Truyền thống hôn nhân trắc trở
Seretse Khama Ian Khama sinh ngày 27/2/1953, là Tổng thống đương nhiệm của Botswana và đồng thời là Tù trưởng tối cao của bộ lạc Bamangwato. Ông là con trai cả của Sir Seretse Khama, vị lãnh đạo độc lập tối cao của quốc gia này. Cha ông từng là Tổng thống của Botswana từ năm 1966 đến năm 1980, và mẹ là bà Ruth Williams Khama.
Ông sinh ra ở Chertsey, Surrey trong thời gian cha ông lưu vong đến Vương quốc Anh do sự phản đối của chính quyền thực dân và chế độ phân biệt chủng tộc nổi lên ở Nam Phi vì cha ông đã dám kết hôn với một người phụ nữ da trắng.
Seretse Khama |
Có thể nói, Ian Khama là kết quả của một cuộc hôn nhân nhiều sóng gió và chính những điều đó đã ảnh hưởng không ít tới tâm lí của ông khi tuyển chọn bạn đời. Cha ông, Seretse Khama đã gặp bà Ruth William ở Luân Đôn khi còn là một thanh niên đến Vương quốc Anh để học tập.
Bà Ruth Khama khi đó là một nhân viên của ngân hàng Lloyds ở London. Bỏ qua những rào cản về ngôn ngữ, chủng tộc, hai người đã nhanh chóng yêu nhau và kết hôn sau một năm quen biết. Nhưng điều này đã làm cho người dân Botswana tức giận khi Seretse Khama trở về quê hương của mình.
Seretse Khama vốn là vua của Bechuanaland, tên gọi cũ của Boswana ngày nay. Seretse Khama lên ngôi vua khi ông vừa bốn tuổi. Nhưng vì còn quá nhỏ nên quyền cai trị quốc gia thuộc về chú của Seretse Khama, ông Tshekedi Khama. Ngay khi hay thông tin Seretse Khama sẽ cưới một người phụ nữ da trắng làm vợ, chú của Seretse Khama đã vô cùng tức giận.
Ông Tshekedi Khama đã yêu cầu Seretse Khama quay trở về Bechuanaland và ra chỉ thị bãi bỏ cuộc hôn nhân. Không chỉ gặp sự phản đối của gia đình, bộ tộc, Seretse Khama còn trở thành một “tội đồ” trong mắt chính phủ Nam Phi lúc bấy giờ, khi mà ông đã dám vượt qua truyền thống và những qui định ngặt nghèo ở nơi đây để kết hôn với một người phụ nữ da trắng. Đám cưới của Seretse Khama diễn ra vào năm 1948 nhưng không một ai cảm thấy vui mừng khi nghe về tin ấy.
Chính phủ Nam Phi đã dùng thế lực của mình với Anh quốc phản đối Seretse Khama. Nước Anh lúc ấy đang bảo hộ Bechuanaland. Chính phủ Anh đã không cho Seretse trở về bản xứ. Ông và Ruth William chỉ được phép trở về chỉ khi nào Seretse từ bỏ vương quyền. Cả hai người sau khi cưới nhau đã phải sống những tháng ngày lưu vong vô cùng khổ cực và thiếu thốn trên đất nước Anh.
Khoảng mười năm sau, Anh quốc hết bảo hộ Bechuanaland. Seretse Khama đã quay trở về và ra ứng cử để trở thành một nhà lãnh đạo mới. Ông đã đắc cử, và năm 1966, Seretse trở thành Tổng thống đầu tiên của đất nước Botswana độc lập. Với sự giúp đỡ đắc lực của vợ và con, ông đã lãnh đạo đất nước cho tới khi qua đời vào năm 1980.
Đó là câu chuyện của cha mẹ Ian Khama. Cuộc hôn nhân sau rất nhiều sự ngăn cấm cuối cùng cũng đã được công nhận. Tuy nhiên, đối với Ian Khama, đứa con sinh ra từ chính những sóng gió này, nó đã trở thành một dấu ấn khiến ông trở nên ngại ngùng với việc phải làm quen hay ngỏ lời với bất cứ một người con gái nào khác.
Lao vòng vòng xoáy chính trị, Ian Khama lại thêm bận tới mức không có thời gian dành cho việc của riêng mình. Chính vì thế mà đã sắp sửa bước sang tuổi 60, Ian Khama vẫn đi về một mình và không có được vinh hạnh có đệ nhất phu nhân đi theo nâng khăn sửa túi như nhiều vị Tổng thống khác trên thế giới.
Đám cưới hụt và gian nan công cuộc tìm vợ
Khi nhắc đến việc Tổng thống 60 tuổi vẫn chưa có vợ, có nhiều người còn “độc miệng” cho rằng vị Tổng thống này có vần đề về giới tính. Điều này có vẻ thật nực cười, bởi ế vợ không có nghĩa là Tổng thống Ian Khama chưa từng yêu một người phụ nữ nào. Người yêu của Ian Khama là một nha sĩ ở Gaborone, tiến sĩ Nomsa Mbere.
Thực ra mối tình này khá sâu đậm và họ đã sắp sửa tiến tới một cái kết viên mãn là đám cưới. Lễ đính hôn đã thực hiện, hầu hết các thủ tục đã hoàn thành và chỉ còn một điều duy nhất là định ngày cưới. Người dân Boswana cũng tin rằng Nomsa Mbere đã được chuẩn bị một cách chu đáo để trở thành đệ nhất phu nhân, như là việc cô được phong làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Botswana. Nhưng sau đó, một sự kiện quan trọng khác đã cắt ngang cuộc hôn nhân này. Mẹ của Ian Khama, bà Ruth Khama đã đột ngột qua đời khi mà công tác chuẩn bị đám cưới đang diễn ra.
Người ta không biết những gì xảy ra sau đó vì không ai nói về cuộc hôn nhân không bao giờ có được này nữa. Ngay cả những người thân của Khama, bao gồm chú bác và những người bạn của Ian Khama, không ai nói bất cứ điều gì về vấn đề này.
Đám cưới hụt nhanh chóng chìm đi để lại một dấu hỏi mà dân chúng trên khắp cả nước Botswana cũng nóng lòng muốn tìm hiểu. Từ sau sự kiện này, người ta không thấy Nomsa Mbere xuất hiện bên cạnh Ian Khama nữa.
Nomsa Mbere |
Mãi cho tới gần đây, Ian Khama mới chính thức xác nhận rằng hôn ước đã bị hủy. Người ta cũng không thấy Nomsa Mbere lên tiếng oán trách hay tố cáo ông Ian Khama phụ bạc. Có lẽ họ đều biết rằng duyên của họ chỉ đến đó là chấm dứt nên không ai trách móc nhau một lời nào.
Sau cuộc hôn nhân hụt với Nomsa Mbere, đồng thời cũng là sau cái chết của mẹ mình, Ian Khama gần như không gặp gỡ bất cứ cô gái nào khác. Ông lặng lẽ đi về như một chiếc bóng, dành toàn bộ tâm trí của mình cho việc quốc gia.
Gần như có một nỗi mặc cảm nào đó khiến ông ngại tiếp xúc với phụ nữ, mặc dù bình thường ông là người cực kì vui tính và thoải mái. Sự dè dặt càng lớn hơn khi mà theo năm tháng, tuổi tác ngày càng tăng nhưng vẫn chưa có mối duyên nào chịu “vồ” lấy Ian Khama.
Việc chưa có vợ ở tuổi 60 hoàn toàn không ảnh hưởng tới công việc của Tổng thống Ian Khama. Tuy nhiên, không có một đệ nhất phu nhân ở bên cạnh khi xuất hiện ở mọi nơi là một điều thiệt thòi cho Khama. Bước sang tuổi 60, dường như đã bắt đầu có dấu hiệu nôn nóng, Ian Khama đã gạt bỏ những nỗi ngại ngùng của cá nhân để chính thức nói chuyện về cái sự ế vợ của mình.
Ông Khama đã đưa vấn đề này ra thảo luận với các trợ lý của mình. Ông giải thích rằng do quá bận với các công việc quốc gia nên ông không có thời gian tìm người bạn đời. Chính vì thế, Ian Khama giao trọng trách cho những người cấp dưới của ông giúp ông tìm một đệ nhất phu nhân.
Tiêu chuẩn mà Ian Khama đưa ra đó là, người bạn đời của ông phải là một phụ nữ dáng người cao ráo, mảnh mai và ưa nhìn. Lấy ví dụ đối lập là nữ Bộ trưởng Botlhogile Tshireletso, Tổng thống Ian Khama cho biết ông không thích một người phụ nữ có thân hình mập mạp như bà Botlhogile Tshireletso.
Giải thích cho lý do mà ông từ chối những người phụ nữ béo, Ian Khama hài hước nói rằng, một người béo như thế có thể sẽ không chui vừa qua cửa, làm vỡ đồ đạc và thậm chí làm vỡ thiết bị giảm xóc của xe. Có thể nói mặc dù đã ở tuổi 60 nhưng ông Ian Khama vẫn có con mắt nhìn phụ nữ rất hiện đại và tân tiến.
Trong truyền thống của Boswana, những người phụ nữ béo thường được coi là đẹp, bởi nó phù hợp với các giá trị truyền thống tại châu Phi - nơi sự béo tốt được xem là một dấu hiệu của thịnh vượng và hạnh phúc.
Tiêu chuẩn của Ian Khama không phải là cao nhưng để có một người phụ nữ vừa cao ráo, mảnh mai, ưa nhìn lại phải xứng đáng với vị trí đệ nhất phu nhân Boswana thì quả là điều không hề dễ chút nào.
Sau những đề xuất của Tổng thống Ian Khama, giờ đây có một chuyện khá hài hước trong Văn phòng Tổng thống Boswana đó là có hẳn một ban bệ được lập ra nhằm tìm vợ cho Tổng thống. Nhánh phụ nữ trong đảng Dân chủ Botswana cầm quyền đang đảm nhận nhiệm vụ chính trong việc này. Người đứng đầu của ban này là bà Angelinah Sengalo.
Emma Wareus |
Nữ Bộ trưởng Angelinah Sengalo mới đây đã vô cùng vui mừng khi phát hiện ra nữ hoàng sắc đẹp Emma Wareus, người mới giành ngôi Á hậu 1 trong cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2010. Ngay lập tức bà Angelinah Sengalo đã đưa Emma Wareus vào danh sách ứng cử viên số một cho vị trí đệ nhất phu nhân Botswana.
Tuy nhiên, Emma Wareus trẻ đẹp có chịu làm bạn với Tổng thống hay không hoặc Tổng thống Ian Khama có hài lòng về người bạn đời với các chuẩn mực của một Á hậu thế giới hay không còn là điều phải chờ đợi. Nói đúng ra là phải chờ xem họ có duyên đến với nhau hay không. Việc tìm vợ cho Tổng thống xem ra không còn là câu chuyện của riêng ông Ian Khama mà giống như một sự kiện trọng đại của đất nước này vậy.
Hà An