Vì sao nước biển có vị mặn còn nước sông, hồ thì không?
Nước chiếm tới 71% diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó đại dương chiếm tới 96,5%. Chỉ hơn 3% nước còn lại trên hành tinh là nước ngọt. Tuy nhiên, 2% nước ngọt tồn tại dưới dạng đóng băng hoặc trong lòng đất và chỉ có 1% nước ngọt đến từ sông, hồ, suối. Lượng nước ngọt này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lý giả vì sao nước biển lại mặt.
Nước di chuyển xung quanh trái đất theo vòng tuần hoàn. Nước biển được mặt trời làm nóng và biến thành hơi nước bay vào không khí (quá trình bốc hơi). Hơi nước lơ lửng trong không khí và được đưa lên cao, được làm mát rồi trở lại dạng lỏng, tạo thành các đám mây lơ lửng trong không trung (gọi là quá trình ngưng tụ). Hơi nước trong các đám mây ngưng tụ đến một giai đoạn nhất định sẽ trở thành giọt nước rơi xuống dưới dạng mưa, mưa đá hoặc tuyết.
Mưa rơi trên đất, nước chảy thành suối, thành sông và cuối cùng lại đổ ra biển. Mặt trời lại tiếp tục làm nóng nước biển và chu kỳ lại tiếp tục diễn ra.
Nước sông cũng có muối nhưng lượng muối rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/70 so với nước biển.
Có giả thuyết cho rằng nước biển ban đầu cũng ngọt như nước sông, nước hồ. Sau đó, muối trong các lớp đất đá bị xói mòn, trong nham thạch núi lửa đã theo nước sông chảy ra biển. Hơi nước ngưng tụ lại thành mây rồi thành mưa và đổ xuống đất liền, đổ xuống sông hồ. Nước sông lại tiếp tục đổ ra biển. Theo thời gian, nước ở biển liên tục bốc hơi nhưng muối do các sông mang đến vẫn đọng lại. Điều này khiến cho nước biển trở nên mặn hơn.
Có thể giải thích kỹ hơn như sau: Khi mưa rơi xuống, nước mưa sẽ hòa tan khí carbon dioxide (CO2) từ khí quyển và tạo thành nước có tính axit nhẹ (chứa axit carbonic). Axit này chảy trên bề mặt đất và tương tác với các loại đá, các khoáng chất có trong đất đá, làm chúng phân ra thành các ion khoáng chất trong đó có natri (Na⁺) và clorua (Cl⁻). Đây là hai thành phần chính để tạo ra muối (NaCl). Các ion này theo nước mưa chảy ra suối, sông và cuối cùng đổ ra biển. Nước biển bốc hơi để lại muối. Hơi nước từ biển lại tiếp tục ngưng tụ và lặp lại chu kỳ như trước.
Ngoài ra, ở những vùng rìa đại dương, nơi các mảng kiến tạo của Trái Đát gặp nhau, núi lửa có thể phun trào và trực tiếp giải phóng khoáng chất vào trong nước biển. Các khoáng chất đó bao gồm cả natri và clorua.
Bản thân nước biển cũng xâm nhập vào các khe nứt dưới đáy biển và tương tác với các khoáng chất có trong lớp vỏ Trái Đất. Tại đây, quá trình thủy nhiệt xảy ra. Khi đó, nước biển sẽ hấp thụ thêm các ion natri, canxi, magie. Điều này làm độ mặt của nước biển tăng lên.
Độ mặn của nước biển liên tục thay đổi
Trung bình, mỗi lít nước biển có thể chứa 35 gram muối. Tuy nhiên, độ mặn của nước biển có thể thay đổi theo vị trí địa lý, điều kiện khí hậu.
Việc đại dương chứa nước mặn có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của nhiều sinh vật. Nước biển chính là môi trường sinh sống của rất nhiều loài sinh vật. Muối trong nước biển có tác dụng cân bằng áp suất thẩm thấu trong các loài sinh vật biển, hỗ trợ quá trình trao đổi chất của chúng.
Quá trình bốc hơi nước ở biển cũng là cách góp phần điều chỉnh khí hậu trên Trái Đất một cách tự nhiên. Nước biển bốc hơi giúp làm mát Trái Đất. Sự tuần hoàn của nước biển thông qua các dòng hải lưu còn góp phần phân phối nhiệt trên toàn bộ hành tinh này. Nó cũng có ảnh hưởng đến khi hậu, thời tiết của từng vùng.
Vòng tuần hoàn nước có thể bị ảnh hưởng do biến đổi khi hậu. Khi đó, lượng nước ngọt đổ từ sống ra đại dương cũng có sự thay đổi. Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên, lượng nước bốc hơi ở đại dương cũng tăng lên dẫn đến độ mặn của nước biển sẽ tăng. Ngược lại, một số vùng có lượng nước biển tăng lên là do băng tan và do lượng nước ngọt từ suối, sông đổ ra lớn hơn, làm giảm độ mặn của nước.
Hoạt động khai thác muối biển và việc can thiệp vào các nguồn nước ngọt cũng ảnh hưởng đến độ mặn của nước biển.