Ước mơ tiền bạc của ông lão nhặt rác trả lại 45 triệu nhặt được

07:30, Thứ ba 20/12/2011

( PHUNUTODAY ) - Luôn mong ước có được tiền để chữa bệnh nhưng khi nhặt được tiền, ông Cho lại đem trả lại không một chút đắn đo. Có người đã chửi ông là kẻ "gàn", ông chỉ cười: "Không phải tiền mình, tôi nuốt không có trôi".

(Phunutoday) - Luôn mong ước có được tiền để chữa bệnh nhưng khi nhặt được tiền, ông Cho lại đem trả lại không một chút đắn đo. Có người đã chửi ông là kẻ "gàn", ông chỉ cười: "Không phải tiền mình, tôi nuốt không có trôi".

[links()]

Người đàn ông mà nhiều người cho là “không được bình thường” đó chính là Trần Văn Cho (1950, tổ 28, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Men theo con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến con kiệt nhỏ, ẩm ướt trên đường 3 tháng 2, nơi có ngôi nhà nhỏ là chỗ trú ngụ của ba mẹ con ông Cho. Khi chúng tôi đến, rất may ông Cho đang có ở nhà và đang cho người mẹ già uống thuốc.

Trong căn nhà nhỏ cấp 4 ẩm thấp nhưng khá gọn gàng, sạch sẽ, ông cho biết, ông vừa đi nhặt phế liệu về chuẩn bị đưa hàng đến cơ sở thu mua phế liệu để bán.

Có người chửi tôi là kẻ "gàn"

Thường xuyên bị những trận đau đầu hành hạ như “búa bổ” do mảnh đạn găm vào đầu từ trước những năm 1975, ông thường ước mong có một khoảng tiền để đi chữa trị. Tuy nhiên, khi ông tình cờ nhặt được số tiền hơn 45 triệu đồng của một người đánh rơi thì ông lại tìm đến công an để giao nộp.

 

Hằng ngày với chiếc xe đạp để đi nhặt rác, ông cặm cụi như một cái bóng.

Khi chúng tôi hỏi, ông mong có tiền như vậy thế tại sao khi nhặt được khoản tiền kia ông không giữ lấy? ông Cho thẳng thừng nói: "Lấy chi của cớ cho mang tội, họ cũng làm vất vả mới có được chứ đâu phải trên trời rơi xuống hả chú".

Hỏi về công việc của mình, ông Cho cho chúng tôi biết trước kia ông làm nghề đi xe đạp thồ suốt gần 20 năm trời, nhưng sau đó, xã hội phát triển không ai đi xe đạp thồ nữa nên ông chuyển qua làm “nghề” nhặt rác.

Đã gần 15 năm chuyển sang “nghề” mới hàng ngày, ông đạp xe đạp đi khắp thành phố để lượm giấy, chai bao, lốp xe… rồi đem về bán cho cơ sở thu mua phế liệu, mỗi ngày kiếm được từ 40 – 50 ngàn đồng.

Dù ngày mưa hay ngày nắng, ngày Tết hay ngày rằm ông cũng đi, một phần vì miếng cơm manh áo, một phần vì ở nhà ồn ào khiến đầu ông càng đau thêm.

Rồi một ngày giữa tháng 10, cũng như bao ngày khác, ông Cho vẫn cần mẫn đi lượm phế liệu trên khắp các tuyến đường, hẻm phố. Khi đang đi đến đoạn đường Lê Đình Lý (phường Nam Dương, quận Hải Châu), ông Cho phát hiện bên đường có một cục tiền được gói trong bao ni–long của ai bị rớt.

Ông nhặt lên và đưa đến Công an phường Nam Dương giao nộp với mong muốn người mất có thể nhận lại nó. Tại đây công an phường lấy gói tiền ra kiểm tra và đếm được hơn 45 triệu đồng.

Sau hành động trên của ông, nhiều người cũng có suy nghĩ gia đình ông khó khăn như thế, tại sao ông không giữ lấy mà tiêu.

Cũng có người chửi ông là kẻ "gàn", sĩ diện hão, tiền ăn không có còn muốn làm người nổi tiếng. Nghe đến vậy, ông Cho chỉ im lặng, ông nghĩ: "Không phải của mồi hôi công sức của mình, ăn chi mang tội".

Ông Cho bảo, khi lượm được bọc tiền, thấy nhiều tiền quá nghĩ mình nghèo đã khổ người mất chắc còn khổ hơn mình nên ông cũng không kịp suy nghĩ gì mà đem nộp lại ngay. Giờ thấy mọi người nói này nói nọ, ông cũng không thấy tiếc, đó đâu phải tiền mình làm ra... ông Cho chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Liên, hàng xóm của ông Cho cho biết, hằng ngày cứ thấy ông ấy cặm cụi như một cái bóng lặng lẽ đi về với những thứ linh tinh nhặt được để mang đi bán, chúng tôi cũng không để ý nhiều. Tuy nhiên qua một trang báo, tôi và người dân ở đây mới biết được nghĩa cử cao cả của ông Cho. Khi hỏi ông thì được ông trả lời đơn giản: “Người ta mất, người ta đau khổ, mình ăn sướng ích gì”.

Mong ước có tiền để lấy mảnh đạn ra khỏi đầu

Với vẻ mặt khắc khổ ít nói, chúng tôi gặng mãi ông mới chịu mở lời kể về cuộc đời cơ hàn của mình. Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em. 4 anh chị em đã có gia đình và sống riêng, còn ông và người em gái (Trần Thị Bê, 51 tuổi) nương tựa nhau nuôi mẹ già là bà Nguyễn Thị Huỳnh (84 tuổi) trong căn nhà cấp 4.

Do thuộc diện hộ nghèo nên năm 2008, Đồn biên phòng, UBND phường Thuận Phước và UBND quận Hải Châu đã hỗ trợ gia đình ông xây dựng ngôi nhà trên. Gia đình ông Cho cũng phải bù thêm 10 triệu đồng vào ngôi nhà.

Số tiền 10 triệu đó là gia đình vay của ngân hàng chính sách, đến nay vẫn chưa có trả. “Tiền ăn hàng ngày còn chưa đủ lấy mô ra mà trả nợ hả cô”, chị Trần Thị Bê góp chuyện với chúng tôi khi đề cập đến khoản nợ còn thiếu của ngân hàng.

 

Mô tả ảnh.
Chân dung ông lão nhặt rác Trần Văn Cho

Được biết, vì thương anh trai bị bệnh, mẹ đã già, cô Bê quyết định không lấy chồng mà ở vậy để nuôi anh và mẹ. Hiện cô Bê đang làm nghề gánh cá thuê ở cảng cá Thọ Quang. Hàng ngày phải dậy và đi làm từ lúc 2 giờ sáng đến 8 – 9 giờ sáng mới về, mỗi ngày cô Bê kiếm được khoảng 50 – 60 ngàn đồng. Tuy nhiên, thu nhập cũng không ổn định. Nhiều hôm trời động như hôm chúng tôi đến, cảng không có cá, cô Bê đành phải nghỉ việc ở nhà.

Cô Bê cho biết, không chỉ ông Cho bị bệnh mà mẹ cô cũng đang bị bệnh suy tim. Do vậy, bà cụ phải thường xuyên uống thuốc tại nhà, tiền thuốc cho cụ mỗi tháng cũng mất ngót trên 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi nào bà cụ phát bệnh nặng thì phải đưa vào bệnh viện điều trị vài ngày lại ra, ở lâu quá thì không có tiền trả viện phí.

Kể về phận đời của mình, ông Cho cho biết, trước năm 1975, ông bị chế độ cũ bắt đi lính ở Quảng Ngãi. Trong một trận đánh ở Trà Bồng ông bị thương ở đầu. Tuy nhiên lúc đó, ông không hề biết ông bị một miếng đạn găm vào đầu. Sau này, ông thấy đau đầu thường xuyên nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông không đi bệnh viện khám.

Mãi đến năm 2002, trong một lần đi nhặt rác, ông bị xe máy tông, khi được đưa vào bệnh viện chụp X-quang, các bác sĩ cho biết trong đầu ông có một miếng đạn. Cũng vì thế mà đầu ông bị đau thường xuyên, ngủ không được, nhiều lúc ông phải uống rượu để cho dễ ngủ.

Thỉnh thoảng, ông lại đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng khám và lấy thuốc. Mong ước của ông là có được tiền để lấy mảnh đạn ra khỏi đầu, để những khi trớ gió trở trời khỏi bị cơn đau hành hạ.

Được biết, nghe tin ông Cho đem bàn giao số tiền mình nhặt được cho Công an phường Nam Dương, chị Phạm Thị Thanh Hải (1980, trú tổ 46, P. Thạch Gián, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng), người đánh rơi số tiền trên đã đến nhận lại tài sản và gửi tặng lại ông Cho 1,5 triệu đồng cùng 10 kg gạo.

Trước nghĩa cử cao đẹp của “người nhặt rác”, để kịp thời động viên hành động trên, vừa qua Chủ tịch UBND quận Hải Châu đã tặng giấy khen và 2 triệu đồng tiền thưởng cho ông Trần Văn Cho.

  • Phương Dung.

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc