100% bún sạch trong bão thực phẩm bẩn
Chất độc trong bún khiến người dân lo lắng. Ảnh minh họa |
Tại TP.HCM, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã phát hiện 6 mẫu sản phẩm gồm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 3 cơ sở sản xuất có chứa Tinopal, acid Oxalic là hoá chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế và Natri sulfite là chất có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng vượt mức cho phép.
Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, phát hiện 01 cơ sở có hóa chất mầu huỳnh quang, và trong 01 mẫu bún có Tinopal.
Tại Đồng Tháp, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp vừa công bố kết quả thanh tra ATTP đối với sản phẩm bún và các sản phẩm chế biến từ tinh bột. Kết quả chỉ có một mẫu bún ướt không chứa Tinopal.
Tại Đắk Lắk, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk lấy ngẫu nhiên 7 mẫu bún, bánh phở ở các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và kiểm tra các chỉ tiêu Tinopal, acid oxalic, Foocmol và Natri Benzoat. Kết quả chỉ có 1 mẫu dương tính với Natri Benzoat nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Trong khi hầu hết các địa phương kiểm tra mẫu bún thì ít nhiều đều phát hiện các mẫu bún có chứa chất huỳnh quang thì Đà Nẵng lại thông báo 100 % mẫu bún, bánh ướt ở tỉnh này không chứa chất huỳnh quang như các địa phương khác.
Trước báo cáo của Đà Nẵng, người dân vui thì ít mà buồn thì nhiều bởi thực tế không có điều gì là đạt chuẩn. Trước cơn bão thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay thì việc đưa ra báo cáo trên khiến người dân nghi ngờ con số bị làm đẹp. Nhiều người không tin vào kết quả, "sạch một cách đáng ngờ".
Vấn nạn thực phẩm bẩn ngày càng gây hoang mang cho dư luận, UBND TP HCM đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận phương pháp phân tích định tính bằng kit thử nhanh để kiểm tra, đánh giá và xử lý khi thực phẩm tươi sống có kết quả dương tính với hóa chất, chất cấm.
Trong một diễn biến khác, chiều 13/8, trao đổi với Tiền Phong, liên quan việc Trung Quốc phát hiện có chất cấm tạo nạc (như chất Clenbuterol) trong thuốc thú y, bà Nguyễn Thu Thủy- Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hằng năm Việt Nam có nhập các loại thuốc thú y trong danh mục từ Trung Quốc.
Theo bà Thủy, năm vừa rồi, Cục Thú y cũng rà soát hàng loạt các sản phẩm thuốc thú y nhập về, xem có chất cấm thuộc nhóm beta agonist (trong đó có Clenbuterol) hay không. Từ đó, cơ quan này phát hiện một mẫu dương tính với chất cấm nói trên. Bà Thủy cho hay, việc kiểm tra, kiểm soát thuốc thú y, vaccine cần tập trung vào một số sản phẩm nhất định vì kinh phí rất tốn kém.
Sữa giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn nhiễm khuẩn
Ngày 11/8, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) cho biết: “Khoảng 97% thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q loại hộp 400g và 900g có yêu cầu thu hồi đã được thu hồi; 95% sữa Dumex Gold Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi loại 800g do Cty Danone Dumex (Malaysia) sản xuất cũng đã được thu hồi.
Như vậy việc thu hồi các lô sản phẩm nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum do sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate do Cty Fonterra, New Zealand, của Cty Danone Dumex Việt Nam và văn phòng đại diện Abbott đã coi như hoàn tất. Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng vẫn còn rất nhiều hoang mang lo lắng.
Câu chuyện giá sữa vẫn khiến người dân đau đầu. Giá sữa ở Việt Nam liên tục tăng giá. Điều đáng nói, giá nguyên liệu đầu vào không tăng nhưng giá lại tăng nhanh chóng. Cục quản lý giá cho biết từ đầu năm 2013 tới nay giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng, vẫn giữ ở mức 90.000 đồng/kg sữa nguyên liệu nguyên kem nhập khẩu và trên 80.000 đồng/kg sữa tách béo, thậm chí giá nguyên liệu sữa tháng 6 trên thị trường thế giới giảm so với tháng 5 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2013, giá sữa tăng so với cuối năm 2012 từ 8%- 15%.
Một điều tra mới công bố trên báo chí ngay trước thời điểm xảy ra sự cố sữa nhiễm độc cho thấy, nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá bán cao gấp nhiều lần giá nhập. Có loại giá nhập khẩu chỉ hơn 100.000 đồng/hộp nhưng ra thị trường bị đẩy lên cao gấp sáu lần.
Thu hồi thuốc giảm cân gây trụy tim
Chính quyền Bắc Kinh vừa tịch thu một loạt sản phẩm giảm cân xuất xứ Thái Lan mang nhãn hiệu “YANHEE” vì có chứa chất sibutramine độc hại. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thuốc tăng cân tại Trung Quốc tăng chóng mặt. Hải quan tại Bắc Kinh tháng 5 vừa qua đã phát hiện ra các sản phẩm được gửi qua EMS từ nước ngoài. Các sản phẩm này được giấu bên trong đồ chơi và mỹ phẩm. Cơ quan hải quan sau đó đã tịch thu 490.000 viên thuốc giảm béo có giá trị bằng thu nhập trung bình mỗi tháng của 1.700 người.
Các thử nghiệm của Viện Quản lý Thuốc Bắc Kinh cho thấy, sản phẩm có chứa chất sibutramine. Chất này gây ức chế hệ thần kinh trung ương và gây tổn hại cho gan, tận, đã bị cấm bán, sản xuất và sử dụng tại Trung Quốc.