Mùa hè, thời tiết nắng nóng cũng là lúc các mặt hàng chống nắng bán “đắt như tôm tươi”. Ngoài các sản phẩm váy áo chống nắng, kem chống nắng, trên thị trường hiện bán tràn ngập viên thuốc uống chống nắng.
Trên thị trường đang có rất nhiều loại thuốc chống nắng xuất xứ Mỹ, Nhật Bản, giá bán dao động từ 350.000-1,2 triệu đồng/hộp, tùy vào số lượng và xuất xứ. Song, viên uống chống nắng của Nhật giá thường rẻ bằng một nửa hàng Mỹ.
Đánh trúng tâm lý của chị em là sợ trời nắng nóng đi ra ngoài đường sẽ bị cháy nắng, đen da, thậm chí sợ bị ung thư da, nên dù giá bán khá đắt đỏ chị em vẫn đổ xô đặt mua.
Các loại viên thuốc uống chống nắng được quảng cáo rầm rộ rằng có "công dụng thần kỳ", khiến không ít chị em xiêu lòng. Đơn cử, trên website có tên Myphamh... cho rằng viên uống chống nắng Su... có khả năng chống nắng bảo vệ da hoàn hảo suốt 24 giờ. Trang web này khẳng định thuốc chống nắng được sản xuất tại Mỹ, giá một hộp 30 viên lên tới 830.000 đồng.
Theo đó, chỉ cần uống 1 viên uống mỗi ngày sẽ giúp chống nắng và bảo vệ da toàn diện, khử toàn bộ tia UV, ngăn ngừa sạm nám, lão hóa da; thiết lập hàng rào bảo vệ tế bào da ngay từ bên trong; nuôi dưỡng da khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng cho da, chống ung thư da..v.v...
Một tài khoản FB khác cũng quảng cáo loại viên uống trống nắng M. được sản xuất từ Mỹ. Loại thuốc này không chỉ giúp tránh được tia cực tím UV, giảm quá trình lão hóa da, tàn nhang, sạm,… mà, theo người bán, trước khi ra khỏi nhà, chị em chỉ cần uống duy nhất 1 viên mà không cần phải dùng kem chống nắng, thậm chí có thể phơi nắng mà vẫn không bị cháy nắng, đen da. Một viên thuốc chống nắng M. có giá lên tới 20.000 đồng, hộp 60 viên giá 1,2 triệu đồng.
Người bán còn quảng cáo thuốc chống nắng có dụng ngay sau 1 tiếng, thậm chí nhiều loại có tác dụng ngay sau 30 phút sử dụng.
Chị L. (Trần Đại Nghĩa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, vào đầu mùa nóng chưa được bao lâu mà da chị đã cháy đen dù đã mũ nón, váy áo che chắn khá kỹ. Trong lúc không biết phải làm gì để bảo vệ da, chị thấy đồng nghiệp trên cơ quan rủ nhau đặt mua viên thuốc chống nắng về uống nên chị cũng mua theo. Chị đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng để đặt mua loạt thuốc “thần thánh” này.
“Tôi mới uống được vài viên, chưa rõ công dụng của chúng có được như quảng cáo hay không nhưng giá thì khá đắt”, chị Linh nói.
Tuy nhiên mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức phủ nhận điều này.
Thông cáo báo chí do FDA công bố vào ngày thứ 3 (22/5) khẳng định: "Không 1 loại viên uống nào có thể thay thế kem chống nắng. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều sản phẩm hứa hẹn có khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời nhưng chúng không thể làm được như quảng cáo đã nói. Thay vào đó chúng lại gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và khiến họ gặp phải rủi ro khi sử dụng".
Đồng thời FDA cũng gửi thư cảnh cáo tới 4 công ty đang kinh doanh mặt hàng này, đó là: GliSODin Advanced Skin Brightening Formula, Napa Valley Bioscience Sunsafe Rx, Solaricare, và Sunergetic. Những công ty này đều quảng cáo viên uống chống nắng của họ có thể bảo vệ người dùng khỏi tác hại của tia UV, và ngăn chặn quá trình lão hóa sớm do tác hại của ánh nắng mặt trời. Điều này theo FDA là "gây nguy hiểm cho người tiêu dùng bằng cách khiến họ cảm thấy rằng các loại thực phẩm chức năng có thể bảo vệ làn da trước ánh nắng, ngăn cháy nắng, tránh lão hóa hoặc làm giảm thiểu nguy cơ ung thư da".
FDA khuyến cáo, thay vì uống viên chống nắng, người tiêu dùng nên sử dụng các loại kem chống nắng chuyên biệt, nên chọn loại có độ SPF từ 15 trở lên và nên thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ.
Theo các chuyên gia y tế, đến nay không có biện pháp nào chống nắng đạt hiệu quả 100%. Cách tốt nhất là khi đi ra nắng cần phải thoa kem chống nắng, đội nón rộng vành, bịt khẩu trang, mặc áo khoác chống nắng.
Ngoài ra, khi sử dụng kem chống nắng bạn cũng cần bôi đủ liều lượng thì kem mới đủ tác dụng để bảo vệ da. Bác sĩ Sam Bunting (bác sĩ da liễu nổi tiếng và từng làm việc với nhiều tờ báo làm đẹp lớn như Elle, Vogue, Harpers Bazaar, Stylist, InStyle, Elle, Marie-Claire) đã từng lấy ví dụ về lượng kem chống nắng tiêu chuẩn. Theo đó bác sĩ sử dụng sản phẩm CeraVe Facial Moisturizing Lotion SPF 25, và cần đến 6 pump, tương đương 1 thìa con thì mới đủ định lượng kem tiêu chuẩn cho toàn mặt.