Tuyển sinh vào lớp 6 công lập: 100% các trường chọn phương án xét học bạ

19:00, Thứ ba 29/05/2018

( PHUNUTODAY ) - Phương án tuyển sinh năm học 2018 – 2019 của tất cả các trường THCS công lập ở Hà Nội kể cả các trường “đặc thù” đều là phương án xét học bạ.

Chiều 29/5, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đầu cấp của các trường mầm non, tiểu học, THCS của 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, khẳng định, năm học 2018-2019, tất cả các trường THCS công lập ở Hà Nội, kể cả các trường “đặc thù” trước đó được cho vào danh sách được tuyển sinh bằng phương thức kiểm tra đánh giá năng lực cũng đều chốt phương án xét tuyển bằng học bạ.

Như vậy, sau nhiều ngày hồi hộp chờ đợi, phụ huynh có con năm nay lên lớp 6 có nguyện vọng được ghi tên vào các trường có tiếng như: Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS Chu Văn An (Thanh Trì); THCS Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ); THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh); THCS Đô Thị Việt Hưng (Long Biên); THCS Trưng Vương (Mê Linh); THCS Sơn Tây…đều sẽ phải thực hiện theo phương thức nộp hồ sơ, học bạ kèm các tiêu chí phụ để xét tuyển. Phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào lớp 6 từ ngày 7/7 đến hết ngày 9/7 tới.

Các trường THCS công lập đã chốt phương án tuyển sinh là xét tuyển bằng học bạ

Các trường THCS công lập đã chốt phương án tuyển sinh là xét tuyển bằng học bạ

Ngày 31/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công bố công khai kế hoạch tuyển sinh năm học 2018 – 2019 của tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Kế hoạch tuyển sinh nêu rõ đối tượng, phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh vào từng trường.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết,  về tuyển sinh lớp 6, trước đó các trường được duyệt 2 phương án có thể xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đại, phương thức xét tuyển vào lớp 6 được thực hiện nhiều năm qua không có vấn đề gì khó khăn do vậy, năm nay các trường công lập tiếp tục sử dụng phương án xét tuyển học bạ để tuyển sinh lớp 6. Riêng các trường có lượng hồ sơ đăng ký đầu vào lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì có thể dùng các tiêu chí phụ như những năm trước để xét duyệt.

Điều đáng nói là, trước đây, khi có "lệnh cấm" tuyển sinh lớp 6 bằng phương án thi tuyển của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo nhiều trường THCS ở Hà Nội cho rằng: việc xét tuyển bằng học bạ cùng các tiêu chí phụ khiến trường gặp nhiều khó khăn, không tuyển được học sinh giỏi.

Do đó, tháng 4/2018, khi được “lệnh cởi trói” của Bộ GD&ĐT cho các trường đặc thù được tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển và thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực đã khiến nhiều trường thở phào nhẹ nhõm. Hơn nữa, các trường THCS ngoài công lập sau khi được cởi trói, đã hồ hởi thực hiện ngay phương thức tuyển sinh bằng kiểm tra đánh giá năng lực vì cho rằng phương án này tối ưu.

Phụ huynh các em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đứng ngồi không yên vì phương án tuyển sinh

Phụ huynh các em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi đứng ngồi không yên vì phương án tuyển sinh "xoay như chong chóng"

Tuy nhiên, trong chiều hôm nay, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, trong những năm qua, các trường tuyển sinh vào lớp 6 bằng xét tuyển không gặp khó khăn nên tiếp tục thực hiện. Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con vào lớp 6 năm nay vẫn cho rằng, dù sao phương án kiểm tra, thi cử kết quả thế nào cũng công bằng, khách quan hơn xét bằng học bạ và tiêu chí phụ đôi khi chỉ là giải bơi lội, văn nghệ, thể thao.

Xét tuyển học bạ là phương thức đã được các trường áp dụng từ nhiều năm nay. Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển nhiều hơn chỉ tiêu có thể áp dụng phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh.

Thời điểm này, phụ huynh và học sinh như "ngồi trên đống lửa" bởi Sở GDĐT chưa "chốt" phương án tuyển sinh cuối cùng của các trường. Trong khi đó, phụ huynh đã tốn tiền triệu cho con đi luyện thi đánh giá năng lực.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Tran Thi Lan Huong