 37°C trong vài ngày. Ở mức độ nào đấy, việc bảo quản vắc xin theo những quy định tương đối ngặt nghèo song các loại vắc xin cũng có những giới hạn tự bảo vệ của nó. Trong thời gian ngắn, nếu nhiệt độ trong tủ lạnh bảo quản bị mất điện đột ngột hoặc nhiệt độ lên cao đột ngột thì chất lượng vắc xin vẫn có thể duy trì đảm bảo.
Hiện mẫu vắc xin, mẫu bệnh phẩm (máu, mô phổi, não, gan, thận, tim) của 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị đã được gửi đến các phòng thí nghiệm quốc gia để xét nghiệm, tìm nguyên nhân tử vong. Các mẫu bệnh phẩm này đều do bên công an thực hiện họ cũng đang giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan, sẽ gửi về Cục khoa học hình sự (Bộ công an) giúp làm rõ.
Về nguyên nhân khiến 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B, Giáo sư Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương cho biết: “Sốc phản vệ không rõ nguyên nhân” chỉ là kết luận ban đầu. Theo ông, sau khoảng 1 tháng nữa thì có thể sẽ có kết quả cuối cùng về vụ việc này
Công thức xử lý khủng hoảng sau khi tiêm vắc xin của Bộ Y tế trong trường hợp này cũng giống như xử lý tai biến do tiêm Quinvaxem thời gian trước. Còn nhớ, Bộ Y tế cũng thành lập nhiều hội đồng khoa học đánh giá nguyên nhân gây tử vong. Cùng với đó cũng tiến hành các bước tương tự như triển khai gửi các mẫu bệnh phẩm đến các Cục khoa học hình sự Bộ Công an nhờ giúp đỡ. Còn vắc xin để khách quan cũng được gửi đến một phòng kiểm nghiệm độc lập ở nước ngoài để đảm bảo không có sai xót hay bao che vắc xin kém an toàn.
Sau một thời gian trông ngóng kết quả kiểm nghiệm của WHO cũng như đi tìm nguyên nhân thực sự gây nên tử vong cho trẻ, Bộ Y tế lại đưa ra báo cáo WHO cho rằng vắc xin an toàn nên nguyên nhân gây tử vong không phải tại vắc xin mà tại đứa trẻ không hợp thuốc. Chính vì vậy, bộ lại khuyến khích dùng tiếp giống như vắc-xin Quinvaxem.
Tuy nhiên, dư luận vẫn không hết hoài nghi tính an toàn của vắc xin vì mọi kết luận vắc xin gửi đi đều an toàn. Trẻ trước khi tiêm đều khỏe mạnh, bú khỏe nhưng tai biến vẫn xảy ra. Vì vậy, đâu mới là nguyên nhân thực sự gây nên các ca tử vong của trẻ khi tiêm vắc xin. Câu hỏi này, ngành y vẫn còn nợ người dân.
- Ngọc Khánh