Tướng Nguyễn Việt Thành và buồng chuối xiêm cho Bùi Quốc Huy

07:39, Thứ tư 01/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Vụ án “Năm Cam và đồng bọn” kết thúc thắng lợi, tổ chức xã hội đen có quy mô lớn nhất, được tổ chức chu đáo nhất, hoạt động nguy hiểm nhất từ trước đến nay ở TP.HCM đã bị xóa xổ, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân.

[links()]
Thế nhưng, vụ án “Năm Cam và đồng bọn” cũng chứng kiến sự mất mát, nỗi đau của xã hội khi không ít những cán bộ, những người từng có công lớn trong trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống yên lành cho nhân dân, giờ lại hoặc cố ý hoặc vô tình tiếp tay cho Năm Cam gây tội ác.

Là một người luôn trân trọng, thủy chung tình đồng đội, đồng chí, tình bạn bè, ông Tư Bốn đã rất đau lòng khi biết rằng có những đồng đội, đồng chí, bạn bè của ông dính vào vụ Năm Cam. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, ông đã không để tình cảm riêng chi phối công việc, mọi việc đã được xử lý theo đúng pháp luật, những hành vi sai trái đã bị xử phạt.

 Thế nhưng, “chuyện nào ra chuyện đó”, những sai trái của anh em thì anh em phải chịu trách nhiệm, còn với tư cách là bạn bè của nhau, ông Tư Bốn luôn quan tâm, trân trọng họ. Trường hợp ông gửi buồng chuối xiêm vào trại giam biếu anh Năm Huy (Bùi Quốc Huy) là một thí dụ điển hình.


Như trong bài trước đã trình bày, khi từ Tiền Giang về TP.HCM nhận nhiệm vụ mới là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phụ trách phía Nam, thiếu tướng Nguyễn Việt Thành đã quan tâm ngay đến dư luận về một băng nhóm xã hội đen do một người tên là Năm Cam cầm đầu. Quy mô, tính chất, mức độ nguy hiểm của băng nhóm tội phạm này ngày càng được thu thập đầy đủ trong cặp hồ sơ của ông Tư Bốn.

Trong quá trình thu thập thông tin về băng nhóm Năm Cam, ông Tư Bốn đã phát hiện những dấu hiệu bất thường có liên quan tới những cán bộ nhà nước, trong đó có những bạn bè, đồng nghiệp của ông. Những cộng sự của ông báo lại rằng, trong một bữa tiệc lớn được tổ chức, tất cả những người có mặt, trong đó có cả những cán bộ, đã đứng dậy chào đón trọng thị khi Năm Cam xuất hiện.

Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, ông Tư Bốn nhận ra ngay băng nhóm tội phạm này có liên quan tới những cán bộ Nhà nước. Là người từng công tác lâu năm trong ngành công an, ông Tư Bốn hiểu rất rõ một điều: tệ nạn và tội phạm xã hội khó mà lộng hành nếu không có sự dung dưỡng, bao che, tiếp tay của những cán bộ có trách nhiệm thuộc các cơ quan chức năng được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội.
d
Ông Tư Bốn bên buồng chuối trong vườn nhà.

Khi còn lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, ông đã đặc biệt quan tâm, để ý đến nguy cơ này, mỗi khi nơi này hay nơi khác có dấu hiệu xuất hiện tệ nạn xã hội hay tội phạm có tổ chức, ông đã chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh lại đội ngũ thực thi nhiệm vụ ở nơi ấy, tức thì tình hình chuyển biến theo hướng tích cực, trước khi phải dùng đến các biện pháp nghiệp vụ trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội.

Tiếp tục theo dõi hoạt động của Nam Cam và đồng bọn, ông Tư Bốn phát hiện sự giao du, quan hệ bất thường giữa người cầm đầu băng nhóm xã hội đen với những cán bộ cấp phòng của Công an TP.HCM như Dương Minh Ngọc (trưởng phòng Cảnh sát Hình sự), Nguyễn Mạnh Trung (phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra)…Cùng là Anh hùng trong ngành công an, ông Tư Bốn thỉnh thoảng có gặp Dương Minh Ngọc trong các cuộc hội nghị ngành hoặc các cuộc làm việc giữa Công an tỉnh Tiền Giang và Công an TP.HCM.

Ông Tư Bốn từng rất thích sự mạnh mẽ, trẻ trung của người chiến sĩ công an Dương Minh Ngọc từng là khắc tinh của bọn tội phạm ở TP.HCM những năm sau ngày miền Nam giải phóng.

 Là người sinh ra trong một gia đình có truyền thống, vào ngành công an từ năm 1975 và công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, chỉ 7 năm sau Dương Minh Ngọc bằng những chiến công lẫy lừng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và được thưởng nhiều huân chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Bộ Công an.
Ông Tư Bốn lớn tuổi hơn Dương Minh Ngọc, được phong Anh hùng cũng trước 2 năm, vì vậy ông được xem là “đàn anh” của Dương Minh Ngọc, nhưng trong công việc ông luôn xem Ngọc là người đồng nghiệp có năng lực.

Tiền Giang và TP.HCM là 2 địa phương nằm gần nhau, bọn tội phạm thường hoạt động cùng lúc trên nhiều địa bàn, vì vậy mà có nhiều vụ án cần có sự phối hợp, hỗ trợ giữa Công an tỉnh Tiền Giang và Công an TP.HCM, vì vậy mà giám đốc công an tỉnh Tiền Giang Nguyễn Việt Thành và trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM Dương Minh Ngọc càng có điều kiện gặp gỡ, trao đổi nghiệp vụ. Vì vậy mà khi theo dõi hoạt động của Năm Cam, phát hiện Dương Minh Ngọc có quan hệ thân thiết với ông ta, thiếu tướng Nguyễn Việt Thành đã hết sức bất ngờ.

Là người rất cẩn trọng, ông Tư Bốn chưa vội đánh giá sai về người đồng đội, ông tiếp tục thu thập chứng cứ và đã thật sự ngỡ ngàng khi sự dính líu của Dương Minh Ngọc tới hoạt động của Nam Cam là quá rõ ràng, nhất là việc thường xuyên ăn nhậu chung và có phần hùn trong các cơ sở “làm ăn” của gia đình Năm Cam.

Tương tự như vậy là trường hợp của Nguyễn Mạnh Trung. Cũng do mối quan hệ của 2 địa phương Tiền Giang và TP.HCM trong đấu tranh phòng chống tội phạm mà ông Tư Bốn có quen biết với người cán bộ phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Do lớn tuổi hơn nên trong vai vế là “đàn anh”, nhưng ông Tư Bốn cũng rất quý trọng người cán bộ trẻ Nguyễn Mạnh Trung đã có thành tích phá nhiều vụ án phức tạp ở TP.HCM cũng như phối hợp với Công an tỉnh tiền Giang ngăn chặn nhiều vụ tội phạm.

 Vì vậy mà ông Tư Bốn cũng hết sức cẩn trọng trước những dấu hiệu bất thường trong quan hệ giữa Nguyễn Mạnh Trung với băng nhóm của Năm Cam. Nhưng việc gì đến rồi cũng đến, không gì có thể che giấu tai mắt của nhân dân, chính nhân dân đã cung cấp thông tin giúp ông Tư Bốn và ban chuyên án tìm ra sự thật, mặc dù sự thật ấy rất đau lòng – nhiều cán bộ cốt cán đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho Năm Cam.

Anh Năm Huy…

Nỗi khổ tâm lớn nhất của ông Tư Bốn khi thực hiện chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” là sự dính líu của nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao, nhất là sự “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của Trung tướng Bùi Quốc Huy (Năm Huy) – thứ trưởng Bộ Công an.

Do đều là Anh hùng Lực lượng vũ trang, từng cùng là giám đốc công an tỉnh ở miền Tây (ông Năm Huy từng là giám đốc Công an tỉnh An Giang), nên ông Năm Huy và ông Tư Bốn khá thân thiết với nhau từ thập niên 1980. Ông Năm Huy (sinh năm 1945) lớn hơn ông Tư Bốn 2 tuổi, đi kháng chiến (năm 1960) cũng trước ông Tư Bốn 1 năm, nên trong quan hệ công việc họ là đồng nghiệp, nhưng trong đời thường thì ông Tư Bốn luôn xem Năm Huy là anh.

Sau này ông Năm Huy về làm giám đốc Công an TP.HCM, rồi được thăng hàm Trung tướng, về làm thứ trưởng Bộ Công an, ông Tư Bốn càng xem ông Năm Huy là người anh đáng kính. Vì vậy mà khi buộc phải triệu tập ông Năm Huy từ Hà Nội vào để làm rõ một số vấn đề liên quan đến chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, ông Tư Bốn đã rất khổ tâm. Ông đã thức cả đêm để đọc đi đọc lại hồ sơ liên quan đến ông Năm Huy và mong cho “anh Năm” không dính líu gì đến bọn tội phạm này.

Bùi Quốc Huy sinh ra tại xã Bình An Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1960 ông tham gia cách mạng tại thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang, tham gia công tác đoàn trong phong trào sinh viên học sinh. Năm 1963 ông công tác trong Đội An ninh mật của thị xã Long Xuyên.

Từ năm 1968 đến 1972 là chánh văn phòng thị xã Long Xuyên,  kiêm trưởng ban An ninh. Từ năm 1972 đến tháng 4.1975 ông là trưởng ban An ninh thị xã, chính trị viên Thị đội, phó bí thư thị xã Long Xuyên.

Năm 1985 ông được giao chức phó giám đốc Công an tỉnh An Giang, đến năm 1987 ông được đề bạt làm giám đốc. Năm 1990 ông được rút về Bộ Công an làm phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Năm 1996 ông được giao nhiệm vụ giám đốc Công an TP.HCM cho tới tháng 7.2001, khi ông được phong Trung tướng, được rút về Bộ Công an làm Thứ trưởng phụ trách công tác xây dựng lực lượng.

Năm 1995, Hồ Viết Sử, một người quen khi còn ở An Giang, sau này là cộng sự của Năm Cam, đã được ông Năm Huy tiếp ở Hà Nội. Có lẽ ông Năm Huy còn mãi ân hận về lần tiếp xúc đó, vì nó bắt đầu cho mối quen biết “chết người”, để rồi sau đó khi ông về nhận nhiệm vụ giám đốc Công an TP.HCM, băng nhóm Năm Cam như “dựa hơi” đã tự tung tự tác hơn bao giờ hết, gây phẩn nộ trong cán bộ, quần chúng nhân dân.
f
Ông Tư Bốn thường xuyên điện thoại thăm hỏi bạn bè.

Tuy biết Trương Văn Cam là đối tượng hình sự nguy hiểm, có nhiều hoạt động băng nhóm theo kiểu xã hội đen, hoạt động phạm tội nghiêm trọng, công khai, kéo dài trong các năm 1998, 1999, 2000 và 2001 nhưng Bùi Quốc Huy với vai trò giám đốc Công an TP.HCM đã không có biện pháp đấu tranh hiệu quả, để tội phạm có tổ chức xảy ra trong một thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Khi Công an TP.HCM mở chuyên án đấu tranh với bọn tội phạm hoạt động cờ bạc và cá độ bóng đá, phát hiện có bàn tay của Trương Văn Cam và các tên đàn em nguy hiểm khác, Bùi Quốc Huy đã không chủ động đề ra các biện pháp tấn công triệt phá mà chỉ báo cáo xin ý kiến của Bộ Công an.

Sau đó thụ động chờ đợi, để băng nhóm tội phạm của Trương Văn Cam có thời gian hoạt động kéo dài đến hết năm 2001 mới được Bộ công an tấn công, triệt phá. Trong thời gian Bùi Quốc Huy làm giám đốc Công an TP.HCM đã để xảy ra tình trạng nhiều cán bộ bị tổ chức tội phạm của Trương Văn Cam mua chuộc, lôi kéo làm tha hóa biến chất, thậm chí tiếp tay hoặc bao che tội phạm.

Trong chuyên án Z5-01 có trên 50 cán bộ chiến sĩ phải xử lý kỷ luật, nhiều người bị tước quân tịch, có 13 người phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Với những vi phạm nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kết luận ông Bùi Quốc Huy phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Bùi Quốc Huy đã lần lượt bị kỷ luật Đảng (cách chức ủy viên BCHTƯ), bị cách chức Thứ trưởng Bộ Công an, bị giáng cấp từ Trung tướng xuống Thiếu tướng, sau đó bị tước danh hiệu Công an nhân dân, mất quân hàm Thiếu tướng.

Ngày 05 tháng 6 năm 2003, Tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên xử vụ án “Năm Cam và đồng bọn”, theo đó Bùi Quốc Huy bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngày 30 tháng 10 năm 2003, Toà phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án Bùi Quốc Huy 4 năm tù giam về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tại toà, ông Năm Huy đã xin lỗi người dân TP.HCM, các đồng nghiệp vì đã thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng xã hội đen kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.

Gửi chuối cho anh Năm Huy

Vụ án “Năm Cam và đồng bọn” với 155 đối tượng bị khởi tố, trong đó có 19 người là cán bộ, công chức nhà nước (có những cán bộ cao cấp như Phạm Sĩ Chiến, Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy). Sau phiên tòa kéo dài 101 ngày, chuyên án hình sự lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam đã kết thúc bằng bản án nghiêm khắc ngày 5.6.2003 của TAND TP HCM tuyên cho 155 bị cáo.

Sau khi kết thúc phiên toà, tướng Nguyễn Việt Thành tâm sự: "Lúc 17h ngày 5.6 là thời khắc phấn khởi trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Nhưng tôi không nuôi giấc mơ về một xã hội đã hết những tên tội phạm nguy hiểm. Do đó, chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở các chuyên án mới để ngăn chặn và triệt phá những hoạt động vi phạm pháp luật, đặc biệt là các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen".

Chỉ trong thời gian không dài được giao nhiệm vụ phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, phụ trách khu vực phía Nam, ông đã cùng các cộng sự phá nhiều vụ án lớn như: Tội phạm dùng gậy sắt đập đầu những người đi xe máy để cướp tài sản; vụ án Dũng "Chim Xanh", Hoàng "Lựu Đạn"; các vụ án kinh tế lớn như vụ Trần Văn Giao lừa đảo đất đai; vụ tham nhũng lớn ở Cà Mau liên quan tới nhiều quan chức đầu tỉnh, vụ buôn lậu Mai Văn Huy, vụ trốn thuế Đông Nam; các vụ án ma túy lớn như Phùng Đức Thịnh, Ngô Đức Minh, triệt phá các tụ điểm ma túy ở phường Cầu Kho, phường Phạm Ngũ Lão TP HCM…Và cao trào nhất, kịch tính nhất là vụ triệt phá băng trùm xã hội đen Năm Cam.

Sau khi chuyên án “Năm Cam và đồng bọn kết thúc”, trước khi bắt tay vào triệt phá các hoạt động tội phạm khác, ông Nguyễn Việt thành đã đi thăm, cảm ơn những địa phương, cơ quan, cá nhân đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp ông và ban chuyên án hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Ông cũng đi thăm những nạn nhân, gia đình nạn nhân bị băng nhóm Nam Cam gây hại. Cuối cùng ông đến trại giam thăm ông Năm Huy và những người bạn của ông vì những phút thiếu trách nhiệm, sa ngã mà bị xử tù trong vụ án này. Ông quan niệm, dù ông Năm Huy có sai với Đảng, với dân, thì ông vẫn là bạn, thậm chí là đàn anh của ông. Còn Dương Minh Ngọc và Nguyễn Mạnh Trung, sai lầm đã quá rõ ràng, nhưng ông Tư Bốn luôn xem họ là bạn.

Ông Tư Bốn nói: “Tình cảm của tôi đối với anh em cán bộ bị đưa ra xét xử trong vụ án “Năm Cam và đồng bọn” thì là tình đồng chí, tình bạn rất xót xa. Nhất là đối với anh Năm Huy, là người anh; còn Dương Minh Ngọc, Nguyễn Mạnh Trung đều là bạn. Nhưng hành vi của các anh ấy thì không thể chấp nhận được, vì các anh đã đi ngược lại mong muốn của Bác Hồ, của cấp trên nên phải xử lý”.

Trong thời gian gần 2 năm ông Năm Huy thi hành án trong trại giam, đích thân ông Tư Bốn đã nhiều lần đến trại giam thăm người anh, người bạn cũ. Ông Tư Bốn đến thăm rất tự nhiên, bằng tình cảm chân thành của người bạn, ông quan tâm đến điều kiện sinh hoạt, sức khoẻ, việc ăn ngủ của ông Năm Huy. Ông Năm Huy không không hề định kiến hay khó chịu vì ông Tư Bốn chính là người quan trọng đưa vụ án Năm Cam ra ánh sáng, từ đó mà cuộc đời ông Năm Huy đột ngột rẽ hướng như thế.

Họ nói chuyện với nhau bình thường, kể cho nhau nghe về những kỷ niệm gian khổ thời kháng chiến, hỏi thăm về những người bạn gần xa, trao đổi kinh nghiệm về cách thức giữ gìn sức khoẻ dành cho người lớn tuổi…Một lần, khi bàn về chuyện ăn uống ở tuổi già, ông Tư Bốn chợt nhớ thời còn ở An Giang ông Năm Huy rất thích ăn chuối xiêm, bữa cơm nào ông cũng tráng miệng vài trái chuối xiêm, nếu không có chuối xiêm thì bữa ăn của ông mất ngon đi rất nhiều. Mà chuối xiêm muốn ngon, phải trồng ở miệt Chợ Mới – An Giang hoặc ở ở các cồn đất tốt giữa sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Ông Tư Bốn bỗng thấy cảm thương thật nhiều khi ông Năm Huy cho biết từ ngày vào trại giam ông không có điều kiện ăn chuối xiêm sau mỗi bữa cơm. Ngay ngày hôm sau, ông Tư Bốn đã tìm mua cho bằng được nguyên buồng chuối xiêm thật ngon có nguồn gốc từ Đồng Tháp để mang đến trại giam biếu ông Năm Huy.

Những ngày sau đó, bữa cơm nào của ông Năm Huy cũng có vài ba trái chuối ngon, nhờ vậy mà ông Năm Huy ăn uống ngon miệng hơn, sức khoẻ và tinh thần của ông trở nên khá hơn. Sau đó, cứ có dịp vào thăm người bạn Năm Huy là ông Tư Bốn đều mang theo chuối xiêm biếu bạn.

Lấy nhân nghĩa cảm hóa lỗi lầm

Khi chuẩn bị bắt Dương Minh Ngọc, ông Tư Bốn đã gặp và trò chuyện thân mật với vợ chồng anh. Ông Tư Bốn quan niệm, hành vi sai trái của anh Ngọc thì buộc phải xử lý, còn lại Duơng Minh Ngọc vẫn là bạn ông. Ông Tư Bốn cũng dành tình cảm, sự kính trong đối với gia đình, mẹ và vợ con của Dương Minh Ngọc.

Trước tình cảm của ông Tư Bốn, bà Phan Thị An, là đảng viên lão thành, mẹ của Dương Minh Ngọc, đã viết thư gửi ông: "Thật cay đắng và tủi nhục...! Trong những ngày qua, tôi đã bi quan cực độ, muốn chết phứt cho rồi. Nhớ đến con vừa căm giận vừa thương xót núm ruột của mình.

Tôi phải phấn đấu nhiều với sức khỏe, bệnh tình để kéo dài tuổi thọ, mong ngày gặp mặt con...Tuy căm giận và tủi nhục, cay đắng đến tan nát tim gan, nhưng tình mẫu tử, hình dung cảnh con mình đền tội mà tôi ruột thắt gan bào. Tôi xin lãnh một phần trách nhiệm vì thiếu giáo dục con đến nơi đến chốn, tôi xin nghiêng mình tạ lỗi...".

Ông Tư Bốn đã viết thư trả lời bà Phan Thị An với những lời cảm động như sau: "...Anh Ngọc từng là đồng chí, đồng đội của cán bộ chiến sĩ Tổng cục Cảnh sát và Công an TP.HCM, chúng tôi rất hiểu và cảm thông sâu sắc tâm trạng của bác lúc này, cũng như của vợ anh, chị Ngọc.

Việc khoan hồng, giảm nhẹ tội cho anh Dương Minh Ngọc - người đã có nhiều thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm trước đây - sẽ được xem xét khi Dương Minh Ngọc ăn năn, thành khẩn khai báo tội lỗi của mình và tố cáo bọn tội phạm, giúp sức cho cơ quan điều tra...Xin chia sẻ sự mất mát của bác và gia đình.

Mong bác cố gắng giữ gìn sức khỏe, giúp sức chăm lo gia đình anh Ngọc. Ban chuyên án, đồng chí, đồng đội sẽ không bao giờ bỏ rơi bất kỳ ai (không riêng gì anh Ngọc) khi đã thấy được lỗi lầm, khai báo thành khẩn và lập công chuộc tội. Xin cảm ơn bác đã gửi đơn đến Công an TP.HCM và Ban chuyên án".

Sau đó, người mẹ đã gửi thư cho con đang bị tạm giam: “Ngày 23.3.2002, má đã viết cho con một bức thư (sau khi con bị đình chỉ công tác, kiểm điểm trách nhiệm) để nhắc nhở con “có sai phạm thế nào, phải thành khẩn khai báo với tổ chức”. Gặp con hoặc qua điện thoại, con đều an ủi má: “Không có gì, má yên tâm”.

Nhưng đột ngột, ngày 16.5.2002, báo đài đưa tin con bị khởi tố bắt giam, má và các anh chị của con hiểu ngay: như vậy việc kiểm điểm của con chưa tốt, chưa thành khẩn khai báo tội lỗi của mình và tố cáo bọn tội phạm, giúp sức cho cơ quan điều tra... Má bị sửng sốt bàng hoàng và suy sụp; cháu Phượng kêu lên với cô Sáu trong điện thoại: “Bây giờ con biết làm gì nữa, con đã sụp ngã rồi cô Sáu ơi”.

Cháu Ti không bộc lộ nội tâm nhưng không ít lần đã chảy thầm nước mắt khi nằm yên lặng bên bà ngoại. Vợ con gầy ốm và lẳng lặng hơn với đôi mắt thâm sâu của nhiều đêm ít ngủ. Cây điệp vàng trồng bên mộ ba ở nghĩa trang thành phố bỗng nhiên khô cành chết héo khi cả nhà lên thanh minh tảo mộ cho ba.
Thật là trùng hợp đắng cay, đoàn người trong gia đình không ai cầm được nước mắt...! Trong những ngày qua, má đã viết đơn gửi thiếu tướng Nguyễn Việt Thành và đại tá Nguyễn Chí Dũng (giám đốc Công an thành phố).

Thiếu tướng đã thay mặt gửi thư trả lời một cách chân tình như những đồng chí, đồng đội trước đây của con (dù con đã bị loại ngũ ngành công an). Điều này đã an ủi má…Hôm nay má mạo muội xin phép thiếu tướng viết thư này cho con với mong muốn giúp con hiểu được tấm lòng của má và gia đình luôn luôn thương nhớ đến con, rất mong con sáng suốt vượt qua cơn hoạn nạn này mà ăn năn thành khẩn khai báo tội lỗi của mình và dũng cảm tố cáo bọn tội phạm, giúp sức cho cơ quan điều tra, lập công chuộc tội... Đó là điều mong muốn duy nhất của má và gia đình đối với con.

Con hãy vì má và gia đình có truyền thống hơn 60 năm trời đối với nước non, vì vợ và hai con của con mà sáng suốt hành động theo chiều hướng này. Má tin tưởng ở con thật nhiều. Hãy dũng cảm thành khẩn khai báo như con đã dũng cảm săn bắt cướp trong những năm trước đây. Má mong sớm gặp mặt con”. Sau đó, như chúng ta đã biết, Dương Minh Ngọc đã trở nên thành khẩn hơn, giúp công tác điều tra được thuận lợi.

Ông Tư Bốn đã kể chuyện phá án năm xưa với giọng nhỏ nhẹ, hiền từ, không biểu hiện gì khó chịu, định kiến. Đối với ông, hành vi sai trái cần phải được xử lý, sửa chữa, khi người làm sai đã sửa chữa tốt, cần tạo điều kiện cho họ làm điều tốt, trở thành người tốt.

Không gian xanh, đầy cây trái xung quanh nhà ông như làm cho tính cách nhân hậu của ông bộc lộ nhiều hơn. Chúng tôi đi cùng với ông ra vườn, nhìn ông nâng niu từng chồi non, trái nhỏ. Nhìn ông chăm sóc buồng chuối, tôi chợt liên tưởng đến những lần ông vào trại giam thăm ông Năm Huy. Nếu có điều kiện, hẳn ông cũng sẽ gửi buồng chuối tự tay ông trồng biếu ông Năm Huy.

Kỳ tới: Gia đình ông Tư Bốn đã đề phòng trả thù như thế nào?

Song Kỳ
[links()]
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc