Vị danh y sống thọ 103 tuổi hé lộ bí quyết dưỡng sinh chỉ bằng 8 chữ sau đây

07:59, Thứ bảy 18/08/2018

( PHUNUTODAY ) - Sinh- lão- bệnh- tử là quy luật tất yếu của tạo hóa. Thế nhưng, ngoài việc thuận theo tự nhiên, con người hoàn toàn có thể sống khỏe và sống thọ nếu thấu hiểu về dưỡng sinh...

 Giáo sư Can Tổ Vọng sinh năm 1912 ở huyện Kim Sơn tỉnh Giang Tô, ông là người đồng sáng lập môn khoa học khám chữa tai mũi họng bằng Đông y của Trung Quốc, ông qua đời năm 2015, thọ 103 tuổi và để tại di sản đồ sộ trong suốt cuộc đời làm nghề. Cả đời ông không hút thuốc, 55 tuổi bắt đầu cai rượu, tự thực hiện phương pháp dưỡng sinh trong 50 năm và coi đó là phương pháp khoa học bổ ích.

Giáo sư Can Tổ Vọng và phương pháp dưỡng sinh 8 chữ: Đồng tâm, kiến thực, quy dục, hầu hành

Giáo sư Can Tổ Vọng và phương pháp dưỡng sinh 8 chữ: Đồng tâm, kiến thực, quy dục, hầu hành

Ông từng nói: “Làm việc phải tới 90 tuổi, sống thọ phải đến trên 100 tuổi”, và quả thực ông đã làm được như những gì mình nói. Ở vào tuổi 90, ông vẫn đều đặn tới phòng khám làm việc hằng ngày dù mưa hay nắng. Bận rộn làm việc cả nửa ngày nhưng không hề bị chóng mặt, không mỏi lưng, đầu óc vẫn rất minh mẫn, sáng suốt.

Sức khỏe của ông dẻo dai tới mức có thể phát biểu hoặc diễn giảng kéo dài 2-3 tiếng, ông đứng trong suốt thời gian dạy học và có tinh thần như một người trẻ tuổi. Đặc biệt mỗi khi viết sách hay sửa luận văn có thể làm việc tới hơn 12h đêm mới ngủ. Văn phòng làm việc ở tầng 16, nhưng ông hầu như không đi thang máy mà lên xuống bằng thang bộ. Chúng ta sẽ tự hỏi, bí quyết dưỡng sinh chủ đạo của ông là gì?

Về đạo dưỡng sinh, Giáo sư Can Tổ Vọng có cách nhìn nhận rất độc đáo, ông chia sẻ: “Tôi đã thực hiện phương pháp này từ 50 năm trước nhưng về khách quan lại không biết đó là dưỡng sinh chăm sóc sức khỏe. Sau này mới phát hiện đó là phương pháp rất tốt bởi chính tôi đã thể nghiệm và tự thực hiện nghiêm túc. Đạo dưỡng sinh của tôi chỉ tổng kết lại trong một câu: “Nghiêm túc thực hiện theo tám chữ: “Đồng tâm, kiến thực, quy dục, hầu hành”. Nguyên tắc chủ đạo trong dưỡng sinh của ông chính là nguyên tắc thuận theo tự nhiên, học cách sống tự nhiên trong trời đất từ những con vật xung quanh mình. Vậy ý nghĩa của tám chữ trong đạo dưỡng sinh của giáo sư nghĩa là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Đồng tâm (tâm hồn như trẻ sơ sinh)

ngoi-thien-dinh

Đồng tâm khái quát lại có ba điểm như sau: Thứ nhất là tâm thái thuần khiết không có tà niệm, rộng lượng bao dung không muộn phiền. Tâm không sinh tà niệm sẽ không làm tổn thương tới ai, không đi lừa gạt, trêu chọc hay đả kích ai. Cổ nhân giảng: ‘Ái nhân giả nhân hằng ái chi, kính nhân giả nhân hằng kính chi’, ý nghĩa là, mình thương người ta thì người ta thương lại mình, mình kính trọng người ta người ta sẽ kính trọng lại mình. Đứng trước mọi mâu thuẫn, nếu có thể cố gắng bình tĩnh, dùng thiện tâm thiện ngữ đối đãi thì sẽ không làm cho sự tình trầm trọng lên, thậm chí có thể biến “chiến tranh thành con đường trải đầy tơ lụa”. Thứ hai là nhìn mọi việc đơn giản hóa, không vắt óc suy nghĩ về những điều nhỏ nhỏ nhặt xung quanh sẽ luôn có được tâm thái vui vẻ. Mong muốn giúp đỡ người khác, không tính toán, lo âu phiền não sẽ luôn làm ta lạc quan yêu đời. Thứ ba là luôn tĩnh tại sẽ không bị tổn thương bởi những thất tình lục dục xung quanh.

Kiến thực (ăn như kiến)

Ăn như kiến có 2 ý nghĩa: Một loại là ăn ít và nhỏ như kiến. Hai là có thể ăn tất cả mọi thứ, thậm chí có thứ cứng như vàng. Nói đơn giản, cách ăn của kiến là không cần ăn nhiều, không cần ăn tinh, không lựa chọn thực phẩm quá mức.

Hầu hết các thực phẩm khi ăn vào, đều phải dựa vào sự co bóp của dạ dày, dịch dạ dày tiết ra để xử lý thức ăn. Ăn một lượng vừa phải, cũng là cách cung cấp vừa đủ lượng thức ăn phù hợp với chức năng làm việc của dạ dày. Nếu ăn quá nhiều, quá no, dạ dày sẽ không còn chỗ để co bóp, không tiết ra đủ dịch vị, không đủ không gian để hoạt động, sẽ không thể hoàn thành công việc tiêu hoá cơ bản.

Khi tiêu hoá có vấn đề, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ. Khi chức năng tiêu hoá hoặc hấp thụ gặp trở ngại, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể sẽ không đủ, thì sức khỏe không được bảo đảm. Ăn ít hơn, dạ dày tiết dịch dồi dào hơn, nhu động ruột hoạt động mạnh hơn, vừa không làm cho tỳ vị mệt mỏi, mà còn giúp cho việc hấp thụ các thành phần dinh dưỡng thuận lợi.

Ưu điểm thứ 2 trong cách ăn của kiến chính là ăn đa dạng, không kén chọn. Con người cần chất dinh dưỡng từ các loại thức ăn để tồn tại và phát triển, nguồn chất này trong các loại thực phẩm là vô cùng đa dạng và phong phú. Nếu chỉ chọn những thức ăn ngon theo sở thích cá nhân, thì sẽ không thể cung cấp những loại thực phẩm hữu ích khác cho cơ thể. Vì vậy, kén chọn trong ăn uống sẽ không tốt cho sức khỏe.

Quy dục (Sống như một con rùa)

Sống như một con rùa, ít ham muốn thì sẽ trường thọ. Rùa là loài vật được coi là biểu tượng cho sự trường thọ và tốt lành trong cuộc sống. Chúng có nhiều thứ để ta học hỏi ví dụ như tâm trí tĩnh lặng, không tranh giành và so đo tính toán, không có mưu cầu hay tham vọng quá lớn vượt sức của mình.

Vì những đặc điểm này, mà ở rùa không tồn tại chữ “dục vọng”. Từ xưa tới nay, rùa không đấu đá với ai, cũng chưa từng ganh đua, tranh giành. Chúng ta thường thấy có chọi gà, chọi trâu, chọi chim… mà không có chọi rùa, đơn giản bởi chúng không đánh lộn lẫn nhau.

Thậm chí nếu ai đó trêu chọc, bắt nạt, nó cũng sẽ giấu đuôi co chân lại, để bạn trở thành một anh hùng không có đối thủ. Rùa không bao giờ tự khiêu chiến hay phản ứng lại với những mâu thuẫn gây bất hòa dẫn tới chiến tranh. Nó là con vật sử dụng thành công chiến thuật “một sự tĩnh có thể chiến thắng hàng trăm sự động, một sự nhẫn có thể chiến thắng hàng trăm sự dũng”.

Đương nhiên trong va chạm sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống ta khó tránh nảy sinh các loại nhân tâm như đố kỵ, đấu đá, trước những vấn đề lớn, không thể xem nhẹ và dễ dàng bỏ qua. Hãy học cách coi nhẹ danh lợi, không tranh giành tính toán ở rùa. Hãy học cách tùy thuận theo tự nhiên, có như vậy tâm mới tĩnh lặng được.

Khi con người không tơ hào đến những thứ thuộc về dục vọng ham muốn, thì bản thân không cần đến chữ “nhẫn”. Không giữ sự ham muốn quá mức, tức là coi nhẹ mọi việc, trong tâm hoàn toàn thản nhiên bàng quan với mọi điều xung quanh, bởi coi nhẹ nên sẽ không có dục vọng, sẽ không sinh cáu giận và không tổn hại tới sức khỏe. Sát thủ nguy hiểm nhất của chúng ta chính là dục vọng. Đừng giữ quá nhiều ham muốn trong lòng, đó chính là điểm mà chúng ta nên học ở rùa.

Hầu hành (hiếu động như một con khỉ)

photo1518747928448-1518747928448261250454

Khỉ là động vật ưa hoạt động nhất trong tất cả các loài vật, chúng hầu như không mấy khi ngồi yên. Dù ở đồng bằng hay rừng núi, cây cao hay vực sâu, bất kỳ đâu vẫn luôn leo trèo, đi lại, vận động. Bởi thường xuyên vận động nên chúng có sự dẻo dai, kiên trì, chân và toàn thân luôn luôn có sức lực. Vận động nhẹ nhàng, tập thể dục đều đặn tác động tốt cho hệ tuần hoàn của người lớn tuổi.

Ngoài ra, vận động thường xuyên còn giúp tăng cường sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp hệ cơ xương khớp dẻo dai và ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Thường xuyên tập thể dục thể thao giúp người cao tuổi thêm dẻo dai, khỏe mạnh và yêu đời. Tuy nhiên, do đặc điểm thể chất, người lớn tuổi cần có chế độ tập luyện phù hợp với tuổi tác. Những môn thể dục thể thao như dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe với tốc độ chậm, bơi lội nhẹ nhàng… đều là giúp người già trở nên hoạt bát nhanh nhẹn. Tuy nhiên các hoạt động này chỉ nên kéo dài khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày và nên cách giờ ngủ ít nhất 3 tiếng để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, giấc ngủ sâu và ngon hơn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc