Tuyệt chiêu của đấng nam nhi trong những ngày Tết

( PHUNUTODAY ) - Cậu bạn cười phá lên: “Không phải tớ uống rượu bia giỏi hơn trước đâu, chẳng qua là có tí bí quyết để cầm hơi lâu hơn với món này thôi”. Là con trai chẳng ai tránh được lúc ngồi ở bàn nhậu nên phải có bí quyết.

(Phunutoday) - Trong những món quà tặng nhau ngày Tết không thể thiếu sự hiện diện của một chai rượu ngon. Nó vừa thể hiện sự tôn trọng, yêu quý, vừa mang một chút rộn ràng vui vẻ của mùa xuân mới. Ấy thế nhưng có những người tửu lượng kém, nghĩ đến ngày Tết đến nhà ai cũng được mời chén rượu, chưa Tết đã lắc đầu ngao ngán…

[links()]

Chuyện chàng rể út sợ rượu ngày Tết

Trong những ngày đầu năm đón xuân, ai cũng muốn nâng cốc chúc mừng, mong muốn một năm mới nhiều may mắn, sức khoẻ và hạnh phúc. Trên bàn tiệc mùa xuân không thể thiếu được chai rượu vang ngon mà đôi khi người ta để dành cả năm cho dịp này mới khui ra để thết đãi khách quý.

Các bà vợ khó tính cũng chẳng phiền lòng nếu ông chồng mình có say sưa với bạn bè hơn ngày thường một chút. Nhưng không phải ai cũng thích uống rượu và uống được rượu và cũng không phải ai có thể dễ dàng từ chối chén rượu người khác mời. Tôi là một người trong số ấy.

Làm một nhân viên trong phòng kinh doanh chuyên gặp những khách hàng, đối tác là nam giới như tôi, ngày xuân càng là dịp để tạo những mối quan hệ tốt hơn trong công việc. Đôi khi nó có tính quyết định cho doanh số của cả một năm. Không những thế, tại nhà bố vợ tôi, một người tôi vô cùng yêu quý và kính trọng luôn có những chai rượu ngoại mà ông sưu tầm.

Mỗi dịp Tết về, ông lại khui một vài chai uống với bạn bè và các anh con rể trong nhà. Bố vợ tôi không chỉ là một người rất tâm lý với các con rể, mà ông còn là sếp cũ của tôi. Nhà ông có ba cô con gái và thật may mắn những chàng rể, trong đó có tôi đều rất hợp tính nhau và hợp tính bố vợ. Ấy thế nên mỗi khi nhà có hội họp hay lễ Tết không khí lại tưng bừng rộn rã vô cùng.

Tôi nhớ Tết Nguyên Đán đầu tiên khi vợ chồng tôi mới cưới, lần đầu tiên có mặt đầy đủ ba chàng rể trong nhà, ông đã khui một chai rượu vang và nói rằng:

“Bố giàu vì ba cô con gái, giờ lại có thêm ba cậu con trai trong nhà. Bố mong các con biết trân trọng không khí gia đình. Sau này dù bận thế nào ngày Tết cũng phải nhớ tụ họp đầy đủ uống với nhau một chén rượu, nói chuyện chia sẻ với nhau.” Chúng tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc với những gì mình đang có.

Nhưng có một điều dù không dám nói ra nhưng trong lòng tôi không bao giờ yên mỗi dịp Tết về. Dù không có bất cứ sự ganh đua và mọi người đều biết tôi không uống được nhiều rượu, nhưng mỗi lần thấy hai anh còn lại vui vẻ nâng cốc chúc mừng bố vợ, tôi cảm thấy “tức tức ở trong lòng”.

Đành rằng chẳng ai đánh giá bản lĩnh của một người đàn ông qua tửu lượng nhưng tôi luôn cảm thấy mình “mất điểm” trước mắt bố vợ bên bàn rượu, mặc dù chắc hẳn bố vợ tôi chẳng bao giờ đánh giá việc ấy. Ông đã từng là sếp của tôi, dù trong thời gian không dài nhưng ông biết tôi chẳng uống được là bao. Có những lần tôi cũng ham vui uống được vài ba chén là thấy đầu óc quay cuồng.

Lúc ấy bố vợ tôi cười, bắt tôi đi nằm nghỉ. Những lúc ấy tôi thấy tình cảm ấm áp lạ thường và lần nào cũng tự nhủ: “Sao mình lúc nào cũng “mất điểm” thế này?”.

Và thế là cứ khoảng thời gian cuối năm, công việc cũng bận rộn hơn, nghĩa đến Tết chẳng năm nào tôi không có chút lo lắng. Trong công việc gặp gỡ khách hàng, dù không tránh được những lời mời uống với nhau một cốc bia, một chén rượu, nhưng thường đến chén thứ 2, thứ 3 tôi lại phải tìm cách thoái thác. Uống mà say bí tỉ trước mặt khách hàng thì còn “mất mặt” hơn.

Nhưng cũng có lần việc từ chối uống rượu của tôi gây ra một vài sự cố nho nhỏ. Có lần trong bữa tiệc cuối năm, có một anh bạn đồng nghiệp mang cốc sang bàn mời tôi một chén. Lúc ấy do đã uống vài chén với tất cả mọi người, tôi xin phép được chúc mừng và nhấp một chút chia vui thôi.

Nhưng không ngờ chính vì thế anh bạn đồng nghiệp thân thiết ấy phật lòng và giận tôi cho tới qua cả kỳ nghỉ Tết. Bao nhiêu lý do như vậy khiến càng gần cuối năm tôi càng chú ý giữ sức khoẻ cho bản thân mình để có sức “tiếp” không chỉ bạn bè đồng nghiệp mà năm nay tôi quyết lấy lại “điểm” trong mắt bố vợ tôi.

Bí kíp cứu nguy trong dịp cuối năm

Những ngày cuối năm, tranh thủ thời gian bận rộn, nhóm bạn thời đại học của chúng tôi tổ chức họp mặt. Tất nhiên, bạn bè lâu ngày không gặp, trên bàn ăn chẳng thiếu cốc bia cho rôm rả. Nhân nói về bia rượu, tôi lại được dịp than thở và giải toả nỗi phiền lòng của mình.

Cũng có một điều khiến tôi rất ngạc nhiên, đó là cậu bạn tên Phong ngày trước theo trí nhớ của tôi thì cậu ấy cũng chẳng uống được bia rượu. Bạn bè tụ tập bao giờ hai chúng tôi cũng được “đặc cách” gọi cho đồ uống khác.

Ấy vậy mà lần này gặp lại, Phong lại xung phong uống bia thay vì một loại đồ uống nào đó. Thậm chí có lúc cao hứng cậu ấy còn đi mời người khác uống cùng mình. Tất nhiên bạn bè tụ họp ăn uống trò chuyện là chính nên mỗi người chỉ uống một chút bia cho vui vẻ.

Cuối buổi tôi kéo Phong ra một chỗ bày tỏ thắc mắc của mình. Cậu bạn cười phá lên: “Không phải tớ uống rượu bia giỏi hơn trước đâu, chẳng qua là có tí bí quyết để cầm hơi lâu hơn với món này thôi”. Phong bảo, là con trai chẳng ai tránh được lúc ngồi ở bàn nhậu nên cậu ấy luôn để ý mấy chuyện trước khi uống rượu.

Thứ nhất, điều quan trọng nhất là những thứ nên ăn trước khi ngồi vào bàn nhậu.  Không chỉ ăn chút gì trước khi uống, Phong còn để ý ăn những đồ ăn có nhiều dầu mỡ. Cậu bảo món tốt nhất trong trường hợp này là gan lợn, không những có nhiều dinh dưỡng mà còn cung cấp vitamin B4, loại vitamin hay thiếu hụt nhất với những người uống rượu.

Nhưng không phải lúc nào cũng chuẩn bị được món gan nên chú ý ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, hay đơn giản uống một chút sữa, protit trong sữa sẽ tạo nên một lớp màng bảo vệ dạ dày và làm chậm quá trình hấp thu rượu bia.

Thứ hai, khi uống rượu bia cậu hay gọi một đĩa hoa quả ăn cùng, uống từ từ và ăn một chút hoa quả giúp cho trạng thái tỉnh táo hơn. Tôi lấy làm ngạc nhiên với những bí quyết đơn giản của Phong. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ được rằng sữa lại có thể là “vị cứu tinh” trên bàn nhậu.

Ngày rằm cuối cùng của năm, cả nhà tôi lại quây quần bên bàn ăn. Dịp này, tôi vô cùng tự tin với những mẹo mình biết được từ cậu bạn cũ. Dù sao hôm ấy Phong đã làm tôi phục sát đất khi chứng kiến sự thay đổi tự tin của cậu. Tôi chủ động mua tặng bố vợ một chai rượu vang và trong bữa cơm tôi không còn ngại phải nâng cốc chạm ly với mọi người nữa.

Chả là trước ấy tôi đã ăn một chút sữa và gan lợn theo đúng “công thức” và còn dặn vợ chuẩn bị hoa quả sớm cho cả nhà tráng miệng và để bên cạnh bàn nhậu lai rai của bốn bố con. Không hiểu do bí quyết chuẩn hay vì tâm lý tự tin, quả thật bình thường hai chén tôi đã bắt đầu thấy quay quay nhưng hôm nay uống đến chén thứ ba vẫn cảm thấy bình thường.

Tôi nhận ra sự ngạc nhiên thoáng qua trên khuôn mặt của bố vợ vì sự thay đổi của anh con rể út. Tất nhiên, dù có dùng mẹo thì tửu lượng của tôi cũng chẳng tăng lên là bao nhưng khí thế trong tôi ngùn ngụt khiến cả nhà như rộn ràng hơn. Lần đầu tiên tôi cũng không phải rời bàn sớm hơn như những lần trước nữa.

Cũng chính vì thế đến cuối bữa, bố vợ gọi tôi và bảo: “Mỗi lần gia đình tụ họp uống cùng nhau chén rượu cho vui chứ uống nhiều cũng chẳng có lợi gì. Bố không muốn việc uống rượu vui vẻ trong gia đình gây áp lực cho con. Ai uống được bao nhiêu thì uống, quan trọng ở tấm lòng chứ không phải sự đầy vơi của chén rượu”.

Tôi nghe từng lời của ông nói, vừa thầm cảm ơn ông đã gạt bỏ cho tôi cái mặc cảm tự tôi vận vào bản thân mình về việc không uống được rượu bia của mình. Nhân tiện, ông cũng dặn các con rể về nhà uống một chút không sao, ngày Tết đi ra đường, gặp gỡ bạn bè khách hàng uống mừng xuân mới cho phấn khởi nhưng phải biết lượng sức mình, phải biết học được cách từ chối, sao cho người ngồi cùng vẫn vui vẻ, không phật ý.

Chúng  tôi ngồi gật gù nghe lời bố vợ nói. Vậy là Tết này tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Không uống được rượu cũng chẳng phải là điều có thể dùng để đánh giá được một con người. Bí quyết tôi học được từ cậu bạn cũng vẫn có ích rất nhiều trong ngày Tết đối với những người không uống được nhiều rượu bia như tôi.

Vậy là Tết Nguyên Đán năm nay tôi không phải “chạy trốn” như mọi năm nữa. Ai muốn uống cùng tôi cũng sẽ uống vài chén cho vui, nhưng tôi sẽ học cách từ chối bằng sự quan tâm tôn trọng thật lòng mình đối với người khác. Tối muộn, đi từ nhà ngoại về nhà mình, tôi nắm tay và ôm lấy bà xã thủ thỉ: “Mình ơi, năm nay Tết anh không còn “khổ” nữa rồi!”.  

  • Việt Linh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT