Từ vụ tù oan: Còn bao nhiêu con thỏ tuyên là gấu?

( PHUNUTODAY ) - Liên quan tới vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt vấn đề như vậy trong phần chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình sáng nay (21/11).

Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, trường hợp để xảy ra oan sai, nhất là với những người chịu mức án cao nhất là không thể chấp nhận được nhưng việc xác định có oan hay không phải trên những quy định chặt chẽ, dư luận chỉ là dư luận.

Vừa bắt đầu phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân tối cao, các đại biểu quốc hội đã dồn dập gửi tới trưởng ngành các câu hỏi liên quan đến vụ án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động dư luận thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, tỉnh Lâm đồng nêu vấn đề: Hàng năm vẫn còn hàng chục ngàn đơn xin tái thẩm, giám đốc thẩm cho thấy niềm tin của nhân dân chưa cao, đặc biệt là vụ án Nguyễn Thanh Chấn gây bất bình dư luận trong thời gian qua. Vậy Chánh án cho biết trách nhiệm của tòa án trong vụ việc này, trách nhiệm minh oan, xin lỗi thế nào. Liệu rằng, còn bao nhiêu con thỏ tuyên là con gấu?

Mô tả ảnh.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trong phiên chất vấn sáng nay.

Chung mối quan tâm, ĐB Lê Thị Nga, tỉnh Thái Nguyên cũng truy trách nhiệm của Toà án nhân dân tối cao và các bộ ngành liên quan trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Bà Nga cũng “hiến kế” giải pháp để chống tiêu cực ép cung: một là lắp camera trong các cuộc hỏi cung hoặc giao việc hỏi cung cho các ngành khác để tránh lạm quyền…

Bà Nga cũng kiến nghị Bộ Công an nên trực tiếp điều tra lại vụ án Nguyễn Thanh Chấn thay vì giao cho công an Bắc Giang, khi điều tra vụ án không suy luận theo hướng “nếu Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ thì ông Chấn là hung thủ”.

"Đề nghị không để Công an tỉnh Bắc Giang điều tra lại vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn nữa mà để cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra. Thứ hai là đề nghị không suy luận theo hướng bất lợi cho bị can rằng nếu Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ thì ông Chấn là hung thủ. Thứ ba là khẩn trương điều tra thông tin về việc ép cung. Thứ tư là đề nghị chỉ đạo rà soát tất cả những vụ kêu oan đối với những bị án bị tử hình", bà Nga đề nghị thêm.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đồng Nai cũng nêu vấn đề bồi thường án oan. "Mức bồi thường chưa đáp ứng được cho những người chịu thiệt thòi án oan họ phải chịu. Nhân dân đặt vấn đề, cái sai đó là của người tham gia vụ án lại nhưng lại đè nặng lên ngân quỹ quốc gia. Vậy Chánh án cho biết, làm thế nào tòa án góp phần giảm án oan, giảm chi phí từ ngân sách của người dân".

Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, trường hợp để xảy ra oan sai, nhất là với những người chịu mức án cao nhất là không thể chấp nhận được nhưng việc xác định có oan hay không phải trên những quy định chặt chẽ, dư luận chỉ là dư luận.

“Vụ án có oan hay không phải được xem xét kịp thời thấu đáo nhưng phải theo quy định pháp luật. Nếu đúng là để xảy ra oan sai, người liên quan trực tiếp, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiêm. Việc ép cung nhục hình nếu có là điều không chấp nhận được nhưng nếu có phải được chứng minh”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an đang cho kiểm điểm lại vụ việc này. Trong quá trình điều tra có sự tham gia của viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Về trách nhiệm của tòa án nhân dân tối cao trong các án oan nói chung và vụ Nguyễn Thanh Chấn nói riêng, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Đối với tòa án, các hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ, tòa án thụ lý theo đúng quy định pháp luật. Nếu hồ sơ vụ án khép kín, tòa án giải quyết theo hồ sơ. Việc hội đồng xét xử phát hiện ra ép cung hay không là rất khó. Nếu bị can có yêu cầu thì mới phát hiện được.

“Tuy nhiên với trách nhiêm hội đồng xét xử dù không phát hiện ra ép cung nhưng để xảy ra oan sai, cũng có trách nhiệm liên đới. Trong trường hợp Nguyễn Thanh Chấn, có ép cung hay không còn phải chứng minh một cách chặt chẽ, chính xác, khách quan. Nếu như cán bộ nào vi phạm đều phải xử lý tùy theo mức độ. Nếu có dấu hiệu xâm phạm hội đồng tư pháp phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không phải như thế thì chúng ta không nên kết luận một cách vội vàng vì nếu không khéo sẽ làm nhụt ý chí của những người làm nhiệm vụ chống tội phạm rất cực khổ”, ông Bình nhận một phần trách nhiệm liên đới của tòa án trong việc để lọt trường hợp án oan, ép cung, nhục hình.

Theo: