“Đó là câu trả lời của một cậu bé lên 4 tuổi khi được hỏi ước mơ của mình khi lớn lên. Câu trả lời nghe có vẻ ngây ngô mà hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Cứ thế những năm tiếp theo của cuộc đời mình, cậu chập chững từng bước trên con đường trở thành Con Người của mình. Và hơn cả thế, cậu đã và đang đạt được những ước mơ luôn cháy bỏng trong tim sau khi vượt qua được nhiều khó khăn vất vả hơn bất cứ người bình thường nào khác…”
[links()]
Nước là người bạn gắn bó nhất
Đối với Kim Se Jin – cậu bé nổi tiếng tại đất nước Hàn Quốc với biệt danh “vận động viên chân rô-bốt” nước luôn là một người bạn. Nói như vậy không phải cậu cô độc và lúc nào cũng chỉ có một mình. Xung quanh cậu luôn có những người bạn tốt.
Nhưng sau những lần chuyển trường, chuyển nhà để phục vụ việc tập luyện của cậu, có thể nói nước vẫn là người bạn gắn bó lâu năm nhất. Và chỉ có những lúc bơi lội thả mình trong dòng nước, Se Jin mới thấy quên hết mọi ưu phiền, lòng nhẹ bẫng như một chú chim đang được bay trên bầu trời xanh thẳm.
Năm 2009, khi tròn 13 tuổi, Kim Se Jin thực hiện được ước mơ đầu tiên của đời mình: được gặp vận động viên bơi lội số 1 Hàn Quốc và thế giới Park Tae Hwan.
Không chỉ được gặp với tư cách một cậu bé hâm mộ, Se Jin được gặp gỡ thần tượng với tư cách một đồng nghiệp – một vận động viên bơi lội Kim Se Jin và thậm chí cùng bơi một vài vòng quanh bể bơi với vận động viên nổi tiếng này.
Se Jin và vận động viên nổi tiếng thế giới Park Tae Hwan năm 2009 |
Khi Se Jin chuẩn bị đồ bơi để xuống nước, cậu bé tươi cười tháo từng chiếc chân giả, từng chiếc tất và nói: “Mặc vào thì vất vả, chứ cởi ra thì dễ lắm ạ”. Khi bỏ đôi chân sắt “rô bốt” và sẵn sàng trong bộ đồ bơi, người ta có thể nhận thấy cơ thể của Se Jin hoàn toàn không bình thường:
Một chân cụt tới gần đầu gối, một chân chỉ còn nửa đùi. Không những thế, bàn tay phải của cậu cũng chỉ có hai ngón. Vận động viên Park Tae Hwan đã hơi bất ngờ và ái ngại khi thấy Se Jin với đôi chân cụt như vậy vẫn thoăn thoắt dùng tay đi tới sát bể bơi và hỏi mẹ em: “Em ấy không đau chứ ạ?”.
Đau làm sao được khi sinh ra cơ thể của Se Jin đã mang dáng dấp như vậy và trong suốt hơn chục năm qua, cậu bé đã đi lại và sinh hoạt với những tật nguyền trên cơ thể của mình.
Và chỉ khi Se Jin xuống nước, bơi lặn như một chú cá heo, vận động viên Park Tae Hwan mới xua tan hết sự lo lắng của mình. Thậm chí dù cơ thể không lành lặn, Se Jin vẫn chứng tỏ được khả năng và kỹ thuật của một vận động viên đích thực trước mặt thần tượng của mình.
Kim Se Jin – vận động viên bơi lội của Hàn Quốc đã giành được nhiều huy chương trong nước và quốc tế khi lên 5 tuổi mới bắt đầu được đứng dậy trên đôi chân theo đúng nghĩa. Nhưng chỉ 4 năm sau, người ta đã thấy cậu chinh phục ngọn núi đầu tiên với độ cao 3870m.
Năm 2007, cậu hoàn thành cuộc thi chạy quốc gia ma-ra-tông dài 10km ở tuổi thứ 11. Trượt tuyết, chèo thuyền và rất nhiều bộ môn vận động khác đều được Se Jin thử sức và chinh phục. Nhưng sau tất cả các bộ môn đó, cậu cảm thấy bơi lội là bộ môn phù hợp nhất với mình.
Bắt đầu bơi khi lên 10 tuổi, Se Jin luôn chăm chỉ luyện tập và đạt được những thành tích tốt trong bộ môn này.
Mặc dù giờ đây những giờ phút được thoả sức bơi lội dưới dòng nước là những giờ phút hạnh phúc nhất khiến những mặc cảm trong cuộc đời mình đều tan biến, nhưng cậu vẫn không quên được những khó khăn đầu tiên khi bắt đầu ước mơ của mình.
Những ngày đầu tiên mẹ dẫn Se Jin tới bể bơi tìm người dạy học, không chỉ không tìm được người chịu nhận dạy bơi cho cậu bé mà hai mẹ con còn gặp cả những lời nói ác ý của nhiều người khác.
Những giáo viên dạy bơi đều lắc đầu không nhận dạy Se Jin bởi họ cho rằng với thân hình như vậy việc bơi lội với cậu là ngoài khả năng. Những bậc phụ huynh khác khi thấy sự xuất hiện của Se Jin trong bể bơi với con mình thì lo sợ rằng cậu sẽ mang bệnh tật đến cho con cái họ.
Nước là người bạn thân thiết nhất của Se Jin |
Còn những đứa trẻ khác thì đều tránh xa Se Jin. Thời gian ấy, những lời nói độc địa như: “Tại sao lại cho thằng bé bẩn thỉu ấy vào bể bơi được” hay những lời từ chối thẳng thừng của người quản lý bể bơi là điều hai mẹ con hay gặp.
Nó cũng là những ký ức buồn không thể nào quên trong suốt cuộc đời cậu bé Se Jin. Tuy vậy, vốn quen bị trêu trọc từ bé, với sự động viên của mẹ, Se Jin vẫn quyết tâm trở thành một vận động viên bơi lội.
Tuổi thơ đầy nước mắt và những tiếng cười
Dù cơ thể khiếm khuyết nhưng những ai lần đầu tiên được nhìn thấy Kim Se Jin cũng có thể thấy một nụ cười tươi rói trên môi cậu. Mỗi lần cậu cười, đôi mắt một mí cũng như cười theo khiến cả người đối diện cũng như quên đi những bất công tồn tại trong cuộc sống.
Cậu được sinh ra với cơ thể không lành lặn nhưng lại được ban cho một nụ cười thật đẹp. Đặc biệt nụ cười ấy chính là nguồn động viên, tiếp thêm một sức mạnh vô hình cho người mẹ tuyệt vời của mình, người luôn hy sinh và che chở cho cuộc sống của cậu.
Khi gặp vận động viên nổi tiếng Park Tae Hwan, cậu bé Se Jin đã hỏi một câu hỏi vừa ngây ngô vừa đáng yêu rằng: “Anh có sợ mẹ anh không?”. Vận động viên Park Tae Hwa cười và đáp rằng: “Đứa trẻ nào mà chẳng bị mẹ mắng rồi mới lớn lên được.
Hồi xưa anh cũng bị mẹ đánh đòn suốt khi hư đấy”. Mẹ của Se Jin – chị Yang Jeong Suk trong cuộc sống thường ngày chăm lo cho Se Jin từng bữa ăn giấc ngủ và đặc biệt rất nghiêm khắc với Se Jin khi luyện tập thể thao.
Những người xung quanh đặt cho chị biệt danh “mẹ kế” bởi chưa bao giờ thấy chị ngừng giọng nói nghiêm khắc: “Nào, quay lại ngay”, “Tập trung vào”, “Thẳng đầu về phía trước”… Có nhiều người không biết sẽ tưởng chị là một huấn luyện viên, lại còn là một huấn luyện viên khó tính và nghiêm khắc vô cùng.
Nhiều người nhìn cơ thể của Se Jin và ái ngại tại sao chị lại bắt một cậu bé cơ thể không lành lặn như vậy tập luyện một cách vất vả. Đôi khi người ta nghĩ rằng chị “độc ác”. Nhưng hơn ai hết, chị hiểu đối với Se Jin trở thành một vận động viên bơi lội và đạt được những thành tích mới có ý nghĩa thế nào đối với chính cậu.
Se Jin vẫn là một cậu bé biết sợ mẹ khi bị mẹ mắng, nhưng cậu cũng chẳng bao giờ phiền lòng vì điều đó bởi mẹ là người yêu thương, tin tưởng nhất của cậu. Sau những giờ luyện tập vất vả, hai mẹ con lại ngồi nghỉ.
Mẹ ôm Se Jin vào lòng và thủ thỉ tâm tình. Những lúc cậu mệt, mẹ còn hát cho nghe. Một ngày của Se Jin ngoài giờ học có rất nhiều giờ luyện tập bơi lội nên cứ đến sáng hôm sau tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, người của cậu lại mỏi nhừ và các bắp, cơ co cứng.
Mỗi lúc như thế chính mẹ lại là người mát xa, đấm bóp cho con trai để bắt đầu một ngày mới. Nhiều khi huấn luyện viên đồng ý huấn luyện cho Se Jin ở rất xa nhà, phải đi ô tô 2-3 giờ đồng hồ nhưng mẹ vẫn hàng ngày lái xe đưa Se Jin đi rồi ngồi lại theo dõi con trai luyện tập.
Nhà ở xa, luyện tập xong là hai mẹ con phải xuất phát lên đường về ngay, mẹ Se Jin không quên chuẩn bị cho con trai những hộp cơm nóng hổi đầy thức ăn ngon lành sau những giờ luyện tập và có thể tranh thủ ăn luôn trên xe trên đường về nhà. Mẹ là người luôn nuôi dưỡng và biến những ước mơ của Se Jin thành hiện thực.
Nhớ ngày đầu tiên Se Jin đi cùng mẹ tới bệnh viện khám bệnh, lần đầu tiên nhìn thấy chân và tay Se Jin, vị bác sĩ lắc đầu và liên tục nói với mẹ cậu: “Làm mẹ tại sao lại để con như thế này? Khi khám thai các bác sĩ không cảnh báo điều gì sao?”.
Mẹ Se Jin biết, những dị tật trên người một đứa trẻ sinh ra đều có khả năng do sự vô tâm của người mẹ. Ngày hôm đó trên đường trở về nhà, mẹ đã mua cho Se Jin một đôi giày. Se Jin không có chân, không thể đi đôi giày đó, nhưng mẹ của Se Jin quyết tâm sẽ cho con được tự đứng dậy bằng đôi chân của chính mình.
Cho tới giờ, bên cạnh nhiều tấm huy chương thành tích bơi lội của Se Jin được mẹ bày ở trong nhà, đôi giày vẫn được để trang trọng bên cạnh như một trong những mục tiêu mà hai mẹ con đã đạt được.
Nhìn mẹ Se Jin dù nghiêm khắc bắt con luyện tập hay tình cảm ôm con vào lòng, nhiều người sẽ nghĩ rằng hẳn người mẹ đó ngoài sự yêu thương còn có phần nào muốn bù đắp cho những thiệt thòi của đứa con không lành lặn.
Hẳn người làm cha, làm mẹ nào sinh ra một đứa con không lành lặn cũng sẽ thấy trách nhiệm của chính mình trong những bất hạnh của con. Quả là mẹ Se Jin luôn muốn và cố gắng hết sức để bù đắp những thiệt thòi của cậu bé, mặc dù Se Jin không phải là đứa con chị mang nặng đẻ đau.
Năm 1998, trong một lần theo một tổ chức đi tình nguyện, chị đã được gặp cậu bé Se Jin tại một trại trẻ. Cách đó vài tháng, vào một buổi sáng, viện trưởng của trại trẻ đã thấy Se Jin ở phía cửa sau khu nhà và không có lời nhắn gửi nào để lại.
Chị Jeong Suk đã phải lòng ngay cậu bé không chân nhưng nụ cười toả nắng ấy. Sau nhiều nỗ lực vì chị không có đủ điều điện nhận con nuôi, cuối cùng Se Jin cũng chính thức về trở thành một thành viên trong gia đình chị.
Có lẽ chính vì thế, đối với chị, Se Jin còn quý giá hơn gấp nhiều lần những đứa trẻ khác. Cô chị cả trong nhà cũng yêu thương cậu em vô cùng. Tốt nghiệp cấp 3, cô quyết định không thi vào đại học mà xin đi làm luôn tại một kho hàng của trung tâm thương mại để kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em. Cả gia đình chỉ có 3 người, yêu thương và chăm sóc nhau như vậy.
Với quyết tâm cho con trai mình một đôi chân, mẹ Se Jin đã đến nhiều nơi để hỏi về việc lắp chân giả cho con. Một bệnh viện tại Seoul đã đồng ý tạo chân giả cho Se Jin. Nhưng mọi điều không chỉ đơn giản là việc làm ra một đôi chân và lắp vào cho cậu bé.
Khi sinh ra chân của Se Jin không cụt mà một bên chân có cả bàn chân teo tóp đi theo. Để lắp được chân giả, Se Jin phải được làm phẫu thuật cắt bớt phần bàn chân ấy và giữ lại những phần chân có thể sử dụng được.
