Tuyên chiến với cái tầm thường qua "Cuộc săn cừu hoang"

08:17, Thứ sáu 29/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Xuyên qua lớp vải liệm đời sống tầm thường ấy là nỗi đau khổ khi nhận thức được “có một cái gì đó rất không ổn, nhưng không thoát ra được”.

(Phunutoday)-Xuyên qua lớp vải liệm đời sống tầm thường ấy là nỗi đau khổ khi nhận thức được “có một cái gì đó rất không ổn, nhưng không thoát ra được”. Các nhân vật chính trong Cuộc săn cừu hoang đã sống và dám trả giá cao cho sự sống, tia hy vọng mong manh cuối cùng nằm ở đó.

 

Thế giới như là tôi nhìn thấy

Nhà văn Murakami
Nhà văn Haruki Murakami

Sau khi cuốn tiểu thuyết Rừng Na uy được dịch và phát hành ở Việt Nam, tên tuổi của Haruki Murakami trở nên quá quen thuộc, chỉ tiếc rằng, người ta đọc Rừng Na Uy, thích thú với nó và gán luôn tên tuổi Haruki Murakami  với yếu tố sex của giới trẻ nổi loạn. Hầu như không có ai lên tiếng về sự đổ vỡ lòng tin vào các giá trị truyền thống mà ở đây ông đề cập thẳng là của thế hệ trước những năm 1960-nghĩa là rất gần chúng ta, cũng như nỗ lực của giới trẻ cố tìm kiếm ý nghĩa thực sự của cuộc sống mà chúng đang phải trải nghiệm.

Đau khổ, bế tắc nhưng những nhân vật trẻ tuổi trong Rừng Na Uy đã khởi cuộc tìm kiếm và đã trả giá cao để đến gần sự thật hơn, chúng không khẳng định hay áp đặt quan niệm sống của chúng lên bất cứ ai, chúng chỉ nhìn thế giới vận động như là chúng thấy. Chỉ riêng điều này thôi cũng đã đưa tên tuổi của Haruki Murakami lên hàng tài năng văn chương của cả hai thế kỷ XX và XXI.

Với cuốn tiểu thuyết mới dịch ra tiếng Việt mang tên Cuộc săn cừu hoang do Nhà xuất bản Nhã Nam ấn hành, có lẽ nhận thức về vị thế của con người cá nhân trong một thế giới đương đại đầy rẫy sai lầm lại một lần nữa được đặt ra và câu hỏi đâu mới là niềm vui sống chính đáng của con người trở nên cấp thiết hơn bất cứ lúc nào. Ở đây, không có chuyện tôi hay ai đó phải sống theo cái gì mà chỉ đơn giản là tôi muốn sống như thế nào.

 Tuy nhiên, nhận ra tư tưởng của tác giả qua tác phẩm cũng khó như nhận ra một cuốn sách thú vị giữa một biển sách khổng lồ vô dụng, Murakami khuyến cáo chúng ta bằng một đoạn văn ngắn nơi cuối cuốn tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang, một thái độ loại bỏ dứt khoát những gì có thể đã từng đúng và có giá trị nào đó trong thời điểm của nó nhưng với con người hôm nay lại trở nên vô giá trị, một kinh nghiệm chọn lựa khốc liệt, không loại trừ chính tác phẩm của ông: “ Cả đống sách hoàn toàn vô dụng, có chăng là những đầu sách phải đọc của một nhà trí thức bốn mươi năm về trước. Cũng có cả sách xuất bản sau chiến tranh, có giá trị tương tự. Chỉ có những cuốn Những cuộc đời của Plutarch và Bi kịch Hy Lạp chọn lọc cùng vài cuốn tiểu thuyết là còn sống sót được qua sự bào mòn của năm tháng. Đây là một kinh nghiệm mới mẻ với tôi: Tôi chưa từng thấy một bộ sưu tập toàn những cuốn sách vô dụng mà lại khổng lồ đến thế…”.

Rất không ổn, nhưng không thoát ra được

Với khuyến cáo này của Haruki Murakami, chúng ta đọc Cuộc săn cừu hoang và ngay từ những trang đầu tiên đã đụng chạm tới những vấn đề nóng mà giới trẻ hôm nay đang phải đối mặt: Một cái chết của một cô gái trẻ nào đó mà trong trí nhớ của đám bạn trai cùng lứa mới xa nhau 9 năm đã không còn một hình ảnh nào rõ nét, có cố gợi lại thì cũng chỉ mang máng “con nhỏ ngày xưa sẵn sàng lên giường với bất cứ thằng nào”. 

Rồi một đoạn thoại ngắn xé toang mọi giá trị đạo đức già nua cũ kỹ, phơi bầy sự thật trần trụ về tình yêu nam nữ, nơi mà tiếng nói đạo đức thường lên tiếng biện hộ rằng trong tình yêu nam nữ, có sự hòa hợp làm một cả tinh thần lẫn thể xác, một sự hài hòa tuyệt diệu giữa người nam với người nữ…nhưng ở đây lại có một cái gì đó rất không ổn, rất cô đơn tội nghiệp mà những nhân vật trẻ măng đã cảm thấy một cách đau đớn, biết rõ mà không có cách gì thoát ra được: 

Anh không có lỗi gì cả. Em không nghĩ là anh mơ tưởng đến đứa con gái khác khi mình làm tình với nhau. Mà cho dù anh có mơ tưởng đến ai đó thì cũng có khác gì đâu? Chỉ là…”.

Với nhân vật cô gái có đôi tai nghe ra lời tiên tri cũng thế, không ai cần đến những dự cảm tinh tế qua đôi tai thính nhạy ấy và kể từ năm 20 tuổi, cô gái này đã bịt tai lại, chấp nhận cái thực tại tầm thường đến mức cô thấu hiểu rằng, kể cả những gã đàn ông đã ngủ với cô cũng “không biết em có tai hay không có tai nữa”.  Cái tai đẹp của cô được chụp ảnh làm mẫu quảng cáo trước thiện hạ chỉ là cái tai chết, chỉ là cái khuôn tai đẹp đẽ vô cảm, còn đôi tai nghe ra lời tiên tri, là cái rất riêng, đặc sắc, chỉ mình cô có; dấu hiệu xác định đó là cô chứ không phải là một ai khác thì không ai cần hoặc không cần thiết cho ai cả.

Thông qua lối kể của Haruki Murakami, cái dòng đời trôi chảy trong một trật tự được miễn cưỡng chấp nhận, điều này có nghĩa là với mỗi nhân vật trong tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang đã ngầm ẩn sức phản kháng thực tại, không hài lòng với thực tại, có thể bùng nổ, nổi loạn bất cứ lúc nào.

Giữ cho sự cân bằng đầy bất ổn này tồn tại một cách không xứng đáng là nguyên lý độc tài của nhân vật Ông chủ, một đế chế siêu hùng mạnh chi phối tất cả mọi phương diện của đời sống xã hội nhưng không bao giờ xuất hiện. Về điểm này, Murakami ưu ái dành hẳn một chương mang tên “Nơi vũ trụ của loài sâu” để nói cho rõ ý. Ở đó có một Mefixtote hiện đại dưới cái tên Thư ký Ông chủ được miêu tả sắc nét đến mức không thể hồ nghi: “cái nhìn chăm chăm ấy không mang bất kỳ một sắc thái tình cảm nào”, thậm chí, “nếu nhìn kỹ mắt ông ta, ta sẽ thấy chúng có màu kỳ lạ. Nâu đậm với một chút sắc xanh, chẳng những thế, màu của mắt trái còn khác màu mắt phải”.

Còn nhân vật chính của chúng ta, nhân vật xưng tôi trong tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang cũng đặc sắc không kém. Hãy nghe nhân vật này tự vẽ chân dung một con người thời đại của chúng ta: “Tôi chả có thứ gì đển mức phải cảm thấy bị đe dọa. Gần như là không có thứ gì cả. Tôi chia tay với vợ, tôi định bỏ việc vào ngày hôm nay, căn hộ tôi ở là căn hộ đi thuê và tôi không có đồ đạc gì đáng giá mà phải lo lắng. Còn về tài sản, tôi có lẽ có 2 triệu yên tiền tiết kiệm, một cái ô tô cũ và một con mèo già… Tóm lại, mượn lời của ông, tôi là một kẻ hoàn toàn tầm thường. Tôi có gì để mất đâu? Nếu ông có thể nghĩ ra tôi có cái gì thì nhớ cho tôi hay nhé?”.  

Những cuộc đối thoại giữa hai nhân vật này có bóng dáng những cuộc đối thoại giữa Mefisto và Faust. Những cuộc đối thoại như thế vang lên trên nền thực tại xoàng xĩnh, nơi những con người như nhân vật chính xưng tôi đang sống chen chúc như một bầy cừu. Gã Thư ký Ông chủ thản nhiên phủ quyết đầy dụ hoặc: “Điều này không hề có ý chỉ trích cậu chút nào, Hoặc nói đơn giản hơn, bởi vì thế giới này tầm thường đến mức cậu cũng tầm thường như thế… Thế giới thật tầm thường. Về chuyện đó thì không thể nhầm được.”.

Thật khó khăn khi phải bác bỏ tư tưởng này. Quỷ có thể lờ đi khi mặc cả với con người còn con người thì không có quyền quên nỗi đau khổ khi chính họ cảm nhận được “có cái gì đó không ổn, nhưng không thoát ra được”, đấy  là ý nghĩa chính diện nhất của sự tồn tại, cái mầm hạt nghi ngờ tốt lành ấy sẽ tách vỏ phá vỡ sự tầm thường không thể nhầm lẫn được mà họ đang phải chịu đựng.

Kết thúc Cuộc săn cừu hoang có làm ta nhớ lại tiếng kêu vang vọng trong thần thoại Hy Lạp: Thần Pan đã chết; có làm ta liên tưởng tới ý niệm tự do tuyệt đối khi Friedrich Wilhelm Nietzsche hân hoan thông báo rằng Thượng đế đã chết. Chỉ có một điểm khác biệt cần phải nhận ra: Haruki Murakami gần gũi, đồng cảm với Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky hơn, ông linh cảm về một sự hỗn loạn, bế tắc không lối thoát khi con người mất đức tin, muốn tin mà không biết tin vào cái gì và nếu không có Thượng đế hay Thượng đế đã chết thì mệnh đề tất yếu được suy ra đã thuộc về Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky “mọi việc đều được phép làm” và điều đó rất đáng sợ.

Như thể tôi có một nơi nào đó để đi

Ở trang cuối cùng, nhân vật chính của chúng ta đã khóc như chưa bao giờ biết khóc, tiếng khóc bật ra khi đối mặt với sự thật và cảm thấy từ nay sẽ càng cô độc hơn, thế giới này càng trở nên trống vắng hơn với vài tỉ người nhưng vẫn không tìm được sự đồng cảm về tinh thần nào:

Ngày đã gần tàn. Tôi có thể nghe thấy tiếng sóng khi cất bước.”

Rõ ràng Haruki Murakami đang đối thoại cùng những tư tưởng lớn và cái mà ông đặt lên bàn tranh luận chính là sự tầm thường tẻ nhạt, thiếu ý nghĩa của đời sống hiện nay, cái mà ông đã dùng để đặt tên cho cuốn tiểu thuyết trứ danh: Cuộc săn cừu hoang, đi săn và tiêu diệt cái tầm thường vô giá trị. Nhưng giống như tất cả các thiên tài khác, Haruki Murakami giỏi trong việc chỉ ra cái tầm thường vô giá trị bao nhiêu thì lại yếu ớt khi phải chỉ ra cái xứng đáng để thay thế bấy nhiêu.

Xuyên qua lớp vải liệm đời sống tầm thường ấy là nỗi đau khổ khi nhận thức được “có một cái gì đó rất không ổn, nhưng không thoát ra được”. Các nhân vật chính trong Cuộc săn cừu hoang đã sống và dám trả giá cao cho sự sống, tia hy vọng mong manh cuối cùng nằm ở đó. Chỉ có thể hy vọng, và hy vọng đó khó thành hiện thực đến nỗi phải dẫn câu nói của Friedrich Wilhelm Nietzsche: Giao chiến với cái tầm thường, đến thần thánh cũng phải đầu hàng! Như vậy, xét cho cùng thì tiểu thuyết Cuộc săn cừu hoang của Haruki Murakami có dấu hiệu bi kịch nhân sinh thực thụ, nó nằm trong số ít những cuốn sách cần phải đọc và suy ngẫm.

  • Quang Hải
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc