(Phunutoday) - Ngày 25/10, WWF và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) khẳng định Tê giác một sừng Java đã tuyệt chủng ở Việt Nam
Tê giác Java một sừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam. |
Xác của cá thể tê giác cuối cùng được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào tháng 4/2010 với một viên đạn tìm thấy ở chân và sừng bị lấy đi, theo báo cáo mới nhất của WWF.
Bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF Việt Nam bày tỏ: “Thật đau lòng khi mà những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài tê giác Java này. Chúng ta đã vĩnh viễn mất đi một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam”.
“Đưa tê giác trở lại Việt Nam là một việc làm tốn kém và không khả thi. Loài này đã vĩnh viễn biến mất khỏi Việt Nam”.
Trả lời báo chí trong buổi họp báo, ông Huỳnh Văn Đẩu, Bí thư Huyện uỷ huyện Cát Tiên cho biết ông không hề được thông báo gì về vụ việc này và không bình luận gì thêm.
Chị Nguyễn Đào Ngọc Vân - tổ chức Traffic đã không kìm nén được xúc động khi chính thức nghe tin Cá thể Tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam đã qua đời. |
Cũng trong buổi họp báo, chị Nguyễn Đào Ngọc Vân, người đã có 8 năm công tác trong ngành Bảo tồn, thành viên của tổ chức Traffic đã không kìm nén được và khóc nấc lên khi đứng lên bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy công tác tuyên truyền của chúng ta chủ yếu chỉ là tuyên truyền cho những người làm bảo tồn. Cần phải tuyên truyền tới các vị lãnh đạo, tới từng người một thì mới hiệu quả được”.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Trần Thế Liên, đại diện Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm Nghiệp cho biết: “Đoàn Tổng cục Lâm nghiệp đã đi khảo sát ở cả Nam Phi trong thời gian vừa rồi. Không phải toàn bộ lượng sừng tê giác đều được tiêu thụ ở Việt Nam. Ngay cả sừng ở châu Phi nhập về cũng được đem sang Trung Quốc tiêu thụ”.
“Vì sao bọn buôn lậu không chọn thị trường Thái Lan hay các nước khác để trung chuyển. Vì luật pháp của ta còn chưa nghiêm, còn quá lỏng lẻo. Mỗi năm chúng ta mất 50ha rừng. Nhưng theo luật, Nhà nước chỉ xét xử những vụ việc chiếm dụng đất rừng lớn hơn 5000m2. Thế nên chúng ta cứ dần dần mất rừng và mất luôn tầng sinh quyển bên trong”, ông Trần Văn Thành, GĐ Vườn Quốc Gia Cát Tiên bức xúc lên tiếng.
Ông Nick Cox, Quản lý Chương trình Loài của WWF – Greater Mekong cũng chia sẻ chưa chắc những gì các bạn bỏ tiền ra mua đã là sừng tê giác thật. Chúng tôi đã làm một vài khảo sát và thậm chí cấu tạo của một số sản phẩm không khác gì sơn móng tay mà các bạn đang dùng.
Việt Nam đã chính thức mất đi cá thể Tê giác Java cuối cùng còn sót lại. Trên thế giới hiện tại chỉ còn một quần thể duy nhất chưa đến 50 con ở Indonesia. Bà Susie Ellis, Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế cho biết: “Sự kiện này sẽ khiến cho hoạt động của chúng tôi ở Indonesia càng trở nên cấp thiết. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng kết cục đáng buồn của tê giác Java tại Việt Nam sẽ không được phép lặp lại đối với quần thể Tê giác tại Indonesia”.
- Trà My