Thế là sau 4 cuộc phẫu thuật chính và 3 năm trời trong bệnh viện, lên 5 tuổi cậu bé chính thức có đôi chân giả của riêng mình. Một người lớn khi lắp chân giả vào cũng phải mất một thời gian tập đi và làm quen.
Đối với một cậu bé nhỏ tuổi, điều đó còn gặp khó khăn hơn rất nhiều. Đi rồi lại ngã, không chỉ học cách đi mà Se Jin còn phải học cả cách đứng dậy sau khi ngã. Đến tuổi đi học, mẹ Se Jin quyết định cho con đi học tại một ngôi trường bình thường với các bạn bè bình thường khác.
Biết con sẽ gặp nhiều sự trêu chọc, kỳ thị của mọi người nên mẹ Se Jin đã dạy con những bài học đầu tiên không phải là bảng chữ cái hay những con số như những người mẹ khác.
Chị dạy con rằng cuộc đời luôn có hai mặt, có những lời nói đẹp như Cảm ơn, Xin lỗi, nhưng cũng có những lời nói ác ý, trêu chọc và dạy con biết vượt qua những điều đó trong cuộc sống.
Tuy vậy, là một cậu bé con, đi học bị những đứa trẻ khác không chỉ trêu chọc mà thậm chí còn dùng gậy đánh gẫy chân giả của cậu, Se Jin đã giam mình trong nhà, không chịu đi học, ra ngoài đường gặp gỡ bất cứ ai.
Lúc đó, mẹ Se Jin lại ôm cậu vào lòng, động viên, an ủi, giải thích để con trai có lại được niềm tin vào cuộc sống và con người.
Những ước mơ không bao giờ tắt
Đôi chân của Se Jin mỗi năm phải được thay một lần theo cơ thể lớn dần lên. Chân giả của cậu được làm từ những nguyên liệu nhập ngoại nên giá thành không rẻ chút nào nhưng cần có để tạo được khả năng đi lại thoải mái và tốt nhất cho cậu.
Tuy vậy, đôi chân sinh ra không lành lặn để có thể chịu sức nặng cơ thể của mình vẫn không tránh khỏi những đau đớn khi dùng chân giả. Để con có được đôi chân và nhiều chi phí khác, ngôi nhà của gia đình đã được bán đi.
Dường như hiểu được điều đó, mỗi năm gặp lại các bác sĩ theo dõi sức khoẻ của Se Jin luôn tỏ ra ngạc nhiên trước sự cố gắng vượt bậc của cậu bé so với kỳ vọng của tất cả các giáo sư bác sĩ.
Để có được điều đó, ngoài nỗ lực của bản thân cậu bé còn có sự trợ giúp, động viên tuyệt vời của người mẹ. Mẹ của Se Jin đã tạo điều kiện cho con tham gia nhiều hoạt động và bộ môn thể thao để mang lại nhiều mạnh mẽ và nghị lực cho Se Jin.
Lúc đầu thử thách với môn bơi, cậu bé Se Jin luôn phải buộc một chiếc phao vào phần thân dưới. Mọi người vẫn gọi vui tên cậu là “cậu bé rùa”.
Tập luyện với những người bạn bình thường khác, những phần tập phải sử dụng đến chân cậu không tập cùng được, Se Jin cũng không bỏ phí thời gian mà tự mình tập riêng những bài tập về phần nửa trên của mình.
Chính sự chăm chỉ, cố gắng và quyết tâm của Se Jin đã mang lại những sự tiến bộ đáng kể cho cậu bé. Để con trai chuyên tâm vào luyện tập và nuôi dưỡng những ước mơ, mẹ Se Jin không để cậu biết rằng trước khi cậu được thoải mái tập luyện ở bể bơi, người quản lý ở bể đã đưa ra nhiều lý do để không muốn cậu bơi ở bể của họ.
Nào là phải thay nước và vệ sinh bể theo yêu cầu và những kỳ thị của các khách hàng khác, nào là những ảnh hưởng của Se Jin tới việc kinh doanh của họ. Cuối cùng mẹ Se Jin đã phải thoả thuận nộp thêm phí và chính chị sau mỗi ngày đến thay nước, dọn dẹp, vệ sinh bể.
Những ngày ấy, Se Jin không biết mẹ đi đâu. Chỉ biết rằng đến tối muộn mẹ mới về nhà và tay lại phồng rộp cả lên. Tất cả điều mẹ cậu làm chỉ để con trai có thể được tập luyện, được bơi thoả thích và trở thành một vận động viên thực thụ, mặc dù phải làm việc cho tới tận đêm khuya và những cơn đau lưng bắt đầu xuất hiện.
Lần đầu tiên tham gia thi đấu ở Osaka, Nhật Bản nội dung bơi 50m dành cho những vận động viên khuyết tật, sẽ chẳng phạm quy nếu Se Jin vẫn dùng phao bơi cho thân dưới của mình nhưng cậu bé đã quyết định bỏ phao.
Đó cũng là lần đầu tiên Se Jin thực sự bơi mà không cần sự hỗ trợ nào khác. Nước mắt đã rơi trên gương mặt của mẹ và con, không phải vì thành tích, mà vì sự hạnh phúc khi Se Jin tự mình có thể hoàn toàn điều khiển cơ thể mình dưới nước.
Và từ đó như một con chim có thể tự mình rời khỏi tổ, ở trên bờ có thể Se Jin là một người khuyết tật nhưng ở dưới nước, những khiếm khuyết cơ thể của cậu chẳng ngăn cản được cậu thả mình tự do bơi lội.
Lên 4 tuổi mẹ hỏi Se Jin rằng: “Lớn lên con sẽ làm gì?”, Se Jin trả lời: “Con Người, con muốn trở thành Con Người”. Mẹ hỏi lại: “Trở thành Con Người rồi Se Jin sẽ làm gì?”, cậu bé đáp: “Chân, con sẽ sửa chân”.
Giờ đây cậu bé đã trở thành một thiếu niên mạnh mẽ. Đôi chân có thể vẫn không có nhiều thay đổi nhưng thay vào đó mẹ đã cho cậu một “đôi chân rô-bốt” để cậu được đi tới những nơi mà cậu muốn, cậu đã được sống một cuộc sống đầy yêu thương và một gia đình đầy hạnh phúc.
Lần đầu tiên tham dự Olympic tại London năm 2009, người đồng hành bên cạnh Se Jin vẫn chính là mẹ. Đôi lúc có người vẫn nhầm mẹ là huấn luyện viên của Se Jin nhưng điều đó cũng chẳng có gì sai.
Để có thể giúp con trai một cách tốt nhất, mẹ cậu đã tự mình nghiên cứu rất nhiều tài liệu về kỹ thuật bơi lội cũng như dinh dưỡng cho một vận động viên. Năm ấy, cậu giành được nhiều thành tích đáng tự hào và những tấm huy chương được mẹ trưng bày trang trọng trong nhà.
Se Jin được phong tặng danh hiệu anh hùng nhỏ tuổi và luôn được nêu lên như một tấm gương sáng trong cuộc sống.
Câu chuyện của Kim Se Jin đã được xây dựng thành một chương trình tài liệu có tên gọi “Tình yêu” và có số lượng khán giả theo dõi đứng vị trí số 1 tại Hàn Quốc với nhiều xúc động và nước mắt.
Khi 4 tuổi, cậu mơ ước được trở thành Con Người. Lớn hơn một chút cậu mơ ước trở thành một vận động viên bơi lội giỏi. Khi những ước mơ ấy đã trở thành hiện thực thì trong lòng Se Jin lại có những ước mơ lớn hơn.
Giờ đây cậu mong muốn được trở thành một bác sĩ hay trở thành một trọng tài trong Uỷ ban trọng tài Olympic quốc tế. Nếu có điều kiện, cậu cũng sẽ xây dựng một trại trẻ để giúp đỡ nhiều đứa trẻ như mình tìm được những gia đình thực sự yêu thương và che chở, giống như cuộc đời đã giúp cậu tìm tới một gia đình tuyệt vời như thế này.
Ước mơ ấy không hề xa vời với sự quyết tâm và nỗ lực của Kim Se Jin. Nhưng hơn cả những ước mơ to lớn ấy, điều cậu vẫn mong muốn nhất là trở thành người có thể giúp chị gái trong công việc tại trung tâm mua sắm hay thành người chăm sóc đỡ đần mẹ mỗi khi trở trời mẹ lại đau lưng.
Năm tháng trôi qua, ngày nào cậu còn là một đứa bé non nớt về với vòng tay của mẹ, giờ cậu đã cao hơn mẹ, đôi vai chắc khoẻ như sẵn sàng bảo vệ những người thân yêu của mình.
Về một mặt nào đó, ước mơ trở thành Con Người của Se Jin lúc nào cũng có ý nghĩa đối với cuộc đời cậu: biết yêu thương và đón nhận yêu thương cùng những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống này.
- Trung Hiếu