Về nhà chồng thì... đừng rửa bát!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Một khi đã rửa từ đầu, lỡ hôm nào mệt mỏi hoặc bận bịu không rửa được thì sẽ bị kêu ca trách móc".

Các bà chị vẫn rỉ tai tôi thế. Cái này cũng không quá lạ. Bên mình gọi là “Dạy chồng từ thuở bơ vơ mới về.” Tây thì nâng lên thành triết lý viên kẹo “Nếu bạn cứ cho ai khác một thứ gì mãi, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Và khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn.” Nhưng đây là lần đầu tôi nghe các “triết lý” này ở dạng gần gũi như thế.

Trong gia đình tôi, bố tôi cũng chưa bao giờ rửa bát. Chị dâu mà bắt anh trai rửa bát tôi cũng thấy khó nhìn. Sau này chuyển vào nam sống, tôi rất bất ngờ vì chuyện đàn ông rửa bát là chuyện rất bình thường. Tuy thế, tôi cũng chưa bao giờ để anh người yêu phải mó tay vào bát đũa. Thấy cứ tội tội làm sao. Giờ ngồi nghe các bà chị chỉ giáo trước khi lên xe hoa, tôi cũng đâm lung lay. Có thể đây là điều đã ngấm vào người những phụ nữ Việt Nam khiến chúng ta coi việc nội trợ này là bổn phận. Nhưng thời thế đã nhiều thay đổi, khi mà phụ nữ cũng đi làm thì việc đàn ông rửa bát có gì phải lạ?

Chuyện này vốn không lạ. Cách đây vài năm, tôi nhớ chị Trang Hạ và anh Lê Hoàng đã có những tranh cãi sôi nổi về vấn đề “đàn ông rửa bát”. Trong khi nữ nhà văn tỏ ra khá “nữ quyền” thì nam đạo diễn lại chọn lối tự trào quen thuộc. Bàn qua tán lại nhiều lời nhưng vẫn chưa ngã ngũ, không ai phục ai.

Tôi thấy rất nhiều người đòi hỏi bình đẳng giới nhưng lại hiểu không đúng về khái niệm này. Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng: tôi rửa bát thì anh cũng phải rửa bát; ngược lại, tôi kê giường thì cô đi mà kê tủ. Làm sao có thể như vậy, khi mà thể chất và tinh thần của đàn bà và đàn ông là không giống nhau? Theo tôi, cái gọi là bình đẳng giới, thực chất là bình đẳng hạnh phúc. Tức là đôi bên san sẻ với nhau để cả hai đều đạt được độ thỏa mãn tương đương.

Vậy quay lại vấn đề chính: về nhà chồng có nên rửa bát không? Tôi chọn không. Anh chồng tôi sẽ là người rửa bát.

Hãy nhìn sang “nhà người ta”, tỷ phú Bill Gates hay cựu tổng thống Mỹ Bush đều rửa bát cho vợ mỗi tối. Tôi nghĩ cả hai người đàn ông này đều có thể thuê giúp việc, thậm chí thuê riêng một người chuyên làm nhiệm vụ rửa bát. Nhưng không, họ chọn cách tự tay rửa bát. Và rất tự hào về điều đó. Họ tự hào không phải vì họ đã giúp được vợ mình. Như tôi đã nói, họ có thể bỏ tiền thuê người giúp việc. Họ tự hào vì đó là một thói quen tốt.

Tôi nói với anh chồng rằng anh có thể chọn rửa bát hoặc lau nhà, dọn phòng hay một việc gì như thế. Vấn đề ở chỗ, đấy không phải là việc nhà hay bổn phận, trách nhiệm gì; mà đó là một kênh để chúng ta giao tiếp, hiểu nhau hơn và là một thói quen tốt cho đàn ông.  Một người đàn ông, chỉ cần tạo lập thói quen làm một việc nhỏ bé gì đấy, chắc chắn sẽ là một người chi tiết, tinh tế, không ngại khó, không sĩ diện hão, tránh vĩ cuồng.

Sợ anh phải đau đầu chọn xem nên làm việc nào nên em giúp anh chọn luôn. Đó là anh sẽ rửa bát. Em sẽ mua găng tay rửa bát nếu anh cần. Còn không thì, bàn tay đàn ông mà thô ráp thì luôn rất quyến rũ, thưa anh!

“Anh ấy đẹp trai, anh ấy gallant, anh ấy thật tâm lý… mỗi tội bị gay”. Tôi thường nghe những câu xuýt xoa đầy tiếc nuối giống như vậy. Liệu 1 người gay có đáng thương đến vậy?
 
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn